Vì một Hà Nội xanh

Thứ ba, 15/12/2020 08:31
(ĐCSVN) - Có thể nói hành trình trồng một triệu cây xanh cho Hà Nội đã được thực hiện bằng sự nỗ lực bền bỉ, sự chung tay và ủng hộ của cộng đồng. Một hành trình đặc biệt đã hoàn thành, nhưng tâm huyết “vì triệu cây vươn cao cho một Hà Nội xanh” tiếp tục lan tỏa đến mỗi người dân, truyền đi thông điệp về chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh đất nước.

Dự án trồng 1 triệu cây xanh của UBND Thành phố Hà Nội bắt đầu từ năm 2016 và đến nay đã về đích vượt chỉ tiêu. Ảnh: laodongthudo.vn

Chương trình “Một triệu cây xanh” của Hà Nội được Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội phát động, chỉ đạo sát sao từ năm 2016 đến nay đã được hoàn thành, tạo nên diện mạo mới cho thủ đô.

Với nhu cầu phát triển hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tạo chỉnh trang hệ thống cây xanh. Mục tiêu xây dựng một thủ đô “xanh - sạch - đẹp” không chỉ cần chủ trương đúng hay nỗ lực của chính quyền, mà cần cả tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường sống của mỗi người dân thủ đô.

Năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu chương trình trồng mới “Một triệu cây xanh”, sớm trước thời hạn đề ra 2 năm. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Thành phố đã trồng được 1.000.021 cây bóng mát, cây lâm nghiệp các loại (không bao gồm 264.562 cây ăn quả), đạt 100% mục tiêu Chương trình một triệu cây xanh. Trong đó, cấp Thành phố trồng được 705.119 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 48.149 cây cảnh, khóm các loại); cấp huyện trồng được 264.010 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 264.562 cây ăn quả).

Cùng với đó, các tổ chức tham gia xã hội hóa đã trồng được 30.892 cây đô thị. Hà Nội cũng được các tổ chức, cá nhân tặng cây.

Trong số hơn một triệu cây xanh đã trồng, các chủng loại cây bóng mát chủ yếu là cây Sang, Lộc Vừng, Bàng lá nhỏ, Ban, Cọ dầu, Chà là, Sấu, Giáng hương, Chuông vàng, Phượng, Bằng lăng, Muồng lá lạc, Muồng hoa vàng, Kèn vàng, Muồng Osaka, Keo tai tượng. Chủng loại cây cảnh khóm, cây cảnh mảng đa dạng cả về chủng loại lẫn màu sắc như: Muồng hoa vàng, Dâm bụt, Tường vi, Mai hoa đăng, Hồng lộc, Đại tướng quân, Chuối rẻ quạt, Bạch trinh, Dương xỉ, Chiều tím, Cỏ lạc, Kim châm, Dứa vạn phúc…

Nhiều khó khăn khi thực hiện mục tiêu “Một triệu cây xanh”

Thành phố chưa bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng vườn ươm phục vụ cho nghiên cứu. Ảnh: phapluat.vn

 

Theo báo cáo của Thành phố Hà Nội, khi tiến hành chương trình trồng mới một triệu cây xanh, hiện trạng hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố có nhiều khó khăn. Với nhu cầu phát triển hệ thống cây xanh đô thị ngày càng tăng, Thành phố chưa bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng vườn ươm phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong việc ươm, tạo các loại giống cây trồng và vườn ươm tạm thời để tập kết dự trữ cây giống chuyển về từ các vùng lân cận và nhập khẩu cây để huấn luyện, đôn đảo cây trong giai đoạn chăm sóc ban đầu trước khi trồng trên các tuyến phố, giúp cây ổn định sinh trưởng và phát triển tốt, do đó cần phải bố trí quỹ đất phát triển vườn ươm đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả sử dụng đất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc nghiên cứu giống cây, thuần hóa cây nhập ngoại; công tác ươm trồng giống và sản xuất cây trồng đáp ứng cung cấp cây xanh cho đô thị.

Bên cạnh đó, còn một khó khăn đặt ra là ý thức của một bộ phận người dân đối với việc bảo vệ môi trường như: dẫm lên cỏ, bẻ cây, ngắt cành (lộc) những dịp lễ hội, ngày Tết và không muốn trồng cây tạo cảnh quan xanh trước khu vực mặt tiền ngôi nhà thuộc các tuyến phố.

Một trong những khó khăn do nguồn kinh phí Thành phố còn hạn chế, chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia nên việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp công viên, vườn hoa, trưng bày chim thú, vật kiến trúc ... còn ít, thiếu và đơn điệu nên đã ảnh hưởng đáng kể đến mỹ quan công viên, vườn hoa.

Đối với các công viên, vườn hoa cũ, hiện trạng phân bố không đồng đều giữa các quận. Hầu hết các công viên, vườn hoa này chỉ được duy trì thường xuyên cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, duy trì vật kiến trúc, cải tạo, sửa chữa nhỏ hàng năm (các điểm bong bật đường dạo, sơn tường, hàng rào, thay thiết bị chiếu sáng cháy hỏng ...). Do chưa được cải tạo, chỉnh trang tổng thể nên nhiều hạng mục công trình xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu cho nhân dân vui chơi, giải trí, chưa tạo được điểm nhấn về cảnh quan, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Tình trạng trật tự an ninh, vệ sinh môi trường tại một số công viên vườn hoa chưa được tốt, vẫn còn hiện tượng bán hàng, chiếm dụng không gian chung; một số người dân thiếu ý thức gây hư hại cây xanh, vật kiến trúc; đội ngũ quản lý chưa cương quyết với các đối tượng vi phạm. Một số công viên vườn hoa tiếp giáp với khu dân cư gây khó khăn trong công tác bảo vệ trật tự an ninh, chống lấn chiếm và xâm hại công viên vườn hoa.

Mặc dù có nhiều khó khăn như vậy, nhưng Hà Nội đã hoàn thành chương trình trước thời hạn 2 năm nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai thực hiện. Đặc biệt, công tác tuyên truyền tốt của hệ thống thông tin truyền thông, các báo, đài và được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã báo cáo UBND Thành phố và ủng hộ cây cho Thành phố để trồng, giảm thiểu chi phí ngân sách Nhà nước trong việc trồng cây.

Theo đánh giá của Thành phố, trong quá trình triển khai thực hiện, sự phối hợp tích cực, vào cuộc của các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để thực hiện các nhiệm vụ với nòng cốt là Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và đơn vị thực hiện là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.

Hà Nội cũng đã nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong: giống, vườn ươm, hệ thống đơn giá định mức, học tập kinh nghiệm, áp dụng công nghệ, sử dụng các trang thiết bị chuyên ngành hiện đại, kêu gọi đầu tư, phối hợp hỗ trợ của các đơn vị tổ chức trong nước quốc tế có quan tâm đến lĩnh vực này.  

Thêm 600 nghìn cây xanh cho Thủ đô

Hoa tường vi nở rộ trên đường Nguyễn Chí Thanh mang lại vẻ đẹp tươi sáng cho cảnh quan đô thị. Ảnh: phapluat.vn

 

Hà Nội trồng bổ sung thêm 600.000 cây. Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp cùng các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và các đơn vị duy trì trên địa bàn Thành phố tiếp tục tiến hành rà soát các tuyến phố, các dải phân cách để khảo sát và xây dựng phương án trồng cây bằng các loài cây đa dạng chủng loại đảm bảo đồng bộ trên các tuyến phố.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục trồng cải tạo cảnh quan, trang trí tại các trục hướng tâm; các trục đường cửa ô ra, vào; một số tuyến phố trọng điểm trên địa bàn Thành phố; tiếp tục trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống,  cây cong, xấu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển trên địa bàn Thành phố; kêu gọi xã hội hóa trong việc trồng, chăm sóc và trang trí cây xanh trên địa bàn Thành phố; tiếp tục trồng hệ thống cây xanh tại các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu đô thị xây dựng mới nhằm đồng bộ hệ thống Hạ tầng kỹ thuật phù hợp với thực tiễn trong quá trình phát triển đô thị.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn Thành phố đã trồng được 144.731 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 66.490 cây ăn quả; 34.051 cây tầm thấp đơn lẻ khóm và 28.646 m2 cây mảng, thảm cỏ).

Đường bộ ở đường Láng được trồng mới với 3 tầng cây xen kẽ nhau tạo cảnh quan đẹp. Ảnh: phapluat,vn

 

Thành phố đang trồng cải tạo, bổ sung thay thế cây xanh, tạo không gian xanh, cảnh quan xanh tại một số tuyến đường có dải phân cách lớn, vỉa hè rộng; trồng cây cải tạo môi trường, tạo bóng mát trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ, khu vực vùng ảnh hưởng của Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Về công tác cắt tỉa cây xanh, từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị đã cắt tỉa 82.461 cây. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá nhằm bảo đảm cảnh quan, an toàn giao thông là 71.167 cây; cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao nhằm giảm nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão là 11.294 cây.

Sau 2 năm thực hiện kế hoạch trồng 600.000 cây xanh trên khắp địa bàn Hà Nội, cảnh quan của Thủ đô đã có những thay đổi tích cực, trở nên xanh, sạch và đẹp hơn.

Có thể nói, chỉ trong giai đoạn 2019-2020, người dân Thủ đô đã vui mừng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều đoạn đường dành riêng cho người đi bộ với hệ thống cây xanh, cảnh quan đẹp mắt như tuyến đường đi bộ trên phố Thái Hà dài khoảng 400 m, con đường đi bộ ven sông Tô Lịch dài 4km, đường Láng với các thảm hoa đẹp mắt... Các tuyến phố khác trên địa bàn đều trở nên đẹp hơn nhờ việc cải tạo, trồng mới hệ thống cây xanh như Liễu Giai, Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh... hay các tuyến đường cửa ngõ như Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Đại lộ Thăng Long...

Những “con đường xanh” nhanh chóng trở thành điểm tập thể dục, chơi thể thao yêu thích của người dân Hà Nội. Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, những con đường ngập cây xanh càng chứng tỏ “sức mạnh” hữu ích như hạn chế nắng, nóng gay gắt, tạo bóng râm, lọc không khí.

Để có một Hà Nội xanh, sạch, đẹp đúng như danh hiệu “Thành phố Xanh”, “Thành phố vì hòa bình”, không chỉ cần những nỗ lực chung của Thành phố và các đơn vị liên quan mà còn cần có sự đồng lòng của người dân trong việc tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của mình. Tình yêu của chính người dân Hà Nội, thực sự là điều quan trọng để Hà Nội ngày càng đẹp hơn, sạch hơn, xứng tầm Thủ đô văn minh, hiện đại./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực