Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ở Hưng Yên: Vượt qua khó khăn, Duy trì tăng trưởng

Thứ bảy, 16/01/2010 18:15

(ĐCSVN) - Trước tình hình nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDNDCS) đã tận dụng tốt lợi thế của mình, hạn chế tối đa khó khăn, thách thức với những chính sách điều chỉnh lãi suất linh hoạt, kịp thời, đa dạng các hình thức huy động vốn nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản cũng như cho vay đối với khách hàng thành viên.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 57 QTDNDCS với tổng số thành viên tham gia hơn 50 nghìn hộ gia đình, cá nhân, tăng 2 quỹ và trên 2 nghìn thành viên so với cuối năm 2008. Năm 2009, hoạt động huy động vốn của các QTDNDCS gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát và suy giảm kinh tế. Những biến động lãi suất huy động cùng với giá vàng, giá đô la và đặc biệt là sự trượt giá của đồng Việt Nam trên thị trường đã ảnh hưởng tới tâm lý của người có tiền nhàn rỗi. Thay vì việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng cho “an toàn” như trước đây thì nay họ lại có hướng chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực khác khiến các tổ chức tín dụng nói chung và các QTDNDCS nói riêng khó “giữ chân” khách hàng. Mặt khác, các QTDNDCS còn phải cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng thương mại trên địa bàn vốn có tiềm lực kinh tế mạnh hơn, có nhiều hình thức huy động vốn đa dạng, phong phú kèm theo nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn thu hút người gửi tiền. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các QTDNDCS của tỉnh đã thực hiện các biện pháp phù hợp để ổn định hoạt động, nhờ vậy, nhiều QTDNDCS vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Nhiều chỉ tiêu phát triển tín dụng của hệ thống QTDNDCS trên địa bàn tỉnh tăng so với cuối năm 2008 như: tổng nguồn vốn của 57 QTDNDCS đạt trên trên 900 tỷ đồng, tăng trên 22%; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 784 tỷ đồng, tăng 24%; dư nợ cho vay đạt trên 784,6 tỷ đồng, tăng trên 34%.

Ông Phạm Hữu Ngạn, Giám đốc điều hành quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Xá (Kim Động) cho biết: “Để cạnh tranh “đầu vào” với các ngân hàng thương mại trên cùng địa bàn hoạt động, chúng tôi xác định mình phải “nhanh chân” hơn họ, tận dụng tối đa lợi thế của mình, điều chỉnh lãi suất huy động một cách linh hoạt, tăng cường huy động vốn tại chỗ, hạn chế vay vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Có như vậy quỹ mới chủ động được nguồn vốn trong các giao dịch cho vay và tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị tiền tệ vì lãi suất huy động từ thành viên thường thấp hơn lãi suất vay của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mại bằng hình thức tặng quà cho khách hàng tới gửi tiền nhằm tăng nguồn vốn huy động đáp ứng nhu cầu cho vay thành viên”.

Đối tượng phục vụ của các QTDNDCS chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn có nhu cầu sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với số vốn vay không lớn và thời hạn vay vốn ngắn (chủ yếu dùng vốn giải quyết các nhu cầu trước mắt, nhu cầu ngắn hạn), đồng thời đây cũng là những đối tượng khách hàng rất nhạy cảm với các biến động kinh tế, dễ bị tác động của thị trường. Nắm bắt được đặc thù đối tượng phục vụ nên ngoài cơ chế huy động và cho vay linh hoạt, hợp lý, các QTDNDCS còn tận dụng tốt lợi thế là một tổ chức tín dụng tập thể, phục vụ đối tượng là nhân dân trên địa bàn xã. Cán bộ, nhân viên của các QTDNDCS có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của người dân để đề ra các phương án phục vụ đạt hiệu quả cao nhất. Anh Đào Chí Cương, Giám đốc điều hành quỹ tín dụng nhân dân Đào Dương (Ân Thi) tâm sự: “Ngoài những chính sách về huy động vốn và cho vay, quỹ còn có chính sách chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng nhằm tạo điều kiện để họ tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế. Đối với những khách hàng vay vốn tại quỹ đã đến thời hạn trả nợ nhưng vì nhiều lí do khác nhau nên họ chưa thể trả được nợ, quỹ đã thực hiện chính sách gia hạn và cho họ trả nợ dần theo phương thức trả hàng tháng, hàng quý cho đến khi hết nợ. Nhờ vậy, sau 15 năm hoạt động nhưng chưa có trường hợp thành viên nào vay vốn của quỹ không trả được nợ”.

Năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng hoạt động của các QTDNDCS vẫn đạt kết quả đáng mừng so với năm 2008. Bộ máy quản lý, điều hành của các QTDNDCS tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chú trọng. Đến nay, đã có 250 trong tổng số 520 lao động làm việc tại các QTDNDCS có trình độ từ trung cấp trở lên, hầu hết cán bộ, nhân viên của QTDNDCS đã được học qua các lớp đào tạo nghiệp vụ do Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức. Các QTDNDCS đã chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn của thành viên, khai thác thêm khách hàng mới để huy động vốn và cho vay; tư vấn cho thành viên mở rộng ngành nghề; từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Năm 2009 đã có một số QTDNDCS mở rộng địa bàn hoạt động với quy mô liên xã như: QTDND An Vĩ (Khoái Châu), QTDND Trưng Trắc (Văn Lâm), QTDND Yên Phú (Yên Mỹ)…

Sự phát triển tương đối ổn định của các QTDNDCS đã trở thành một kênh cung ứng vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giải quyết, việc làm cho lao động địa phương, hạn chế và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bước sang năm mới 2010, với dự báo tình hình kinh tế sẽ có những khởi sắc và các chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với hoạt động tín dụng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, trong đó có các QTDNDCS phát triển. Sự chuẩn bị ra đời của 3 QTDNDCS trong những tháng đầu năm 2010 là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của các QTDNDCS trong tương lai. Cùng với những kinh nghiệm đối phó với diễn biến bất lợi của thị trường, những thách thức, khó khăn trong hoạt động 2 năm qua, đặc biệt là năm 2009, tin rằng hệ thống QTDNDCS trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực