Sáng tạo trong giảng dạy môn giáo dục địa phương

Thứ năm, 03/08/2023 15:42
(ĐCSVN) - Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đã đẩy mạnh các hoạt động giáo dục một cách toàn diện nhằm thực hiện mục tiêu của chương trình. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học trong các môn học ở các trường phổ thông là điều tất yếu nói chung. Môn học Giáo dục địa phương tại các nhà trường phổ thông cũng không nằm ngoài điều tất yếu đó. Vừa qua, nhóm các thầy giáo, cô giáo huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã có sáng tạo trong dạy học môn Giáo dục địa phương, đó là chuyển thể “Lược sử phố Hiến bằng tranh”, đã góp phần giúp học sinh dễ hiểu, dễ học và nhớ lâu hơn lịch sử quê hương mình.

Cuốn lịch sử “Phố Hiến bằng tranh” được biên soạn gồm 15 trang truyện tranh là cuộc trò chuyện giữa ông và cháu. Với sự am tường lịch sử Hưng Yên, người ông đã giải thích những câu hỏi thắc mắc của cháu về phố Hiến. Nội dung được chắt lọc những nội dung chínhsắp xếp theo tiến trình lịch sử: Sự hình thành, phát triển và suy tàn của Phố Hiến. Để thuận tiện cho các độc giả, nhóm tác giả đã thể hiện câu chuyện với hai hình thức: In thành quyển để đọc và kết hợp hình ảnh với âm thanh tạo video truyện đưa lên website, giúp giáo viên học sinh dễ dàng tiếp cận. Cốt truyện được thể hiện với lối văn phong phù hợp với đối tượng là học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS).Nhóm tác giả gồm: Đồng chí Nguyễn Đức Hào, HUV, Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Anh Dân cử nhân sư phạm môn Ngữ văn, chuyên viên phòng Giáo dục &Đào tạo Văn Lâm; thầy Nguyễn Việt Trung, giáo viên Mỹ thuật trường THCS Lạc Hồng và cô Đỗ Thị Hằng giáo viên môn Hóa học trường THCS thị trấn Như Quỳnh. Để có được câu chuyện này, các đồng chí đã tới Thư viện tỉnh, đọc cuốn sách “Phố Hiến” của tác giả Nguyễn Khắc Hào và Nguyễn Đình Nhã; cuốn “Phố Hiến - kỷ yếu Hội thảo khoa học” của UBND tỉnh Hải Hưng- Hội khoa học lịch sử Việt Nam năm 1994… đồng thời tới Bảo tàng tỉnh Hưng Yên gặp gỡ, trao đổi các chuyên gia để nghe giới thiệu về Phố Hiến. Từ đó, lựa chọn những nội dung tiêu biểu nhất về sự ra đời, quá trình phát triển và suy tàn của Phố Hiến để đưa vào truyện tranh.

 Cô Đỗ Thị Hằng và thầy Nguyễn Việt Trung thống nhất nội dung trong từng bức tranh vẽ.

Là một người con quê hương nên cô Hằng rất yêu lịch sử Hưng Yên- vùng đất:“địa linh, nhân kiệt”. Đến thế kỷ 17, nơi đây đã trở thành một thương cảng đô thị Phố Hiến sầm uất và nổi tiếng với câu:“Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Tuy nhiên, nhiều người dân Hưng Yên nhất là các em học sinh lại ít biết về lịch sử hào hùng quê hương mình, mặc dù, sở Giáo dục & đào tạo đã đưa nội dung này vào tài liệu Giáo dục địa phương, giảng dạy trong các nhà trường. Có lẽ nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng đó là do nội dung trong tài liệu địa phương còn rất khô khan, chủ yếu trình bày văn viết không hấp dẫn các em học sinh, khiến các em chỉ đọc và đối phó với các bài giảng trên lớp, chưa thực sự muốn tìm hiểu lịch sử quê hương. Còn những ai muốn hiểu về lịch sử truyền thống quê hương Hưng Yên đọc cuốn Phố Hiến dày tới 820 trang, cũng tốn rất nhiều thời gian. Cô Đỗ Thị Hằng vui vẻ cho biết: “Qua tìm hiểu tâm lý học sinh, tôi thấy các em thích đọc truyện hơn đọc tài liệu, thích đọc truyện tranh hơn đọc truyện không có tranh minh họa. Từ đó, mặc dù dạy môn Hóa học nhưng với sự yêu mến quê hương mình, tôi đã nảy ra ý tưởng dựng lại các điển tích cũng như lịch sử hình thành và phát triển của Phố Hiến, qua những câu chuyện bằng tranh. Việc kết hợp hình ảnh với câu chuyện sẽ tác động trực tiếp đến các giác quan và sự thích thú của lớp trẻ, để từ đó các em học sinh sẽ có hứng thú tìm hiểu phố Hiến. Để hiện thực hóa ý tưởng đó, tôi đã cùng với thầy Trung là thầy giáo không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có sự sáng tạo trong công viêc và đặc biệt có cùng có sở thích môn lịch sử. Chúng tôi đã giành nhiều thời gian tìm hiểu về phố Hiến, rồi đem hết nhiệt huyết của mình lựa chọn lời văn, trau chuốt câu từ trong từng bức tranh… để hình thành nội dung câu chuyện”.

Nội dung bức tranh giới thiệu về sự ra đời của Phố Hiến. 

Để cuốn truyện tranh hấp dẫn được học sinh, đồng thời nội dung đúng với những hình ảnh thời kỳ lịch sử của Phố Hiến xưa, nhóm tác giả đã phải dành rất nhiều thời gian để đi xuống Bảo tàng tỉnh Hưng Yên và các di tích của Phố Hiến, để tìm hiểu các nét kiến trúc tập quán, trang phục và vật dụng của người dân thời bấy giờ, nhằm mô phỏng một cách chân thực nhất về Phố Hiến. Để dựng lại hình ảnh thuyền bè tấp nập, tại thương cảng Phố Hiến, các đồng chí đã tới Bảo tàng tỉnh quan sát trực tiếp, hình ảnh chiếc nồi hơi, trục vớt được, đồng thời xem lại hình ảnh thuyền bè được các tác giả cuốn “Phố Hiến” đã mô phỏng. Cùng với đó, thầy Trung, cô Hằng đã đi thăm một số khu di tích như: chùa Phố, Đông Đô Quảng hội, Võ miếu, đền Thiên Hậu… để tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng của Phố Hiến những năm xưa. Thầy giáo Trung phấn khởi cho hay:“Từ những nội dung tìm hiểu, kết hợp với việcnghiên cứu thực tế những di tích, theo ý tưởng của cô Hằng, mỗi bức tranh chúng tôi thống nhất từng nội dung, nét văn hóa và những trang phục của người dân đồng bằng Bắc Bộ, người Hoa và người phương Tây, những năm thuộc thế kỷ XVII, nhằm mô phỏng lại một cách sinh động, chân thực một Phố Hiến sầm uất thời bấy giờ và những nguyên nhân phố Hiến suy tàn và mốc son tỉnh Hưng Yên được thành lập, để giúp người đọc dễ hình dung nhất”.

Nội dung bức tranh giới thiệu sự phát triển của Phố Hiến. 

Từ khi bắt đầu ý tưởng đến lúc hoàn thành cuốn truyện, nhóm tác giả đã phải dành thời gian 6 tháng cùng nhau trao đổi mới hoàn thành cuốn truyện tranh này. Góp ý, chỉnh sửa cho câu chuyện tranh Phố Hiến này sao cho đúng với văn hóa, lịch sử thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Anh Dân, cử nhân môn ngữ văn chia sẻ: “Từ ý tưởng ban đầu của đồng chí Đỗ Thị Hằng, chúng tôi rất ủng hộ. Bởi đây là sự đổi mới phương pháp dạy học lịch sử địa phương, nhằm giúp các em học sinh dễ học, dễ nhớ kiến thức. Chúng tôi thấy rất tâm đắc từ nội dung, đến hình thức thể hiện hấp dẫn được học sinh nhiều lứa tuổi”.

Cậu bé vui mừng sau khi được ông kể cho nghe về một thời kì lịch sử của địa phương và được dẫn đi thăm quan các di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Hưng Yên.

Sản phẩm hoàn thành đã được nhiều giáo viên đánh giá cao, cô giáo Đỗ Thị Minh Huệ, Trường THCS xã Lạc Hồng cho biết: “Cuốn truyện tranh rất ngắn gọn, hấp dẫn, không mang tính hàn lâm, giúp học sinh dễ học. Thông qua tình cảm gần gũi của người ông đã giúp cháu hiểu về sự hình thành, phát triển của Phố Hiến và những nguyên nhân khiến phố Hiến không còn vị trí vai trò một thương cảng quốc tế nữa, nhưng những di tích lịch sử là một niềm tự hào của người dân Hưng Yên. Chúng tôi mong có nhiều sản phẩm truyện tranh như thế này, sẽ giúp việc giảng dạy môn Giáo dục địa phương ngày càng hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung”.

Em Đỗ Thị Mai Phương lớp 6A,trường THCS xã Lạc Hồng vui vẻ cho tôi biết: “Cháu đọc 1 lần truyện tranh cháu đã nhớ ngay, phố Hiến phát triển sầm uất ở thế kỷ XVII và chỉ sau kinh đô Thăng Long thời bấy giờ. Các bạn lớp cháu rất thích đọc truyện tranh này. Môn Giáo dục địa phương lớp cháu nhiều bạn đạt điểm cao”.

Còn em Nguyễn Minh Quang, lớp 7A2, Trường THCS Như Quỳnh nói: “Lược sử phố Hiến được thể hiện dưới dạng truyện tranh, khiến em thấy rất thú vị, giúp em dễ học thuộc và dễ nhớ các sự kiện, làm cho chúng em học lịch sử dễ dàng và vui vẻ hơn. Chúng em thấy rất tự hào quê hương mình, các bạn sẽ quyết tâm thi đua học tốt để góp phần tô thêm truyền thống quê hương”.

Đồng chí Nguyễn Đức Hào, HUV, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Văn Lâm cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, lòng yêu nghề của đồng chí Đỗ Thị Hằng và đồng chí Nguyễn Việt Trung. Sản phẩm hoàn thành đã được Ban giám khảo cuộc thi chấm và cho ý kiến đánh giá: Đây là sự sáng tạo trong giảng dạy môn Giáo dục địa phương. Trong thời gian tới, nhóm tác giả sẽ chỉnh sửa một vài chi tiết nhỏ để sản phẩm hoàn thiện hơn, đồng thời chúng tôi đề xuất với cấp có thẩm quyền, đưa tác phẩm “Lược sử Phố Hiến bằng tranh” là tài liệu tham khảo trong toàn tỉnh Hưng Yên”.

Đây là tác phẩm đầu tiên dựng lại Phố Hiến dưới dạng truyện tranh được rất nhiều bạn đọchào hứng đón nhận, do vậy tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ IV, năm 2022, tác phẩm “Lược sử Phố Hiến bằng tranh” đã đạt giải Nhì – giải cao nhất của hội thi.

Từ thành công kết quả bước đầu, nhận thức rõ vai trò của môn lịch sử rất quan trọng không chỉ dạy Lịch sử mà còn dạy làm người, dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn phẩm giá, nhân cách con người. Nhóm tác giả cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ chỉnh sửa một vài hình ảnh cho đẹp hơn và bố cục chặt chẽ hơn, để cuốn “Lược sử Phố Hiến bằng tranh” như một kênh thông tin thu hút nhiều độc giả, không chỉ là người Hưng Yên mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, để quảng bá hình ảnh Hưng Yên- văn hiến, với nhiều di tích lịch sử cấp Quốc,nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, góp phần xây dựng Hưng Yên ngày thêm giàu, đẹp./.

Cao Văn Khởi - Trung tâm chính trị Văn Lâm, Hưng Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực