Chuyến đổi số ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Thứ sáu, 03/11/2023 15:18
(ĐCSVN) – Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, các tỉnh, thành trong khu vực đã ban hành các nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số,

Sáng 03/11, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị Khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chuyển đổi số ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên: Thực trạng và những vẫn đề đặt ra".

 PGS.TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III báo cáo đề dẫn Hội thảo

Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về chuyển đổi số; nhận diện những nhân tố tác động và đánh giá thực trạng chuyển đổi số ở các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra và đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở các địa phương trong khu vực hiện nay.

Thông tin tại Hội thảo khẳng định: Với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đương đại đang bước vào kỷ nguyên số. Kỷ nguyên số làm xuất hiện những dạng thức mới trong đời sống xã hội của thế giới đương đại như đời sống số, kinh tế số, tri thức số, văn hóa số, chính phủ số, đô thị số và công dân số. Vì vậy, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Chuyển đổi số không còn là nhu cầu mà đang là điều bắt buộc không chỉ đối với doanh nghiệp, nhà nước, mà từng cá nhân.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn điện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Quá trình này hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Theo Ban tổ chức Hội thảo, nếu năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm nhận thức về chuyển đổi số. Đến năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022 là năm hành động, là năm chúng ta xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, là năm đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Năm 2023 được xác định là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Chính vì vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số gắn với việc nâng cao hiệu quả thực hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

 
 Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, các tỉnh, thành trong khu vực đã ban hành các nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Việc chuyển đổi số ở các địa phương trong khu vực đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như: Nhận thức về chuyển đổi số, nhân lực số còn nhiều hạn chế; số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số của các tỉnh chưa nhiều; cùng với đó là những khó khăn về thị trường; khung khổ, môi trường pháp lý; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin còn yếu và chưa đồng bộ; tâm lý, tập quán và thói quen tiêu dùng của nhân dân và khả năng của khách hàng ...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi số nói chung và tại miền Trung - Tây Nguyên nói chung

Theo PGS.TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” không chỉ là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà khoa học, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số… mà tại Hội thảo những vấn đề chuyên sâu như: Kinh tế số, chính quyền số và xã hội số - ba trụ cột chính của chuyển đổi số ở việt Nam sẽ được trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn; qua đó lan tỏa những nội dung này đến mọi đối tượng, tầng lớp trong xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến doanh nghiệp và đến người dân. Đồng thời, Hội thảo cũng sẽ là hành lang thúc đẩy gắn kết, hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu lý luận và vận dụng thực tiễn tại các địa phương cũng như sự kết nối giữa các đơn vị nghiên cứu với các địa phương khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề như: Nhận thức chung về chuyền đổi số, quá trình chuyển đổi số; đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số; nghiên cứu và thảo luận sâu vào các lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; làm rõ những quan điểm của Đảng về chuyển đổi số, các kinh nghiệm về chuyển đổi số để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi số; xác định rõ khung khổ pháp lý và cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số thành công ở Việt Nam; làm rõ thực trạng về chuyển đổi số ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trên các lĩnh vực, các ngành, từ đó chỉ ra những khó khăn, bất cập hiện nay; các kiến nghị và giải pháp để các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên chuyển đổi số nhanh và bền vững trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực