Doanh nghiệp chịu trách nhiệm nếu xuất hiện sim phát triển mới không đúng quy định

Thứ hai, 08/04/2024 21:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Sim thuê bao chỉ là một trong các phương thức các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Để ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để, cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ TT&TT diễn ra chiều 8/4, liên quan đến thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về chấn chỉnh sim rác, trong đó có việc kiểm tra người sở hữu trên 4 sim, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ, các doanh nghiệp viễn thông di động đã và đang triển khai các biện pháp thông báo đề nghị các thuê bao rà soát, xác minh, làm rõ các sim mình đang sử dụng. Từ đó, xử lý các sim có thông tin không đúng quy định.

Họp báo thường kỳ tháng 4/2024 của Bộ TT&TT. Ảnh: ĐT

Theo báo cáo của các doanh nghiệp ước tính hiện có gần 1,62 triệu giấy tờ tương ứng gần 7,89 triệu sim thuộc tập thuê bao 1 giấy tờ đang đăng ký từ 4-9 sim/giấy tờ.

Ông Nhã cũng cho biết, sim thuê bao chỉ là một trong các phương thức các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Để ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để, cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ.

Hiện nay đã có quy định, các cuộc gọi quảng cáo phải sử dụng tên định danh. Vì vậy các công ty chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… cần đăng ký, sử dụng dịch vụ cuộc gọi định danh (Voice Brandname) để thực hiện các cuộc gọi quảng cáo khi có nhu cầu, thay vì thuê các đối tượng sử dụng các dịch vụ quảng cáo qua điện thoại không đúng quy định.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, ngoài triển khai những biện pháp đồng bộ để hạn chế SIM rác, cơ quan quản lý còn phát triển công cụ mới giúp tra cứu xem mình đang sở hữu bao nhiêu SIM.

 Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: ĐT

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, thay đổi cú pháp tra cứu từ TTTB thành TTTB + số giấy tờ gửi 1414 rà soát, xác minh, làm rõ sim mình đang sử dụng. Đồng thời, các nhà mạng trong bản tin trả về phải gửi kèm danh sách số thuê bao mà số giấy tờ đang đứng tên đăng ký sử dụng.

Hiện, các nhà mạng đã xây dựng quy trình tiếp nhận, xác minh xử lý phản ánh của người sử dụng khi phát hiện mình đứng tên sim lạ (các quy trình này đã được các nhà mạng đăng tải trên website của mình) qua tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng… Trong thời gian 1 ngày, kể từ thời điểm tiếp nhận phản ánh chính thức của người dùng về số thuê bao mà bản thân không sử dụng (sau khi tra cứu thông tin thuê bao qua 1414), nhà mạng phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao bị phản ánh không còn trong danh sách số thuê bao của người dùng.

Sau 1 thời gian triển khai, báo cáo của các nhà mạng cho thấy đã có 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414, kèm theo số giấy tờ để kiểm tra thông tin thuê bao.

"Nhiều người khi kiểm tra thông tin thuê bao qua tin nhắn 1414 mới phát hiện mình có nhiều SIM đang hoạt động, nhưng không phải do mình sử dụng", ông Nhã nói.

Nhờ việc kiểm tra thông tin thuê bao, đã có khoảng 1.200 khách hàng phản ánh tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để được giải đáp vì sao mình có nhiều SIM dù không đăng ký hay sử dụng. Các nhà mạng cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để khoá những SIM mà khách hàng không sở hữu, không đúng tên trên giấy tờ.

"Đến nay, đã có khoảng 200 thuê bao không chính chủ đã bị khóa sau khi khách hàng phản ánh đến nhà mạng, cho thấy việc vào cuộc tích cực của các nhà mạng nhằm chuẩn hoá thông tin thuê bao", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết kết quả.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã quán triệt từ ngày 15/4 tới, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm (gồm xem xét, dừng phát triển mới), đồng thời, có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng xem xét có hình thức kỷ luật”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.

Công khai sớm thông tin bị tấn công mạng sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục nhanh

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến nhiều sự cố tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) thời gian gần đây, ông Trần Nguyên Chung, Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin cho biết, qua giám sát của Cục An toàn thông tin trong thời gian qua cho thấy, nhiều chiến dịch tấn công mã hoá dữ liệu tống tiền gần đây vào Việt Nam tập trung vào các doanh nghiệp lớn ở các lĩnh vực như: chứng khoán, tài chính ngân hàng, điện lực...

 Ông Trần Nguyên Chung, Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin. Ảnh: ĐT

Mặc dù tấn công mạng, tấn công mã độc không phải vấn đề mới nhưng đây lại là một trong những xu thế nổi bật về an toàn thông tin trong năm 2024 và thời gian tới. Cuộc tấn công ransomware thường được bắt đầu từ một điểm yếu bảo mật của cơ quan, tổ chức. Sau khi xâm nhập vào hệ thống, kẻ tấn công sẽ “nằm vùng” trong hệ thống và chờ thời cơ chín muồi để phát động tấn công, làm tê liệt hệ thống, mã hóa toàn bộ dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp và yêu cầu nạn nhân phải trả tiền chuộc.

Theo kinh nghiệm của Cục An toàn thông tin, nếu các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ các quy định về pháp luật, có đánh giá, rà quét định kỳ thì sẽ khắc phục được những sự cố về tấn công mạng, có thể phát hiện phòng ngừa sớm và giảm nhẹ các thiệt hại.

"Mặc dù thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp đã triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin nhưng đầu tư chưa tương xứng, nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt tấn công mã độc có thể sẽ thường xuyên hơn", đại diện Cục An toàn thông tin cảnh báo.

Cục An toàn thông tin đã có văn bản gửi cảnh báo đến các đơn vị có nằm trong chiến dịch tấn công, yêu cầu các đơn vị rà soát tổng hợp để có đánh giá tổng thể.

Ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 33/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, đây là việc quan trọng và đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương vào cuộc. Mục đích chính của Công điện này yêu cầu rà soát lại các hệ thống trong phạm vi quản lý của đơn vị, đồng thời thực hiện nghiêm các mốc thời gian đã đưa ra trong Chỉ thị của Thủ tướng như Chỉ thị 09 ngày 23/3/2024, đồng thời thay đổi quan niệm, khái niệm về công bố thông tin.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, hiện nay các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang có xu hướng giấu thông tin khi gặp sự cố mất an toàn thông tin hoặc bị tấn công mạng. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc cảnh báo, hỗ trợ khắc phục cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết.

“Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tuân thủ hoạt động báo cáo ứng cứu sự cố đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ khắc phục, kịp thời cảnh báo trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho các cơ quan, đơn vị ở mức thấp nhất”, đại diện Cục An toàn thông tin đề nghị./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực