Tăng cường hợp tác đào tạo sở hữu trí tuệ cho cán bộ ngoại giao

Thứ tư, 07/09/2022 15:33
(ĐCSVN) – Việc ký kết hợp tác về khởi động Chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ (SHTT) cho cán bộ ngoại giao và nhà đàm phán thương mại nhằm cung cấp cho học viên kiến thức, kỹ năng cơ bản về SHTT và mối liên hệ giữa SHTT và các vấn đề nóng toàn cầu hiện nay.

Đại diện Học viện Ngoại giao và WIPO ký kết Bản ghi nhớ và khởi động Chương trình đào tạo về SHTT.

Ảnh: BL  

Ngày 7/9, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã ký kết Bản ghi nhớ và khởi động Chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ cho cán bộ ngoại giao và nhà đàm phán thương mại.

Trước khi buổi lễ ký kết diễn ra, ông Hasan Kleib, Phó tổng giám đốc WIPO và bà Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đã có cuộc nói chuyện về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và WIPO trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Theo đó, trong những năm qua, với chính sách hội nhập của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã từng bước hợp tác và hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với WIPO.

Từ năm 2014 - 2018, Việt Nam thường xuyên tham dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO và có buổi làm việc với Tổng giám đốc WIPO - Tiến sỹ Francis Gurry. Tháng 11-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt Tổng giám đốc WIPO tại trụ sở WIPO, Thụy Sỹ. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của nhiều Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà WIPO đang quản lý.

WIPO đã hỗ trợ cho Việt Nam trong nhiều hoạt động về quyền tác giả, quyền liên quan như hoàn thiện pháp luật, đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể, WIPO đã cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam tư vấn về xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội XV thông qua vào năm 2022. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, WIPO đã tổ chức các hội thảo bằng hình thức trực tuyến để nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan cho các cán bộ quản lý và thực thi tại Việt Nam cũng như nâng cao nhận thức của công chúng.

Hằng năm, WIPO đã phối hợp với các cơ quan về quyền tác giả, quyền liên quan của các quốc gia và mời Việt Nam tham dự nhiều hội thảo quốc tế, lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan, các Hội nghị của Uỷ ban Thường trực về quyền tác giả, quyền liên quan của WIPO; các phiên họp của Đại hội đồng WIPO.

Trong những năm tới, Việt Nam đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ trong việc đào tạo cán bộ quản lý, thực thi của Việt Nam; nâng cao nhận thức của công chúng về quyền tác giả, quyền liên quan. Hợp tác hỗ trợ thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý, đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Sau cuộc trò chuyện, Học viện Ngoại giao và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã ký kết Bản ghi nhớ và khởi động Chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ cho cán bộ ngoại giao và nhà đàm phán thương mại.

Chương trình nhằm mục tiêu cung cấp cho học viên kiến thức, kỹ năng cơ bản về sở hữu trí tuệ và mối liên hệ giữa sở hữu trí tuệ và các vấn đề nóng toàn cầu hiện nay, chẳng hạn sức khoẻ cộng đồng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu. Chương trình cũng hướng tới nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo ngoại giao để có thể tổ chức các khoá đào tạo về sở hữu trí tuệ một cách thường xuyên và hiệu quả.

Cũng tại sự kiện, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ của WIPO và Việt Nam đã có buổi chia sẻ với sinh viên Học viện Ngoại giao về chủ đề “Nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam đối với sở hữu trí tuệ”./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực