Triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết để đánh giá động đất ở Kon Tum

Thứ hai, 17/07/2023 10:09
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo, động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu chia sẻ với phóng viên về việc quan trắc, dự báo động đất. (Ảnh: BL)

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, về tình hình động đất liên tiếp xảy ra những ngày gần đây tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Phóng viên (PV): Thời gian gần đây tại huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra các trận động đất. Ông có thể cho biết nguyên nhân tình trạng này?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Theo số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 - 2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ richter. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại địa phương này, trong đó nhiều trận động đất gây rung chấn diện rộng, lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 có độ lớn 4,7 độ richter. Đặc biệt, những ngày gần đây, tần suất động đất tại tỉnh Kon Tum xảy ra liên tục. Từ ngày 7 - 15/7, gần 40 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên xảy ra tại huyện Kon Plông.

Động đất có thể được phân làm hai loại: Có nguồn gốc tự nhiên và do hoạt động của con người. Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân...

Qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước. Hiện tượng động đất kích thích từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi.

PV: Với độ lớn và tần suất xảy ra động đất như vậy có gây nguy hiểm không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Các trận động đất vừa qua đều có độ lớn, nhỏ hơn 5 độ richter, tức là ở mức độ nhẹ và khó có khả năng gây ra thiệt hại. Việc dự báo thời điểm chính xác xảy ra động đất cho đến nay khoa học chưa làm được, nhưng đánh giá mức độ nguy hiểm (độ lớn cực đại, tần suất...) cho từng khu vực cụ thể thì có thể làm được và trên cơ sở đó đưa ra phương án phòng, chống động đất phù hợp. Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.

PV: Trước tình trạng đó, Viện Vật lý địa cầu có những giải pháp gì trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do động đất tại khu vực này, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Cuối năm 2022, Viện Vật lý địa cầu đưa vào hoạt động 8 trạm quan sát động đất ở Kon Tum. Các trạm này cung cấp nguồn số liệu quan trọng để đánh giá hoạt động động đất ở đây. Bên cạnh đó, Viện cũng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại tỉnh Kon Tum, cũng như khu vực lân cận nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra.

Để có cơ sở dự báo xu thế hoạt động và độ lớn của động đất trong tương lai, đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện, Viện sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

PV: Ông có khuyến cáo gì đối với các địa phương thường xuyên xảy ra động đất?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Hoạt động động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực