Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực khoa học trái đất, mỏ và môi trường

Thứ sáu, 15/04/2022 16:37
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, một trong những giải pháp quan trọng là tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh chóng, đạt được những mực tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thanh Tùng)

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2021; Hội nghị Khoa học toàn quốc về trái đất, mỏ, môi trường lần thứ IV năm 2021 với chủ đề "Chuyển đổi số và công nghệ số trong khoa học trái đất, mỏ, môi trường".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân cho biết: Khoa học trái đất cùng với các ngành mỏ và môi trường với hoạt động bảo vệvà khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường của con người và vai trò của chuyển đổi số và công nghệ số có mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhau.

Trong những năm qua, Bộ TN&MT đã tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững cùng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Song song với đó, Bộ cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương quán triệt nguyên tắc bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường phải ngày càng bền vững.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua thời gian dài phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ, trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, nước ta hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần thể hiện trách nhiệm trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Chúng ta cần hướng tới xây dựng một xã hội có ý thức tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân”, Thứ trưởng cho biết.

Để có được điều đó, Thứ trưởng cho hay, một trong những giải pháp quan trọng là tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh chóng, đạt được những mục tiêu phát triển bền vững.

Trong tiến trình đó, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung, chuyên ngành khoa học trái đất cùng với các ngành mỏ và môi trường nói riêng phải thể hiện được vai trò tiên phong trong cuộc CMCN 4.0 để phục vụ công tác chỉ đạo, tham mưu quản lý nhà nước đối với vấn đề tài nguyên và môi trường.

Theo TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chuyển đổi số đang mang lại các cơ hội to lớn đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là không ít các thách thức, đặc biệt đối với các quốc gia như Việt Nam, có thể kể đến như: xuất phát điểm về khoa học, công nghệ còn thấp, nhận thức về chuyển đổi số trong đại bộ phận người dân chưa cao, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết về chuyển đổi số còn ít, nguồn lực đầu tư, đặc biệt đầu tư cho đổi mới sáng tạo còn hạn chế, khung chính sách pháp lý chưa đáp ứng với vai trò kiến tạo cho kinh tế số…

Những thách thức này là rào cản không nhỏ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện của Việt Nam. Để vượt qua những rào cản này, đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và của từng người dân. Trong đó, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ bao gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư và các nhà khoa học được coi là hạt nhân trong việc góp phần thực hiện chuyển đổi số và là nhân tố quan trọng đưa khoa học, công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Trước những yêu cầu và thực tiễn mới đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhận thức, tư duy khoa học và hành động quyết liệt để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực phát triển, góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước”, TS. Tạ Đình Thi cho biết.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cho 8 nhà nghiên cứu về khoa học trái đất, mỏ và môi trường năm 2021.

Trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học toàn quốc về trái đất, mỏ, môi trường lần thứ IV năm 2021, các đại biểu đã nghe nhiều báo cáo khoa học như: Khoa học trái đất, mỏ, môi trường đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ, chuyển đổi số hướng tới một xã hội phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng; Mô phỏng khối đá phục vụ đánh giá ổn định bờ mỏ, áp dụng đánh giá cho mỏ than Khe Sim, Quảng Ninh; Dự báo khai thác dầu khí sử dụng thuật giải di truyền dựa trên việc huấn luyện mạng nơ-ron hồi quy có bộ nhớ ngắn hạn định hướng dài hạn.../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực