COVID-19 và tác động của nó đến lĩnh vực kinh tế

Thứ tư, 01/04/2020 22:00
(ĐCSVN) - Theo Ngân hàng Thế giới, tổn thất kinh tế lớn nhất trước mắt của COVID-19 chủ yếu là do hành vi phòng vệ của cá nhân và các chính sách kiểm soát lây nhiễm của chính phủ. Những hành động đó ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc đầu tiên, làm gián đoạn cung ứng và đóng băng nhu cầu, trong khi các nền kinh tế đối tác khác hạn chế lưu lượng thương mại và khách du lịch.
 Ảnh minh hoạ (Nguồn: Reuters)

Khi vi-rút lan ra ngoài Trung Quốc, người dân và chính phủ ở nhiều quốc gia lại phản ứng bằng các hành động tương tự, qua đó ảnh hưởng đến chính cung và cầu ở các quốc gia đó. Điều đó làm cho các cú sốc xảy ra đồng loạt, không chỉ qua các kênh thương mại và du lịch, mà cả tài chính. Sự phụ thuộc của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vào các kênh này khiến khu vực chịu nhiều rủi ro trước các cú sốc đó.

Tác động đa chiều

Đại dịch ảnh hưởng sâu rộng đến các nền kinh tế trong khu vực, nhưng mức độ nghiêm trọng và thời gian diễn ra cú sốc lại bất định khác thường. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng ở Trung Quốc theo kịch bản cơ sở dự báo sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn 0,1% năm 2020, so với mức 6,1% năm 2019. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khác ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo kịch bản cơ sở dự báo còn 1,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn âm 2,8% vào năm 2020, so với mức ước tính 4,7% trong năm 2019. Kiềm chế đại dịch sẽ là điều kiện để hồi phục, nhưng rủi ro căng thẳng tài chính kéo dài vẫn lớn, thậm chí đến sau 2020. Dễ tổn thương nhất là các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại, du lịch và thương phẩm; lại đang có nợ lớn, và phải lệ thuộc vào các dòng tài chính đầy biến động.

Cú sốc COVID-19 sẽ để lại tác động nghiêm trọng đến giảm nghèo, cả trực tiếp thông qua bệnh tật và gián tiếp thông qua mất thu nhập. Theo kịch bản cơ sở về tăng trưởng, số người thoát nghèo toàn khu vực giảm 24 triệu người trong năm 2020 so với trường hợp không có đại dịch (theo ngưỡng nghèo 5,50 USD/ngày). Theo kịch bản tình huống thấp hơn, số người nghèo ước tăng khoảng 11 triệu người. Các hộ gia đình có liên quan đến những ngành bị ảnh hưởng sẽ đặc biệt khó khăn. Chẳng hạn, tỷ lệ nghèo có thể tăng gấp đôi ở những hộ gia đình Việt Nam có liên quan đến các lĩnh vực chế tạo và chế biến phụ thuộc vào nguồn đầu vào nhập khẩu, cũng như một số quốc đảo vùng Thái Bình Dương đang có việc làm chủ yếu phụ thuộc vào du lịch. Mặc dù ước tính về GDP và tỷ lệ nghèo chỉ là dự báo, nhưng chúng cho thấy quy mô về khả năng gây khó khăn kinh tế và nhu cầu phải hành động khẩn cấp.

Đồng bộ các chính sách

Về chính sách, có sáu kết luận chính. Một là các quốc gia cần đồng thời điều chỉnh cả chính sách y tế và chính sách kinh tế vĩ mô. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, chính phủ nhiều nước đang tiến hành các biện pháp kiểm soát lây nhiễm như cấm đi lại và đóng cửa ở nhà để "làm phẳng đường cong đại dịch". Song song với đó là giảm nhẹ hệ quả tác động bất lợi về kinh tế qua việc các chính phủ tiến hành các biện pháp tài khóa, tiền tệ và tái cơ cấu nhằm "làm phẳng đường cong suy thoái". Chỉ có kết hợp chính sách mới đem lại kết quả tốt hơn cả về y tế và kinh tế. Chẳng hạn, các quốc gia như Singapore và Hàn Quốc, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ dịch SARS 2003 và MERS 2015, dường như đã đạt được kết quả kiềm chế dịch một cách hiệu quả hơn bằng các biện pháp ít gây ảnh hưởng đến kinh tế, chẳng hạn qua xét nhiệm, theo dõi và cách li ở mức cao. Kinh nghiệm ở các quốc gia đó cho thấy đầu tư sớm vào năng lực giám sát dịch bệnh và ứng phó có thể giảm được nhu cầu phải tiến hành những biện pháp ngăn chặn dập dịch tốn kém hơn. Các quốc gia khác nếu càng sớm có năng lực kiềm chế dịch thì càng nhanh ngăn chặn được những thiệt hại về kinh tế do các biện pháp dập dịch chặt chẽ, qua đó rút ngắn được thời gian phục hồi.

Thứ hai, khẩn trương nâng cao năng lực chăm sóc y tế vì rủi ro về nhu cầu có thể tăng vọt sẽ trong giai đoạn kéo dài. Năng lực xét nghiệm có thể còn bị thiếu kể cả ở một số quốc gia công nghiệp. Số ca nhiễm bệnh cần điều trị được dự báo sẽ vượt xa năng lực của bệnh viện trong vòng 18 tháng trước khi có vắc-xin. Ngoài việc phải mở rộng các cơ sở chăm sóc y tế truyền thống và các nhà máy sản xuất thiết bị y tế, một số biện pháp sáng tạo đang được xem xét và cần được đẩy mạnh: như chuyển đổi giường bệnh thông thường thành giường hồi sức tích cực; sử dụng các nhà máy sản xuất ô-tô để sản xuất máy làm khẩu trang; đào tạo để người lao động không còn làm trong ngành nghề cũ (ví dụ nhân viên nhà hàng, khách sạn và hãng hàng không) có thể chuyển sang làm các công việc chăm sóc y tế cơ bản. Để đảm bảo người nghèo được tiếp cận đầy đủ, cần phải cung cấp dịch vụ xét nhiệm và điều trị miễn phí hoặc theo giá trợ cấp.

Thứ ba, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải được định hình lại theo COVID-19. Chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng sẽ kém hiệu quả trong việc đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm trong những giai đoạn người lao động buộc phải ở nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội, nhưng cách tiếp cận này lại quan trọng để khôi phục kinh tế. Ban đầu, các biện pháp tài khóa cần cung cấp đảm bảo xã hội để người dân chống đỡ các cú sốc, đặc biệt là những người dễ tổn thương nhất về kinh tế. Chẳng hạn, trợ cấp nghỉ ốm và dịch vụ y tế có thể làm giảm căng thẳng, giúp hỗ trợ kiềm chế bệnh dịch. Mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cũng giảm bớt gánh nặng phần nào cho những hộ gia đình thu nhập bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh. Hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật trở nên đặc biệt quan trọng cho người lao động đang làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức có quy mô lớn tại các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương, do họ không tham gia vào các chương trình bảo hiểm xã hội truyền thống. Cung cấp bữa ăn học đường và hỗ trợ khác cho học sinh khi trường học đóng cửa, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm để giúp người lao động tái hòa nhập kinh tế sau dịch bệnh là những biện pháp đảm bảo rằng khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về nhân lực. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được hỗ trợ thanh khoản có thể giúp họ duy trì hoạt động và kết nối có lợi với các Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Phản ứng chính sách kinh tế tối ưu cũng sẽ thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào bản chất và diễn biến chính xác của cú sốc - về cung lao động, tổng cầu hay tài chính. Mục tiêu chính sách là phải ngăn ngừa cú sốc tạm thời gây ra hệ quả lâu dài.

Thứ tư, trong khu vực tài chính, điều cần làm ngay là hỗ trợ các hộ gia đình bình ổn tiêu dùng thông qua nới lỏng cơ hội tiếp cận tín dụng và giúp doanh nghiệp sống sót qua thời kỳ bị gián đoạn thông qua nới lỏng cơ hội tiếp cận thanh khoản. Nởi lỏng các điều kiện huy động tài chính đồng thời thực hiện giãn nợ có quản lý của nhà nước là cần thiết trong điều kiện khó khăn còn tiếp diễn. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo công khai minh bạch thông tin về rủi ro và thông báo rõ ràng về nhu cầu giám sát để tránh bất ổn tài chính, đặc biệt ở những nền kinh tế có nợ khu vực tư nhân ở mức cao. Đối với các nước nghèo, xóa nợ là cần thiết, sao cho nguồn lực quan trọng có thể tập trung vào việc ứng phó với tác động kinh tế và y tế của đại dịch.

Thứ năm, chính sách thương mại mở phải được duy trì. Để duy trì sản xuất hàng cung ứng thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước, một số quốc gia bắt đầu hạn chế xuất khẩu các mặt hàng y tế. Lý thuyết kinh tế và kinh nghiệm gần đây cho thấy các biện pháp đó thực chất về lâu dài là có hại tới mọi quốc gia, nhất là những nơi có nhà nước non yếu. Các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - hoặc ít nhất là các quốc gia G20 - phải đồng thuận không hạn chế xuất khẩu các mặt hàng y tế liên quan đến vi-rút cô-rô-na. Các quốc gia tiêu dùng cũng cần thực hiện trách nhiệm của mình bằng cách tự do hóa nhập khẩu.

Tránh căng thẳng thương mại trong thời gian tới cũng có ý nghĩa sống còn từ khía cạnh kinh tế vĩ mô, ở ngã rẽ hiện nay. Thỏa thuận thương mại Trung - Mỹ ít nhất đã tạm thời ngăn chặn được chiến tranh thương mại gây bất lợi và giảm nhẹ căng thẳng thương mại vốn có tác động xấu với kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm 2019; Nhưng nó cũng làm dấy lên quan ngại về việc khả năng tiếp cận ưu đãi có lựa chọn hàng hóa từ Mỹ sang thị trường Trung Quốc sẽ làm giảm hiệu lực của các quy tắc đa phương nhằm chống phân biệt và dịch chuyển thương mại ra khỏi các quốc gia thứ ba trong khu vực - gây tổn thất cho các nước này lên đến khoảng một phần ba điểm phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Một quan ngại nữa hiện nay là: COVID-19 sẽ gây trở ngại đối với việc Trung Quốc thực hiện các cam kết định lượng về tăng nhập khẩu, ít nhất trong năm 2020, vì nhu cầu của Trung Quốc bị thu hẹp và có khả năng là sản xuất tại Mỹ cũng bị suy giảm.

Thay vì tái đàm phán các cam kết song phương, tất cả các quốc gia sẽ đều có lợi nếu Trung Quốc mở cửa thị trường cho tất cả các đối tác thương mại của mình. Đây là cú hích rất cần thiết có thể giúp tăng thu nhập toàn cầu khoảng 0,6%. Thu nhập của Trung Quốc sẽ tăng thêm gần 0,5%. Hầu hết các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á cũng sẽ tăng thu nhập cho dù khả năng tiếp cận ưu đãi của họ vào thị trường Trung Quốc phần nào bị suy giảm.

Sáu là, vấn đề COVID-19, các tổ chức quốc tế có thể giúp tăng nguồn cung các mặt hàng y tế quan trọng bằng cách thúc đẩy hợp tác công-tư, như qua Dự án vắc-xin viêm màng não. Để hỗ trợ chính phủ các nước có nguồn hỗ trợ tài chính, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố một số cơ chế quỹ để giúp các chính phủ, bao gồm tài trợ khẩn cấp, tăng cường các chương trình cho vay hiện hành, viện trợ xoá nợ, các thỏa thuận tài trợ mới, hỗ trợ trực tiếp để đào tạo cán bộ y tế tuyến đầu, cải thiện tiếp cận chăm sóc y tế cho những người nghèo nhất và tăng cường theo dõi bệnh dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp khu vực tư nhân có thể được ký kết hợp đồng trực tiếp để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đang phát triển. Để tạo ra lợi ích lớn nhất, viện trợ sản xuất các mặt hàng y tế sẽ được trao cho các quốc gia không căn cứ vào nhu cầu của người tiêu dùng mà căn cứ vào lợi thế so sánh của người sản xuất, với điều kiện họ phải đảm bảo thương mại hoàn toàn tự do. Mở cửa sẽ đảm bảo các mặt hàng y tế thiết yếu được sản xuất tại địa bàn hiệu quả nhất và đến được nơi có nhu cầu cao nhất. Để nguồn cung thiết yếu cho các bộ xét nghiệm đến được với người dùng với chi phí thấp đòi hỏi các tổ chức quốc tế phải mua số lượng lớn từ các nhà cung cấp, đồng thời phải đảm bảo phân phối hiệu quả và công bằng.

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, trong từng nội dung chính sách trên, kiềm chế, y tế, kinh tế vĩ mô, tài chính, thương mại và viện trợ, hành động phối hợp quốc tế trên cách tiếp cận tổng thể sẽ đem lại lợi ích dễ thấy. Tất cả các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng như bên ngoài cần nhận thấy rằng tăng cường chiều sâu hợp tác quốc tế là liều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do vi-rút gây ra, ngoài những biện pháp mạnh mẽ trong nước.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực