Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 lần thứ 24

Thứ ba, 04/05/2021 16:03
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN+3 năm 2021, vào ngày 3/5, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 (AFMGM+3) lần thứ 24 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Tiến trình hợp tác tài chính giữa các nước ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
 Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến AFMGM+3 (ẢnhH.T)

Tham dự Hội nghị, bên cạnh Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3 còn có Tổng Thư ký ASEAN và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực như: Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO). Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 cùng các vị khách mời đã có phiên thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, đối thoại về các biện pháp chính sách ứng phó với tác động của dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Các Bộ trưởng và Thống đốc cũng cho ý kiến về kết quả triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính quan trọng trong khu vực như CMIM, ABMI, hoạt động của Văn phòng AMRO, và việc phát triển các sáng kiến mới của Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3. Trên cơ sở đồng thuận cao, các Bộ trưởng và Thống đốc đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị.

Về triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực

Thảo luận về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã cùng nhau chia sẻ quan điểm về những rủi ro và thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra đối với kinh tế toàn cầu và khu vực. Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,0%. Trong khi đó, AMRO dự báo kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 7%.

Hội nghị cũng chia sẻ về các giải pháp chính sách mà các nền kinh tế khu vực đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Các Bộ trưởng và Thống đốc đồng quan điểm cho rằng mục tiêu quan trọng của khu vực là phải đảm bảo sự phục hồi toàn diện và bền vững cũng như duy trì sự ổn định tài chính. Các Bộ trưởng và Thống đốc cũng nhận định việc triển khai vắc-xin đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế khu vực. Các đại biểu nhất trí tiếp tục cam kết mạnh mẽ đối với một hệ thống thương mại và đầu tư đa phương và mở, nhằm đảm bảo hội nhập và hợp tác khu vực ngày càng sâu rộng hơn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với các đại biểu về các biện pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua như miễn giảm thuế và các khoản thu ngân sách, miễn giảm lãi suất và hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và các đối tượng khó khăn, đồng thời tăng cường chi ngân sách cho công tác phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư công, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, tăng cường xuất khẩu. Các giải pháp mạnh mẽ về tài chính tiền tệ đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, đạt mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế, đóng góp vào kết quả tăng trưởng 2,91% của năm 2020. Trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp tài khoá, tiền tệ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.

 Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự và phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: H.T)

Về các sáng kiến hợp tác tài chính ASEAN+3

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 hoan nghênh việc Thỏa thuận CMIM sửa đổi có hiệu lực vào ngày 31 tháng 3 năm 2021, ghi nhận tiến độ các cuộc thảo luận về sử dụng đồng nội tệ trong CMIM, kế hoạch triển khai chạy thử nghiệm CMIM lần thứ 12. Các kết quả nêu trên góp phần tích cực trong việc tăng tính sẵn sàng, hiệu quả hoạt động của CMIM, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường tài chính, hướng tới mục tiêu đưa CMIM trở thành công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực và toàn cầu. Các kết quả hợp tác đạt được của Sáng kiến CMIM có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hợp tác và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh kinh tế khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn do tác động của dịch COVID-19.

Hội nghị đánh giá cao những nỗ lực của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) với tư cách là một tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã dành nhiều hỗ trợ cho các thành viên ASEAN+3 trong giai đoạn khó khăn vừa qua, thông qua việc cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách kịp thời hỗ trợ các nước đối phó với đại dịch COVID-19 và tạo thuận lợi cho việc triển khai CMIM, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực. Đồng thời, các Bộ trưởng và Thống đốc tin tưởng rằng với việc triển khai Kế hoạch Trung hạn của AMRO (MTIP) giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp AMRO ngày càng lớn mạnh và trở thành một tổ chức có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương cũng ghi nhận và đánh giá cao tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của các nhóm công tác thuộc sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI) trong việc nghiên cứu cải thiện môi trường thu hút nhà đầu tư, phát triển thêm công cụ đầu tư mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng như các hoạt động triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thị trường trái phiếu trong nước của các nền kinh tế thành viên.

Nhằm tăng cường ổn định kinh tế và tài chính khu vực, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương hoan nghênh việc thành lập bốn nhóm công tác để triển khai các sáng kiến hợp tác mới, bao gồm Tài chính Cơ sở hạ tầng, Các công cụ cấu trúc vĩ mô, Củng cố bền vững tài chính ứng phó rủi ro thiên tai, và Tăng cường phối hợp chính sách đối với sự tiến bộ công nghệ, và hy vọng hoạt động hiệu quả của các nhóm công tác sẽ mở ra tiềm năng trong việc triển khai các sáng kiến mới.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã phát biểu ghi nhận và hoan nghênh kết quả triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính ASEAN+3 trong thời gian qua, đặc biệt là những nỗ lực của AMRO đã hoàn thành các nhiệm vụ mà các Bộ trưởng và Thống đốc giao trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. Bộ trưởng cũng ghi nhận kết quả hoạt động của các nhóm công tác trong các sáng kiến CMIM, ABMI và việc triển khai các sáng kiến hợp tác mới, mong muốn thấy kết quả tích cực của các sáng kiến mới trong thời gian tới.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 24 dưới sự chủ trì của Bru-nây và Hàn Quốc đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội nghị lần thứ 25 dự kiến sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị thường niên ADB tại Cô-lôm-bô, Sri Lanka vào năm 2022 dưới sự chủ trì Cam-pu-chia và Trung Quốc./.


M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực