Kim ngạch xuất khẩu sang Algeria tăng 12,3%

Thứ ba, 28/04/2020 18:13
(ĐCSVN) – Theo Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria vẫn đạt 47,9 triệu USD, tăng 12,3% so vời cùng kỳ năm trước.
 Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Để đối phó với dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Algeria đã phải cắt giảm ngân sách, nhất là trong bối cảnh dầu khí, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước này có giá bán sụt giảm.

Trong tháng 3/2020, Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đã ra lệnh cắt giảm 30% ngân sách hoạt động của bộ máy Nhà nước, nhưng không động đến lương công chức. Hai bộ không bị cắt giảm ngân sách là Bộ Giáo dục và Bộ Y tế.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Sonatrach phải giảm chi phí khai thác và đầu tư từ 14 tỷ USD xuống còn 7 tỷ USD trong năm 2020.

Về thương mại, Algeria đặt mục tiêu giảm kim ngạch nhập khẩu từ 41 tỷ USD năm 2019 xuống còn 31 tỷ USD trong năm nay, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng thông thường và hàng có nguồn gốc động vật. Ngoài ra, Algeria sẽ mở rộng danh mục các mặt hàng nhập khẩu phải chịu thuế phòng vệ thương mại tạm thời. Trong nỗ lực đấu tranh chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Algeria đã áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh các hoạt động nhập khẩu và bốc dỡ hàng liên quan đến các sản phẩm, trang thiết bị y tế và tất cả những mặt hàng trực tiếp gắn liền với cuộc chiến này cũng như những thực phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu người dân. Về xuất khẩu, chính phủ Algeria ban hành lệnh cấm xuất khẩu 17 mặt hàng «chiến lược» bao gồm «mì hột, bột mì, rau khô và gạo, bột thực phẩm, dầu ăn, đường, cà phê, nước khoáng, tương cà chua, các loại thực phẩm chế biến, sản phẩm sữa các loại, kể cả sữa dành cho trẻ em, rau và trái cây tươi, thịt đỏ và thịt trắng, trang thiết bị y tế và cận y tế, thuốc và sản phẩm dược, sản phẩm vệ sinh cơ thể và chất tẩy rửa trong nhà».

Algeria cũng sẽ cắt giảm chi phí thuê tư vấn, nghiên cứu nước ngoài, điều này sẽ giúp tiết kiệm được 7 tỷ USD mỗi năm.

Để tìm kiếm các nguồn tài chính khác, Chính phủ Algeria quyết định tăng sản xuất phân bón, tạm ngưng triển khai một số dự án nhà máy điện, đẩy nhanh việc thu thuế cũng như các khoản tín dụng đã được các ngân hàng công thực hiện. Hiện tại, nước này chưa tính đến việc vay tiền từ bên ngoài hay in thêm tiền.

Luật ngân sách năm 2020 của Algeria được tính toán trên cơ sở 1 thùng dầu thô trên thị trường có giá bán là 60 USD và tăng trưởng kinh tế khoảng 1,8%. Tuy nhiên, hiện nay, giá dầu tiếp tục giảm xuống dưới 20 USD/thùng do nguồn cung cao và cầu thế giới giảm vì đại dịch COVID-19. Điều này buộc Algeria phải xem xét sửa đổi và ban hành luật ngân sách bổ sung.

Việc giảm giá dầu kể từ năm 2014 đã làm Algeria mất đi 50% khoản thu từ xuất khẩu dầu khí vốn mang lại hơn 95% nguồn thu ngoại tệ của nước này. Ngành dầu khí còn đóng góp tới 60% nguồn thu thuế của Algeria. Theo Ngân hàng Trung ương Algeria, dự trữ ngoại tệ tính đến cuối năm 2019 chỉ còn 62 tỷ USD trong khi cuối năm 2018 là 79,88 tỷ và cuối 2017 là 97,22 tỷ USD. Dự báo, khoản dự trữ này sẽ tiếp tục giảm còn 51,6 tỷ USD vào cuối năm 2020. Năm nay, nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí ước đạt 20 tỷ USD, giảm mạnh so với 42 tỷ USD năm 2018 và 36 tỷ USD năm 2019. Với giá bán khoảng 20 USD/thùng dầu, thâm hụt ngân sách của Algeria có thể lên tới 25 tỷ USD.

Mặc dù vậy, theo ông Hakkar, Chủ tịch-Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Sonatrach, "Những hợp đồng khí đốt mà Algeria ký với nhiều nước đã cho phép chúng tôi đạt được mức thu nhập bình quân ít bị ảnh hưởng bởi tình hình thị trường hiện nay». Liên quan đến việc giá dầu sụt giảm xuống 20 USD/thùng, ông Hakkar khẳng định «Điều đó không có nghĩa là Algeria phải đưa ra những biện pháp hà khắc như đóng cửa các nhà máy và các cơ sở dầu khí. Những hợp đồng mà Sonatrach ký là những hợp đồng dài hạn, thời gian từ 15 đến 20 năm".

Còn ông Arkab, Bộ trưởng Năng lượng Algeria cũng bày tỏ lạc quan rằng mức cầu về dầu khí sẽ được cải thiện dần dần kể từ tháng 5 hoặc tháng 6 tới. Tại cuộc họp của OPEC gần đây, tổ chức này đã quyết định cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu trong hai tháng tới và sẽ tiếp tục cắt giảm sản xuất trong 2 năm tiếp theo. Trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC, Algeria cam kết cắt giảm 20.000 thùng/ngày vào tháng 5, 6 và 145.000 thùng dầu/ngày vào nửa cuối năm 2020.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực