Ứng dụng công nghệ sinh học thực phẩm trong nông nghiệp

Thứ sáu, 16/10/2015 17:53

(ĐCSVN) – Ngày 16/10, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Crop Life Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn đa ngành, quan hệ báo giới và truyền thông về thực phẩm công nghệ sinh học.

Tại Hội thảo, TS.Alan McHughen, Trường Đại học California (Hoa Kỳ) đã có những chia sẻ thú vị về ứng dụng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam. Theo đó, nông dân sẽ lựa chọn công nghệ tối ưu nhất cho mình.

 

 Hội thảo thu hút sự quan tâm về thực phẩm công nghệ sinh học (Ảnh: HNV)


Cũng theo TS.Alan, giữa hai luồng thông tin phản đối và ủng hộ, diện tích cây trồng biến đổi gen (GMO) đã có sự phát triển vượt bậc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, lợi nhuận ròng nông dân đạt được từ cây trồng biến đổi gen trong giai đoạn 1986 – 2013 là 133 tỷ USD, trong đó nông dân nghèo đạt được nhiều lợi ích nhờ năng suất cây trồng được nâng lên, chi phí giảm nhờ sử dụng nguồn nhiên liệu ít hơn trong quá trình trồng trọt, giảm thiểu quá trình cày đất bề mặt và giảm khí thải nhà kính, tổng lượng thuốc trừ sâu giảm đến 19% nhưng cũng có thể dẫn tới việc phụ thuộc vào một số loại thuốc trừ sâu.

Bất kể nơi nào nông dân được phép trồng GMO đã ghi nhận sự thành công, cũng không có một bằng chứng được kiểm chứng nào cho thấy bất cứ một tác hại nào về sức khỏe và môi trường do cây trồng công nghệ sinh học hoặc thực phẩm công nghệ sinh học gây ra. Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã được chứng minh là một công cụ quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và các nguyên liệu cho ngành công nghiệp an toàn và bền vững. Vào năm 2050, khi dân số thế giới vượt ngưỡng 9 tỷ người chúng ta sẽ cần nhiều hơn 70% lượng lương thực được sản xuất ở thời điểm hiện tại vì vậy chúng ta cần tận dụng mọi công cụ, kể cả áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp”, TS.Alan nói.

Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều quan niệm sai lầm về cây trồng biến đổi gen như GMO có thể gây ung thư, tạo nên hiện tượng kháng thuốc, siêu cỏ, thậm chí ở Ấn Độ người ta còn cho rằng, GMO khiến số lượng nông dân tự tử nhiều hơn, hay Philippines từng đưa ra phán quyết rằng ngô Bt gây ra đổ vỡ hôn nhân và ly dị (do người chồng đi qua một cánh đồng ngô Bt và biến thành đồng tính); hoặc thực phẩm biến đổi gen gây ra vô sinh ở 350.000 cặp tại Serbia... Vì vậy, theo TS.Alan, điều quan trọng để ứng dụng cây trồng biến đổi gen vào thực tiễn sản xuất là hãy cung cấp thông tin chính xác nhất đến nông dân. “Đừng ép hay cấm họ trồng GMO, hãy đưa ra những thông tin khoa học một cách chính xác nhất”, TS.Alan khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Andrew P.Benson, Phó chủ tịch chuyên trách quan hệ quốc tế của Hội đồng Thông tin thực phẩm quốc tế (IFIC) cho rằng, cần thiết phải nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông về GMO để công chúng không bị nhầm lẫn về sản phẩm cũng như tính an toàn và hiệu quả của chúng cũng như đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng. “Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Mỹ có cái nhìn rất tích cực đối với nông nghiệp hiện đại, trong các loại thực phẩm bị tránh sử dụng, chỉ có 2% người tiêu dùng Mỹ tỏ ra lo ngại với thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen, trong khi có đến 55% tránh sử dụng đường và tinh bột. Đó là nhờ tác dụng của truyền thông”, ông Andrew khẳng định. Cũng theo ông Andrew, cần khuyến khích các sáng kiến về truyền thông chủ động giữa các cơ quan chính phủ, giới truyền thông, cộng đồng khoa học và các bên liên quan trong ngành thực phẩm; truyền tải một cách rõ ràng và khoa học về các quyết định được ban hành; lưu ý hơn những quan tâm, lo lắng của cộng đồng nhưng không để cảm xúc, dư luận trái chiều chi phối; xây dựng hiểu biết cho công chúng một cách khách quan.

TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Việt Nam mất hơn 10 năm nghiên cứu để hoàn thiện các khung pháp lý để đưa cây trồng biến đổi gen vào thực tiễn sản xuất, quá trình đó được triển khai một cách chặt chẽ và khoa học với quan điểm: Chỉ ứng dụng cây trồng biến đổi gen khi 5 nước phát triển đã sử dụng công nghệ này. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ cho phép ứng dụng công nghệ sinh học đối với ba loại cây trồng đang phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu là ngô, bông, đậu tương. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về sự an toàn của các loại cây trồng biến đổi gen. Đây sẽ là sự lựa chọn hợp lý để nâng cao năng suất cây trồng, giảm áp lực sâu bệnh và cỏ dại.

Công nghệ sinh học thực phẩm đang được sử dụng để cải thiện dinh dưỡng, tăng cường an toàn và chất lượng thực phẩm. Đồng thời, bảo vệ cây trồng và vật nuôi khỏi bị các loại bệnh dịch đe doạ tính ổn định, khả năng đủ điều kiện chi trả và toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.

 

 Các đại biểu quốc tế trao đổi tại Hội thảo (Ảnh: HNV)


Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã đánh giá mức độ an toàn và lợi ích của các sản phẩm cây trồng và vật nuôi trong nông nghiệp được sản xuất từ các loại thực phẩm này đều có mức độ an toàn. Điều này giải quyết các vấn đề liên quan tác động tới thực phẩm của con người, thức ăn gia súc và môi trường.

Thực phẩm được sản xuất thông qua áp dụng công nghệ sinh học có thể giúp cải tiến sự an toàn thực phẩm bằng cách giảm thiểu những độc tố tự nhiên xảy ra và các chất dị ứng có trong thực phẩm. Cụ thể như thông qua công nghệ sinh học, các nhà khoa học đã phát triển một loại khoai tây sản sinh ra ít chất ACryl- amide hơn khi làm nóng hoặc nấu. Sữa có thành phần lactose thấp hiện nay được sản xuất hiệu quả hơn với các enzymes dẫn xuất công nghệ sinh học, một lợi ích quan trọng cho những người không hợp hoặc nhạy cảm với lactose...

Theo điều tra của IFIC 2012, có tới 69% người tiêu dùng của Hoa Kỳ tin tưởng vào sự an toàn của nguồn cung ứng thực phẩm áp dụng công nghệ sinh học. Khi người tiêu dùng chia sẻ những quan tâm của họ về an toàn thực phẩm, công nghệ sinh học thì 29% người tiêu dùng quan tâm đến dịch bệnh và sự nhiễm khuẩn chứa trong thực phẩm và không có ai tránh thực phẩm được sản xuất theo công nghệ sinh học.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực