Xây dựng Cộng đồng tiêu dùng Nông nghiệp sạch

Thứ ba, 06/10/2020 16:07
(ĐCSVN) - Phát động phong trào xây dựng Cộng đồng tiêu dùng Nông nghiệp sạch thực chất là chương trình vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các giải pháp về môi trường và an toàn thực phẩm.

Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bằng Nông nghiệp sạch

 
Đại diện lãnh đạo các đơn vị nhấn nút phát động phong trào (Ảnh:TT) 

Nhằm tiếp tục tăng cường, thay đổi nhận thức, tư duy của người sản xuất và người tiêu dùng, nhất là phụ nữ Việt Nam; mở rộng đầu ra, tạo chuỗi liên kết cho các sản phẩm Nông nghiệp sạch của Việt Nam, tạo sinh kế bền vững… ngày 6/10, tại Hà Nội, Cộng đồng Nông nghiệp sạch - Công ty cổ phần nông nghiệp sạch (NNS) phối hợp cùng Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Hội liên Hiệp phụ nữ Việt Nam; Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ Phát động phong trào xây dựng Cộng đồng tiêu dùng Nông nghiệp sạch.

Đây là một trong những hoạt động của chương trình vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các giải pháp về môi trường và an toàn thực phẩm qua chương trình “Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bằng Nông nghiệp sạch, đặc biệt là phụ nữ các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng tại Việt Nam”.

Theo Giám đốc truyền thông NNS - ông Nguyễn Hồng Hải “Lễ Phát động phong trào xây dựng Cộng đồng tiêu dùng Nông nghiệp sạch” nhằm mục đích lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng tiêu dùng thông thái, có sự hiểu biết về sản phẩm, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn và đảm bảo VSATTP, mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản trong nước đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong nông nghiệp. Thực hiện tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch cũng chính là hành động thiết thực của mỗi chúng ta góp phần trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, tại Lễ phát động sẽ trưng bày, giới thiệu gần 50 sản phẩm nông nghiệp sạch như: bánh quế JOYVN, chè lam Gấc, Trà Sachs Tea, Caffe Tonini, mỳ rau củ, rau hữu cơ, mật ong… Sau sự kiện, Cộng đồng tiêu dùng Nông nghiệp sạch sẽ được hình thành và lan tỏa trong cả nước. Đây sẽ là Cộng đồng hiện đại, lớn mạnh về tiêu dùng Nông nghiệp sạch.

Ông Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại chương trình (Ảnh: TT) 

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hải, đây cũng là dự án nhằm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội ngày 18 tháng 11 năm 2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và thỏa thuận số 18/TTPH-BDT-CTCPNNS giữa Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Cộng đồng Nông nghiệp sạch - CT CP Nông nghiệp sạch. Hiện Công ty đã hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ tại thành phố Hà Nội và 5 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, Hòa Bình, Điện Biên, Mộc Châu – Sơn La và thành phố Hà Nội). Thông qua các  các hội nghị đào tạo - tập huấn về thực hiện các Giải pháp về Môi trường và An toàn Thực phẩm và kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm...

Bàn về những thuận lợi và khó khăn trong việc tạo tiền đề cho phong trào phát triển ,đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: “Có thể khẳng định, ngành Nông nghiệp đang thể hiện rõ vai trò là một trong những trụ đỡ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sạch, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao. Đây là hướng đi đúng nhằm gia tăng năng suất và nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với vai trò trụ cột, chủ lực, tiên phong trong triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh các chương trình, chính sách tín dụng nhằm luân chuyển nguồn vốn tín dụng dành cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, VietinBank đã tích cực “vào cuộc” để đồng hành cùng cộng đồng Nông nghiệp sạch (NNS) Việt Nam.

VietinBank mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng NNS, đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.”

Đưa Nông Nghiệp Sạch đến với mọi nhà qua 4 chân đế

Được thành lập từ tháng 11/2016 đến nay, Nông Nghiệp Sạch đã phát triển thành một hệ sinh thái đa dạng bao gồm bốn chân đế: Chân đế truyền thông NNS, Chân đế thương mại NNS, Chân đế văn hóa NNS, Chân đế cộng đồng.

Trong đó, đầu tiên là Chân đế Truyền thông đa phương tiện Nông nghiệp sạch bao gồm các kênh: Website NNS, Fanpage NNS, Youtube NNS, Instagram NNS. Sau 3 năm liên tiếp giới thiệu gần 1000 sản phẩm nông sản và hơn 600 mô hình nông nghiệp điển hình, trung bình khoảng 2 triệu lượt xem mỗi số phát sóng trên VTV1, Fanpage Nông Nghiệp Sạch với gần 800.000 người theo dõi, Youtube NNS hơn 95.000 người theo dõi, Instagram NNS hơn 8000 người theo dõi… Các kênh này mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực, đa chiều về văn hóa, vùng đất, con người và quy trình sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn.

Một số sản phẩm nông nghiệp sạch được giới thiệu tại chương trình (Ảnh: TT) 

Thứ 2 là chân đế Thương mại NNS là thành viên cộng đồng thu mua phân phối những sản phẩm của Cộng Đồng Nông Nghiệp Sạch. Thương mại NNS đã xây dựng được website, fanpage cửa hàng Nông Nghiệp Sạch, tổ chức chuỗi cửa hàng Nông Nghiệp Sạch (tại Hà Nội đang triển khai 7 điểm và phát triển lên 20 điểm), đồng hành hỗ trợ người nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm nông sản…

Thứ 3 là chân đế Văn hóa NNS: bao gồm các dự án văn hóa, giáo dục về lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như: dự án Bảo tàng – triển lãm Nông nghiệp sạch, Làng Nông nghiệp sạch, Farm giáo dục…

Thứ 4 là chân đế Cộng đồng NNS: là cộng đồng bao gồm tất cả những đơn vị, cá nhân tổ chức làm việc về các lĩnh vực liên quan đến Nông nghiệp và được chia thành 04 khối: Khối chuyên gia, Khối sản xuất, khối thu mua – phân phối, Khối tiêu dùng. Cộng đồng NNS đã tổ chức rất nhiều hội thảo, lớp học đào tạo, hội chợ của 63 tỉnh, hỗ trợ liên kết chéo (người bán gặp người mua) nhằm giới thiệu các sản phẩm nông đặc sản vùng miền tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Trong năm 2019 – 2020, Nông nghiệp sạch bắt đầu đồng hành cùng hơn 200.000 phụ nữ Bắc Ninh trong việc biết phân loại rác và sử dụng rác để chế biến phân bón hữu cơ, sản xuất rau sạch, hoa sạch, để cải thiện sức khỏe, nòi giống và bảo vệ môi trường…

Chương trình vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các giải pháp về môi trường và an toàn thực phẩm qua chương trình “Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bằng Nông nghiệp sạch, đặc biệt là phụ nữ các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng tại Việt Nam” là một trong chuỗi các hoạt động của Cộng đồng Nông nghiệp sạch trong năm 2020.

Với những nỗ lực đã thực hiện NNS mong muốn lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng tiêu dùng thông thái, có sự hiểu biết về sản phẩm, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm nông sản chất lượng của địa phương từ đó sẽ thúc đẩy cộng đồng sản xuất, cộng đồng thu mua - phân phối phát triển theo hướng sạch, an toàn và đảm bảo VSATTP.
Thực hiện tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch cũng chính là hành động thiết thực của mỗi chúng ta góp phần trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.

Thanh Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực