Hà Giang: Tăng cường công tác tuyên truyền về quyền của người tiêu dùng

Thứ hai, 17/07/2023 11:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Xuất phát từ đặc thù địa bàn và dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2023 sẽ sôi động hơn, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang coi công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền của người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm.

Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Dịch vụ du lịch khởi sắc trở lại, tỉnh đã đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước tới thăm quan. Hoạt động xuất nhập khẩu thông quan hàng hoá qua cửa khẩu được khôi phục trở lại, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Ông Vũ Quốc Khánh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh và hoạt động du lịch phục hồi trở lại sau hai năm trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song nhờ kiểm soát chặt thị trường nên trên địa bàn tỉnh, hoạt động kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ xuất xứ nguồn gốc, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến không phức tạp.

Cục QLTT Hà Giang thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biển pháp luật về phòng chống gian lận thương mại (ảnh: Kiều Tuyên) 

Nửa đầu năm nay, QLTT Hà Giang chưa phát hiện đường dây, ổ nhóm lớn và điểm tập kết hàng lậu. Các vụ việc vi phạm chủ yếu ở mức độ nhỏ, lẻ với các hành vi chủ yếu là kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hoá giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm trong lĩnh vực giá… do các cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện lẻ tẻ và đã được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Tuy vậy, địa bàn Hà Giang cũng có những nét đặc thù, đó là tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhưng trình độ dân trí của một bộ phận bà con còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn. Địa bàn này rất dễ bị các đối tượng lợi dụng để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về tiêu thụ.

Mặt khác, do trình độ phát triển kinh tế chưa cao nên một bộ phận người dân dẫu biết mình đang mua hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Với cách nghĩ như vậy, nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có cơ hội chiếm thị phần trên thị trường.

Bên cạnh đó, do trình độ sản xuất, tổ chức tiêu thụ hàng giả ngày càng tinh vi, trong khi một bộ phận đồng bào thiếu kinh nghiệm phân biệt hàng thật, hàng giả nên không ít người mất tiền thật mà vẫn mua lầm phải hàng giả.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Giang Vũ Quốc Khánh cho biết thêm, dự báo những tháng cuối năm, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ càng trở nên sôi động hơn, nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân cũng tăng mạnh hơn. Các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình này để buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại với những phương thức, thủ đoạn mới, gây khó khăn cho lực lượng chức năng và người tiêu dùng.

 Lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang hướng dẫn người dân huyện Đồng Văn cách nhận biết, phân biệt hàng giả - hàng thật (ảnh: Kiều Tuyên)

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác quản lý thị trường; đồng thời tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và văn bản của các bộ, ngành Trung ương, Cục QLTT Hà Giang coi công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền của người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong công tác này, Cục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc thường xuyên cập nhật các tin, bài về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và các hoạt động khác trên trang thông tin điện tử của đơn vị, của Tổng cục QLTT, các cơ quan thông tin truyền thông của Trung ương và địa phương, góp phần tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hoá.

Tại các chợ, trung tâm mua bán, các chợ phiên… các hình thức tuyên truyền phổ biến được thực hiện gồm: tuyên truyền bằng băng zôn, tờ rơi, loa đài phát thanh… Đặc biệt, Cục QLTT tỉnh Hà Giang chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại, về quyền của người tiêu dùng bằng việc hướng dẫn trực tiếp cách nhận biết hàng thật, hàng giả cho các đối tượng tham dự.

Tại các hội nghị như vậy, Tổ tuyên truyền của QLTT Hà Giang trưng bày, giới thiệu cách nhận biết, phân biệt khoảng 50 mặt hàng thật - giả, là những mặt hàng tiêu dùng thông dụng bị lực lượng phát hiện thời gian gần đây, nhằm nâng cao nhận thức cho thương nhân và người dân về các biện pháp bảo vệ bản thân, cảnh giác trước vấn nạn trà trộn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng để trục lợi, góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, đẩy lùi các hành vi vi phạm, giữ vững ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh chân chính./.

Phạm Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực