Long An: Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc

Thứ tư, 13/09/2023 18:56
(ĐCSVN) - Qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tại tỉnh Long An đã hình thành nhiều phong trào thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; đời sống nhân dân ngày một nâng cao, diện mạo nông thôn có những khởi sắc rõ nét.
 Diện mạo nông thôn mới ở Long An đã có nhiều thay đổi, nâng cao đời sống của người dân. (Ảnh: HM)

Báo cáo từ UBND tỉnh Long An cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành và địa phương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới thông qua việc lồng ghép với các phong trào do các tổ chức hội phát động. Các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng các pano, tờ rơi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; đăng tải các tin, bài viết tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên Đài truyền thanh huyện, xã và trên Cổng thông tin điện tử huyện.

Cùng với sự đóng góp của người dân, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, do đó tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 60% (năm 2010 hầu hết các khu vực nông thôn chưa có nước sạch).

Bên cạnh kết quả đạt được, cảnh quan và môi trường nông thôn của tỉnh đang xảy ra một số vấn đề như: Tình trạng “bê tông hóa” nông thôn dẫn đến thiếu mảng xanh cho khu vực nông thôn; ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chất thải sinh hoạt của người dân có xu hướng gia tăng; việc chôn cất người chết tập trung tại nghĩa trang còn rất hạn chế…

Với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, đã tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và sinh hoạt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Các huyện, thị xã, thành phố đã bám sát chỉ đạo của tỉnh để xây dựng kế hoạch giảm nghèo, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo; tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và tập trung triển khai hỗ trợ cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Toàn tỉnh hiện có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (chiếm 75,2% số xã toàn tỉnh), đạt 85,2% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (kế hoạch là 142 xã). Đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 52,6% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (kế hoạch là 57 xã).

Dự kiến trong năm 2023, tỉnh Long An sẽ có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng cộng đến hết năm 2023 sẽ có 127/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,9% xã đạt chuẩn (kế hoạch trung ương giao giai đoạn 2021-2025 là 88,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới); năm 2023 sẽ thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Như vậy đến nay, toàn tỉnh có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 24,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (kế hoạch trung ương giao giai đoạn 2021-2025 là 40,1%). Trên địa bàn tỉnh chưa có xã nông thôn mới kiểu mẫu (kế hoạch trung ương giao giai đoạn 2021-2025 có 7,7% số xã đạt).

Long An đã triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. 

Hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã. Toàn tỉnh đã có 128/161 xã (chiếm 79,5%) đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có 72/161 xã (chiếm 44,72%) số xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 4/13 huyện (chiếm 30,8%) đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh liên tục phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 591 trường học các cấp 19, trong đó 309 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 52,28%...

Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư với quy mô phù hợp và có sự phân cấp đầu tư cụ thể, ngân sách nhà nước tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp 21. Việc hình thành hệ thống các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân nông thôn. Toàn tỉnh đã có 136/161 xã (chiếm 84,5%) đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.../.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực