Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới

Thứ năm, 27/07/2023 20:01
(ĐCSVN) - Chăn nuôi lợn là một trong những phương thức sản xuất chính của nông dân, đặc biệt là tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn thời gian qua luôn gặp thách thức, khó khăn như: Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; dịch bệnh; cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác…
 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: M.L)

Ngày 27/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao và mang tính bền vững. Theo đó, cần thúc đẩy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường quản lý dịch bệnh, an toàn sinh học.

Theo ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững phải liên kết với nhau trở thành thành viên của các tổ nhóm, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp, từ đó, để nâng cao sức cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chăn nuôi mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn ngành chăn nuôi phải có giải pháp mang tính căn bản. Trong những tháng cuối năm, phải cân đối được cung - cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, đồng thời góp phần vào tăng trưởng chung của ngành,…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã và đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các Tập đoàn và các địa phương, đặc biệt là các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên để xây dựng vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì phải có vùng an toàn dịch bệnh, phải đảm bảo được các tiêu chí và tổ chức thực hiện, cần đảm bảo phải thông suốt từ Trung ương đến các địa phương. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò là trung tâm và phải đi tiên phong để huy động và liên kết với các trang trại hoặc hộ chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, đến nay Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng thịt so với thế giới (năm 2022). Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của Việt Nam có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2019 - 2022, đàn lợn (không bao gồm lợn con theo mẹ) mặc dù giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng đã dần khôi phục lại như thời điểm trước dịch. Ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực