TP Hồ Chí Minh kỳ vọng kiều hối sẽ trở thành "lực đẩy" cho sự phát triển kinh tế

Chủ nhật, 13/10/2024 20:34
(ĐCSVN) - Kiều hối là nguồn lực quan trọng, có tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế nếu sử dụng hiệu quả. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn từ nay đến năm 2030", với kỳ vọng kiều hối sẽ trở thành "lực đẩy" đóng góp vào sự phát triển kinh tế Thành phố.
Lượng kiều hối chuyển về Thành phố luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số kiều hối của cả nước. 

Hiện nay, có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2,3 triệu người có liên hệ với TP Hồ Chí Minh. Do vậy kiều hối chuyển về Thành phố luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số kiều hối của cả nước.

Năm 2019, TP Hồ Chí Minh nhận lượng kiều hối khoảng 5,6 tỉ USD (130.000 tỉ đồng). Tổng cộng, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được 8,3 tỉ USD vốn từ các hình thức như đầu tư, góp vốn và mua cổ phần.

Năm 2020, lượng kiều hối đạt 6,1 tỉ USD (140.000 tỉ đồng), chiếm 50% tổng lượng kiều hối của cả nước. Năm 2021, kiều hối tiếp tục tăng lên 7 tỉ USD (150.000 tỉ đồng), vẫn chiếm 50% tổng lượng kiều hối của cả nước. Năm 2022, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu cả nước với 6,6 tỉ USD kiều hối, gấp 1,5 lần tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố (4,33 tỉ USD).

Tới năm 2023, kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỉ USD, riêng TP Hồ Chí Minh là khoảng 9,46 tỉ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 - cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố. Đồng thời, kiều hối cũng chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư xã hội, bằng 1/7 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh.

Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết,  kiều hối về TP Hồ Chí Minh đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 77% so với cả năm 2023. 

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh kiều hối là nguồn lực quan trọng, có tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế nếu sử dụng hiệu quả. Lượng kiều hối chuyển về tăng trưởng tốt cũng đã góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỉ giá và thị trường ngoại hối. 

Để thu hút ngày càng nhiều kiều hối đồng thời để kiều hối phát huy hiệu quả tích cực đã đạt được, các chuyên gia kinh tế cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối, về thu hút kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Điều này không chỉ bảo đảm mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài.

Kiều hối là nguồn lực quan trọng, có tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế nếu sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, trong đó định hướng tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính để mang lại hiệu quả lớn hơn, sẽ là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế Thành phố: kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư; phù hợp với nhu cầu người lao động ở nước ngoài quan tâm để cải thiện đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Được biết, trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều chính sách khuyến khích người Việt ở nước ngoài chuyển tiền về nước, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập cho các khoản ngoại tệ chuyển về, hay cho phép người nhận giữ hoặc gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối. 

Đề án này được xây dựng với tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối, mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài… Định hướng này tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức nhận kiều hối có thêm lựa chọn tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, công trình thể dục thể thao, trung tâm hội chợ, triển lãm… thông qua việc đề xuất phát hành trái phiếu thành phố. Trong đó, Đề án nêu rõ rằng TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, chiếm từ 38 - 53% tổng lượng kiều hối về Việt Nam mỗi năm. Thành phố mong muốn khi Đề án được ban hành sẽ đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế. 

Đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đề nghị Công ty Đầu tư tài chính thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp để tạo ra các cơ chế mới thu hút nguồn kiều hối hiệu quả./..

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực