Ngày này năm xưa: 23/10

Thứ tư, 23/10/2024 07:30
(ĐCSVN) - Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 có nhiệm vụ “mua sắm phương tiện, điều hành vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Đây là mốc son lịch sử quan trọng, đánh dấu tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức ra đời.

Sự kiện trong nước

 - Ngày 23/10/1896, trường Quốc học Huế được thành lập theo sắc dụ của vua Thành Thái, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường và thường gọi là Trường Quốc học. Đến nay, tên gọi của ngôi trường đã nhiều lần thay đổi từ Pháp tự Quốc học Đường, Trường Quốc học, Trường Trung học Khải Định…, từ năm 1956 đến nay được gọi là Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế. Đây là ngôi trường Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo học vào những năm đầu thế kỷ 20. Chính tại ngôi trường này, Người đã tiếp thu nhiều tri thức mới và được giác ngộ để trở thành một thanh niên trí thức yêu nước. Trường Quốc học Huế được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 26/3/1990, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2020.

Trường Quốc học Huế. Ảnh: TTXVN 

 - Ngày 23/10/1945: Ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến. Vào ngày này, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã đồng loạt tấn công địch tại nhiều vị trí trong thị xã Nha Trang, mở màn cho 101 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường nhằm vây chặt giặc Pháp tại Nha Trang, tạo thời cơ quý báu cho toàn tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và cả nước tranh thủ củng cố xây dựng thực lực về mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Đúng 3 giờ sáng ngày 23/10/1945, Ban Chỉ huy Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa phát lệnh tấn công địch trên toàn mặt trận, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa. Một loạt các vị trí quân địch trong thị xã như: Khu nhà ga Nha Trang, nhà đèn (Sở điện lực), Sở thuộc (Viện Pasteur), khu Bình Tân,… bị lực lượng của ta nổ súng tấn công mãnh liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Cả Nha Trang - Khánh Hòa sôi sục khí thế chống quân xâm lược... 

Với 101 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, quân và dân Nha Trang đã làm nên một mốc son sáng ngời trong lịch sử dân tộc. Chiến công đó đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận và khen ngợi. Trong thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ nhân kỷ niệm quân đội ta tròn 1 tuổi (22/12/1945), Bác viết: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn”. 

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử hào hùng ấy, ngày 09/10/1993, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về việc lấy ngày 23/10 là Ngày “Khánh Hòa kháng chiến”; sau đó, đến ngày 16/01/1999, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc đổi tên thành Ngày “Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến”.

- Ngày 23/10/1946, Sau chuyến thăm nước Pháp trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời Tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, đăng trên Báo Cứu quốc, số 384. Người cho biết, trong hơn 4 tháng ở Pháp, đã gây dựng uy tín của Việt Nam trong con mắt nhân dân Pháp và nhân dân thế giới. Chính phủ và nhân dân Pháp đã biết lá quốc kỳ Việt Nam, hiểu rõ vấn đề Việt Nam hơn, do đó có một bộ phận ủng hộ Việt Nam độc lập, ủng hộ quan hệ Việt - Pháp bình đẳng. Các tổ chức thế giới công nhận các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và lao động Việt Nam là hội viên. Tạm ước 14/9 sẽ tạo điều kiện để hai Chính phủ hội đàm tiếp.

Người cũng nêu rõ, cho đến tháng Giêng năm mới, Chính phủ và nhân dân Việt Nam phải ra sức đoàn kết xây dựng đất nước, phải đối xử khôn khéo với người Pháp ở Việt Nam. Người khẳng định Việt Nam là một nước thống nhất, độc lập; Nam Bộ không thể bị chia cắt khỏi Tổ quốc và viết: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên". (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 416-420).

 Những chiếc tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu/TTXVN

- Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 có nhiệm vụ “mua sắm phương tiện, điều hành vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Sự ra đời của Đoàn 759 (sau là Đoàn 125, Lữ đoàn 125 Hải quân) là mốc son lịch sử quan trọng, đánh dấu tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức ra đời.

Từ khi ra đời và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức vận chuyển mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam. Vượt mọi hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số" với những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả, cùng sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân với hệ thống quan sát, cảnh giới từ xa và vũ khí hiện đại của địch để đi đến các chiến trường.

Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, đáp ứng nhu cầu của hai hướng chiến lược trên chiến trường Nam Bộ là cánh Đông và cánh Tây, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện quốc tế

Ngày 23/10/1927, lần đầu tiên hãng Warner Bros - một trong những hãng phim lớn của điện ảnh Mỹ thời đó - ra mắt bộ phim The Jazz Singer, bộ phim có tiếng nói và tiếng nhạc đầu tiên trong lịch sử điện ảnh./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực