|
Lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống giặc Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Tháng Tám năm 1945, chớp thời cơ “nghìn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng về tay nhân dân, nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình.
Tuy nhiên, chính quyền non trẻ mới ra đời phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, tình thế cách mạng mong manh, phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, cùng lúc “giặc đói”, “giặc dốt” đang diễn ra, làm cho đất nước đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta là đất nước được hoà bình, ổn định để tập trung tài lực vào xây dựng cuộc sống mới; từ việc đánh giá âm mưu của các thế lực đế quốc và căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng lúc đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chủ trương lãnh đạo cách mạng đúng đắn, vừa kiên quyết đấu tranh để giữ vững nền độc lập, thống nhất quốc gia, vừa nhân nhượng, hòa hoãn với kẻ thù để tránh cùng một lúc phải đương đầu với nhiều thế lực ở hai miền đất nước; đồng thời, tranh thủ thời gian, khắc phục khó khăn, xây dựng thực lực cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với chính phủ Pháp để cứu vãn hoà bình, thực hiện sách lược “hoà để tiến”. Chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc, rồi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên hợp quốc, nêu rõ thiện chí hoà bình, mong mỏi Liên hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hoà bình. Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người cầm đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hoà bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu.
|
Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Ảnh: TTXVN |
Nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta. Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, chúng liên tiếp vi phạm các điều khoản đã được ký kết tại Hiệp định sơ bộ, thực hành tiến công và tàn sát nhân dân ta hết sức dã man. Ngày 18/12/1946, Pháp đã chuyển cho Chính phủ ta bức tối hậu thư: đòi ta phá bỏ những vật chướng ngại trên đường phố để quân Pháp tự do đi lại; trao cho chúng quyền giữ trật tự trị an ở Hà Nội; để quân Pháp đến chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trong Thành phố… Pháp tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20/12/1946 quân Pháp sẽ hành động.
Vậy là kẻ thù đã đặt dân tộc Việt Nam trước hai con đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập. Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không có lựa chọn nào hơn là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp (ngày 18/12/1946) tại làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định khả năng hoà hoãn đã hết và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và ngay trong đêm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, hiệu triệu đồng bào và các lực lượng vũ trang cả nước nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược, giữ gìn đất nước.
|
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến tại các của ngõ Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
|
Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!"
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
|
Chiến sỹ cảm tử quân, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội ngày 23/12/1946. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Hưởng ứng Lời kêu gọi đó, nhân dân cả nước từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi và mọi tầng lớp trong xã hội đã nhất tề đứng lên chống Pháp. Hà Nội là một trong những chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Từ đêm 19/12/1946, quân và dân Thủ đô đã đồng loạt tấn công chủ động, bất ngờ vào các căn cứ của quân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng mái nhà, góc phố, con đường, làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân Pháp trong thành phố nhiều ngày để tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não, chủ lực kịp thời sơ tán lên chiến khu Việt Bắc một cách an toàn và bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến vào tháng 3/1947.
Cùng với Hà Nội, quân dân cả nước vùng lên chiến đấu, các mặt trận: Nam Định, Huế, Đà Nẵng… giành được nhiều chiến công, đẩy quân địch lâm vào thế lung túng, bị động. Tinh thần quật cường của dân tộc được khơi dậy, cả nước tiến công, toàn dân là chiến sĩ đã tạo nên thế trận rộng khắp với ý chí căm thù giặc sục sôi, với niềm tin tất thắng. Đó chính là sức mạnh bảo đảm để quân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”./.