Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độc chính trị khác nhau. Nhân dân miền Bắc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Ở miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chống phá Hiệp nghị, chống tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Chúng đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh, thẳng tay tiến hành các chiến dịch đàn áp, khủng bố những người kháng chiến, những người yêu nước và mọi lực lượng đối lập, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành một xã hội phụ thuộc Mỹ, chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Trong thời gian đó, Đảng từng bước tìm tòi, hoạch định đường lối cách mạng miền Nam, trong đó có chủ trương xây dựng một mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm. Chỉ thị của Bộ Chính trị tháng 9/1954, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6/1956 “Về tình hình, nhiệm vụ và công tác miền Nam, đường lối cách mạng miền Nam” (tháng 12/1956) là những cơ sở đầu tiên hình thành đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam của Đảng.
Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15. Trên cơ sở phân tích tình hình, xác định mâu thuẫn của xã hội Việt Nam và miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp nghị Giơnevơ, Hội nghị chủ trương có một mặt trận riêng ở miền Nam, coi đây là một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết 15.
Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập, đã hoàn chỉnh những nội dung cơ bản về đường lối và phương pháp cách mạng ở miền Nam. Đại hội chủ trương thành lập Trung ương Cục ở miền Nam để giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Để tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, Đại hội III của Đảng cũng chủ trương phải xây dựng tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam.
|
Ngày 20/12/1960, các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập. Ảnh tư liệu |
Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị, với Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm:
1. Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ.
2. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.
3. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.
4. Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, giúp người cày có ruộng.
5. Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc, dân chủ.
6. Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
7. Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
8. Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.
9. Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
10. Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.
Bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm được Đại hội thông qua là Cương lĩnh cho phong trào cách mạng của nhân dân. Mục tiêu đấu tranh của Mặt trận được cô đọng lại một cách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ. Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
|
Nhân dân tỉnh Bến Tre mít tinh chào mừng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được ra đời. Ảnh: TTXVN |
Với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng, cách mạng miền Nam đã có danh nghĩa chính thức; phương hướng và mục tiêu cách mạng được công khai, rõ ràng để tập hợp lực lượng. Mặt trận thực sự trở thành người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao.
Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do, chỉ có độc lập thật sự thì mới có hòa bình chân chính” để chiến thắng đế quốc Mỹ và tay sai, nhân dân miền Nam đã hăng hái tham gia vào các tổ chức yêu nước, các tổ chức chính trị - thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng như: Hội Lao động giải phóng, Hội Liên hiệp sinh viên học sinh, Hội Nhà giáo yêu nước, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ....
|
Mít tinh kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1965). Ảnh: TTXVN |
Tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam bên cạnh Ủy ban Trung ương, khắp các huyện, tỉnh đều tổ chức thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng các cấp. Ủy ban Mặt trận địa phương được tổ chức ở bốn cấp: cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đến tháng 10/1962, hầu hết các tỉnh thành đều có Ủy ban Mặt trận. Trong số 41 tỉnh thành từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau thì có 38 tỉnh thành có Ủy ban Mặt trận ra mắt nhân dân. Từ năm 1960 đến 1967, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng địa phương các cấp thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng ở cấp mình.
Cùng với việc thành lập Ủy ban Mặt trận ở nhiều địa phương là sự ra đời của các tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Các tổ chức chính trị thành viên của Mặt trận được xây dựng và phát triển nhanh, có ảnh hưởng rộng rãi. Đặc biệt, sau khi Mặt trận ra đời, với Tuyên ngôn và Chương trình hành động của mình, trong năm 1961, các tổ chức quân sự, tổ chức giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc và các giới đồng bào ở miền Nam lần lượt thành lập các hội đoàn và trở thành thành viên chính thức của Mặt trận.
Trên cơ sở tập hợp lực lượng, Mặt trận tiến hành xây dựng và phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Với hệ thống tổ chức của mình từ Trung ương đến cơ sở, Mặt trận đã vận động, tổ chức được một đội quân chính trị và phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, đều khắp trên tất cả các địa bàn. Chỉ tính từ năm 1961-1969, “đã có hơn 140 triệu lượt đồng bào đã tham gia đấu tranh chính trị”. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam không những phát triển ở nông thôn, mà còn phát triển mạnh mẽ rộng khắp ở các đô thị miền Nam. Phong trào đấu tranh làm cho ngụy quyền tay sai bị lung lay đến tận gốc rễ, làm rối loạn ngay tận sào huyệt của Mỹ - Ngụy.
|
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai, đoàn kết, tập hợp, tổ chức lãnh đạo các hoạt động đấu tranh trên cả 3 mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao. Trong ảnh: Nhân dân Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn khởi đón cương lĩnh chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1967). Ảnh: TTXVN |
Căn cứ vào tương quan lực lượng trên mỗi địa bàn, mỗi vùng chiến lược, Quân giải phóng và các tầng lớp nhân dân miền Nam tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai bằng nhiều hình thức, vận dụng linh hoạt và kết hợp các hình thức đấu tranh “hai chân, ba mũi, ba vùng”, kết hợp đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; kết hợp tiến công và nổi dậy, tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tổng tiến công và nổi dậy… tạo ra sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, đánh bại từng chiến lược chiến tranh, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không những có uy tín trong nước mà còn có vị thế trên trường quốc tế. Với chủ trương đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt Mặt trận đã góp phần khơi dậy phong trào cách mạng thế giới “chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam” và “ủng hộ Việt Nam chống Mỹ”. Đây là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 2/1977, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử, là kết quả của sự sáng tạo trong chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng miền Nam. Từ ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến ngày Đại thắng mùa Xuân (30/4/1975) là chặng đường 15 năm, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong kỳ tích đó, có vai trò hết sức to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam./.