Kết nối mạng lưới – Lan tỏa yêu thương

Thứ ba, 26/01/2021 19:58
(ĐCSVN) – Hội thảo Kết nối mạng lưới – Lan tỏa yêu thương nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá các hoạt động của Văn phòng Dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (Văn phòng OSSO), đồng thời kết nối hoạt động với các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan.

Qua người giới thiệu, chị Ảnh kết hôn với người chồng Hàn Quốc. Do cuộc sống hôn nhân không suôn sẻ nên sau 2 năm sinh sống ở xứ sở Kim Chi chị về nước. Đối mặt với lời ra, tiếng vào từ những người xung quanh, người phụ nữ quê Hải Dương còn gặp khó khăn do không có việc làm ổn định, thu nhập rất bấp bênh.

Không ở xứ người được lâu như chị Ảnh, chị Giang, quê Hải Phòng cũng vì không hòa hợp với chồng nên đã về nước sau 6 tháng xa gia đình. Chấp nhận làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống, giờ đây mong muốn lớn nhất của chị là được hoàn tất các thủ tục ly hôn với người chồng ngoại quốc.

 Phụ nữ di cư hồi hương chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân tại Hội thảo với mong muốn nhận được sự giúp đỡ

Đây là hai trong số nhiều trường hợp phụ nữ di cư tìm đến Văn phòng OSSO nhờ trợ giúp được kể lại tại Hội thảo Kết nối mạng lưới – Lan tỏa yêu thương do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức ngày 26/01, tại Hà Nội.

Là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, tổ chức Di cư quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin và hoạt động của Văn phòng OSSO; đồng thời, tạo diễn đàn giao lưu, kết nối các tổ chức, cơ quan, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; thảo luận cách thức kết nối, phối hợp hỗ trợ hiệu quả phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ. Đây cũng là diễn đàn để phụ nữ di cư hồi hương chia sẻ nhu cầu, mong muốn hỗ trợ của bản thân.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc dự án nhấn mạnh, cùng với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng. Bên cạnh điểm tích cực như tạo các cơ hội việc làm, điều kiện trau dồi kỹ năng cho lao động, tăng thu nhập  góp phần vào sự phát triển của địa phương, đất nước thì di cư cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở các cấp độ khác nhau trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em… 

Đại biểu dự Hội thảo thể hiện nghi thức cam kết hỗ trợ Phụ nữ di cư hồi hương 

Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ là hoạt động có tính đa ngành, đa lĩnh vực, cần sự chung tay phối hợp, kết nối các ngành, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ có liên quan, bà Cầm nói. 

Theo ông Brett Dickson, Giám đốc chương trình IOM Việt Nam, kết quả nghiên cứu ban đầu của dự án cho thấy, 27% của 189 phụ nữ di cư hồi hương tại 5 tỉnh dự án mang theo con về Việt Nam. Các vấn đề thường gặp của những phụ nữ và trẻ em này là thiếu giấy tờ pháp lý, tình trạng hôn nhân không rõ ràng và thủ tục ly hôn chưa hoàn thiện.

Được biết, Văn phòng OSSO là một đầu ra quan trọng của dự án nhằm cung cấp các dịch vụ và kết nối dịch vụ hỗ trợ hoà nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ như: tư vấn pháp lý, tâm lý, giới thiệu việc làm…

Trong khuôn khổ dự án, 5 văn phòng được thành lập tại 5 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn dự án. Trước đó, Văn phòng OSSO tại Hà Nội đã được thành lập và vận hành từ tháng 10/2020. Các văn phòng còn lại sẽ được khai trương trong tháng 2/2021 tại Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang.   

Gia Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực