Bắt tạm giam cựu giáo viên lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước

Thứ năm, 14/12/2023 20:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bắt tạm giam cựu giáo viên lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; Xét xử "trùm buôn lậu" Nguyễn Thị Kim Hạnh và hai cựu cán bộ Công an trong vụ án trốn thuế gần 800 tỷ đồng; Tổng thống Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022… là một số tin đáng chú ý hôm nay (14/12).
 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Xuyến. (Nguồn: Cơ quan Công an)

Bắt tạm giam cựu giáo viên lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước

Ngày 14/12, thông tin từ Công an huyện Hậu Lộc (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, lực lượng này đã thi hành lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1974, ở thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) để điều tra, làm rõ về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Khoản 2, Điều 331, Bộ luật hình sự.

Khám xét nơi ở của bị can, lực lượng Công an thu giữ 3 điện thoại di động, một laptop, một bộ đồ nghề dùng để livestream và một số tài liệu khác.

Thời gian gần đây, Nguyễn Thị Xuyến thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều tổ chức, cá nhân gây hoang mang, ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân.

Cũng với hành vi này, ngày 1/12/2020, Nguyễn Thị Xuyến đã bị Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Ngày 11/3/2021, Nguyễn Thị Xuyến còn bị Công an huyện Hậu Lộc xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi "Cho trẻ em sử dụng bia".

Dù đã bị xử phạt và được tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần song Nguyễn Thị Xuyến vẫn cố tình sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

Cùng với việc thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hậu Lộc đã thi hành lệnh khám xét nơi ở của bị can.

Nguyễn Thị Xuyến từng là giáo viên Trường Trung học Cơ sở Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Ngày 25/2/2023, bà Mã Thị Duyệt, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Ngư Lộc đã ban hành quyết định số 56/QĐ-THCSNL về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm viên chức với Nguyễn Thị Xuyến do Xuyến có 3 năm liên tục (2019 - 2022) không hoàn thành nhiệm vụ.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: baoangiang.vn)

Xét xử "trùm  buôn lậu" Nguyễn Thị Kim Hạnh và hai cựu cán bộ Công an trong vụ án trốn thuế gần 800 tỷ đồng

Sáng 14/12, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử "trùm buôn lậu" Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ huyện An Phú) cùng hai đồng phạm nguyên là cán bộ Công an tỉnh gồm Nguyễn Văn Võ (sinh năm 1968, ngụ huyện Châu Phú) và Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1970, ngụ thị xã Tân Châu) trong vụ án "Trốn thuế" và "Rửa tiền". Trong đó, bị cáo Hạnh bị truy tố về tội "Trốn thuế" và "Rửa tiền"; hai bị cáo Võ và Sang cùng bị truy tố tội "Rửa tiền".

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến hết ngày 15/12. Sáng 14/12, Tòa tiến hành công bố cáo trạng và tiến hành phần xét hỏi.

Theo cáo trạng, từ năm 2009 - 2020, Nguyễn Thị Kim Hạnh đã thành lập 4 Công ty Trách nhiệm hữu hạn, 2 hộ kinh doanh do chính bị cáo Hạnh và người làm công đứng tên đại diện để đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu là mua bán đường. Nguồn gốc số lượng đường do Hạnh trực tiếp mua, vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Trong đó, Hạnh đứng tên các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất, nhập khẩu Hạnh Phát, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Thiên Sứ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Huỳnh Phát Đạt do Trần Văn Phương và Nguyễn Thị Bé Em làm Giám đốc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Bình Kim An do Lê Thị Bạch Vân làm Giám đốc. Các Công ty hoạt động theo hình thức khai báo thuế khấu trừ.

Ngoài ra, hộ kinh doanh Hạnh Phát do Hạnh thành lập và đứng tên chủ hộ; từ tháng 11/2015 đến tháng 8/2018, Hạnh nhờ Nguyễn Thanh Thọ (cháu Hạnh) đứng tên, từ tháng 5/2019 do Mai Thị Ngọc Phấn (người làm thuê của Hạnh) đứng tên. Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Út do Nguyễn Hoàng Út (em ruột Hạnh) đứng tên chủ hộ kinh doanh, đến năm 2018 do Nguyễn Phước Lộc (người làm thuê của Hạnh) đứng tên, sau đó đổi thành hộ kinh doanh Lộc Phát. Hai hộ kinh doanh này hoạt động theo hình thức khai báo thuế khoán.

Quá trình điều hành hoạt động các Công ty và hộ kinh doanh này cho thấy, Nguyễn Thị Kim Hạnh đã bán đường cát cho 20 khách hàng ở các tỉnh, thành phố An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng. Để nhận tiền bán đường từ khách hàng, Hạnh nhờ những người làm công cho mình đứng tên mở các tài khoản ngân hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản nêu trên mà không chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế. Các tài khoản ngân hàng này đều đăng ký số điện thoại của Hạnh, nhận tin nhắn biến động tài khoản khi khách hàng chuyển tiền để Hạnh quản lý. Đồng thời khi mua bán đường cát, Hạnh không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn bán hàng và kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra. Căn cứ kết quả giám định về thuế, số tiền gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước từ các hành vi trên là hơn 755 tỷ đồng.

Sau khi nhận được tiền, Hạnh chỉ đạo những người được nhờ đứng tên chủ tài khoản ngân hàng rút tiền bán đường cát không xuất hóa đơn trong các tài khoản để chuyển vào tài khoản của Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Sang (lúc đó đang là cán bộ Công an tỉnh An Giang) nhiều lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Trong đó, Võ nhận 10 lần với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng, Sang nhận 11 lần với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng với danh nghĩa đầu tư nuôi cá, gửi tiết kiệm, làm từ thiện, nhằm che giấu nguồn gốc số tiền buôn lậu đường và trốn thuế.

Đây là lần thứ 2 vụ án được đưa ra xét xử. Trước đó, tại phiên xét xử diễn ra ngày 4/12, ngoài 3 bị cáo, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang còn triệu tập 82 người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, do số người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập vắng mặt quá nhiều, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN )

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022

Ngày 14/12, mở đầu sự kiện giao lưu với người dân và các phóng viên, Tổng thống Valadimir Putin cho biết nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022 và đang tiến về phía trước.

Tổng thống Putin nêu rõ tăng trưởng GDP của Nga năm nay dự kiến đạt 3,5%, đồng thời biên độ an toàn của nền kinh tế đủ để Nga tự tin. Ngoài ra, thu nhập thực tế của người dân tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, lạm phát có thể ở mức 8% vào cuối năm nay. Trong khi đó, nợ công nước ngoài của Nga đã giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD.

Tổng thống Putin nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với nước Nga là củng cố chủ quyền, trong đó chủ quyền kinh tế và công nghệ là ưu tiên.

 Sự kiện giao lưu bắt đầu vào lúc 12h09 giờ Moskva (16h09 giờ Hà Nội), tại trung tâm triển lãm Gostinyi dvor ở thủ đô Moskva. Đây là cuộc giao lưu trực tuyến lần thứ với 20 của Tổng thống Putin với người dân Nga và các phóng viên. Sự kiện có nhan đề “Kết quả trong năm với Valadimir Putin”, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Putin vừa tuyên bố ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra từ 15-17/3 sắp tới. Sự kiện năm nay kết hợp giữa hai hình thức giao lực trực tuyến với người dân và họp báo lớn cuối năm của Tổng thống LB Nga. Hình thức kết hợp này đã được áp dụng năm 2020 do đại dịch COVID-19.

 Trung tâm nhận cuộc gọi đã nhận được hơn 2,5 triệu câu hỏi của người Nga. Kể từ năm 2001, Tổng thống Putin đã giao tiếp trực tuyến với người dân tổng cộng 15 lần trên cương vị tổng thống và 4 lần với tư cách người đứng đầu chính phủ. Cuộc giao lưu trực tuyến năm 2013 đã lập kỷ lục khi kéo dài trong 4 giờ 47 phút với hơn 3 triệu câu hỏi được gửi tới Tổng thống. Kỷ lục cuộc họp báo lớn cuối năm được ghi nhận vào năm 2008 khi kéo dài 4 giờ 40 phút, trong đó Tổng thống Putin đã trả lời hơn 100 câu hỏi của các nhà báo. Năm 2020, sự kiện kết hợp giao lưu trực tuyến và họp báo lớn cuối năm kéo dài 4 giờ 29 phút. Trong thời gian này, Tổng thống Putin đã trả lời 68 câu hỏi của các nhà báo và người dân Nga./.

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực