Cả nước đã vượt 5 triệu ca COVID-19 tính từ đầu dịch

Thứ tư, 09/03/2022 23:12
(ĐCSVN) - Cả nước đã vượt 5 triệu ca COVID-19 tính từ đầu dịch; Bộ Công an đề nghị UBND TP.HCM cung cấp tài liệu việc hỗ trợ người dân đợt COVID-19; Bắt tạm giam Giám đốc Công ty Ánh Thi buôn lậu hàng ngàn tấn hạt điều; Tổng thống Biden chỉ đạo về phát hành USD kỹ thuật số; Nga cáo buộc Mỹ gây chiến kinh tế…là những tin đáng chú ý trong ngày 9/3.

Cả nước đã vượt 5 triệu ca COVID-19 tính từ đầu dịch

Chiều 9/3, Bộ Y tế thông báo 164.576 ca mắc Covid-19 trong nước; riêng Hà Nội có 31.365 ca. Việt Nam đã ghi nhận hơn 5 triệu ca từ đầu dịch đến nay.

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 8.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 164.596 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 164.576 ca trong nước (tăng 2.161 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Trong các ca mắc mới, có 106.573 ca cộng đồng.

Các F0 nhẹ được các nhân viên chuyên trách hỗ trợ theo dõi sức khỏe tại nhà.

Các tỉnh, thành ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội 31.365 ca, Nghệ An 10.296 ca, Bắc Ninh 9.068 ca, Phú Thọ 5.594 ca, Sơn La 4.924 ca, Hưng Yên 4.102 ca, Hòa Bình 3.997 ca, Bình Dương 3.993 ca, Nam Định 3.980 ca, Lạng Sơn 3.905 ca, Hải Dương 3.636 ca, Tuyên Quang 3.498 ca, Cà Mau 3.294 ca, Đắk Lắk 3.119 ca, Hải Phòng 3.027 ca.

Các tỉnh có số mắc mới dưới 3.000 ca là: Lào Cai 2.939 ca, Quảng Ninh 2.905 ca, Bắc Giang 2.794 ca, Thái Nguyên 2.790 ca, Điện Biên 2.772 ca, Vĩnh Phúc 2.729 ca, Quảng Trị 2.673 ca, Bình Định 2.620 ca, Thái Bình 2.608 ca, Ninh Bình 2.554 ca, Gia Lai 2.551 ca, Quảng Bình 2.473 ca, TP.HCM 2.463 ca, Hà Nam 2.372 ca, Bình Phước 2.316 ca, Cao Bằng 2.298 ca, Bắc Kạn 2.258 ca, Hà Giang 2.177 ca, Yên Bái 2.064 ca, Lai Châu 1.869 ca, Khánh Hòa 1.861 ca, Đà Nẵng 1.758 ca, Lâm Đồng 1.224 ca, Bến Tre 1.182 ca, Thanh Hóa 1.163 ca, Đắk Nông 1.011 ca…

Hôm nay, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 45.896 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 30.353 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 24.318 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Gia Lai giảm 2.363 ca, TP.HCM giảm 620 ca, Bình Dương giảm 513 ca.

Các tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Nghệ An 5.139 ca, Hải Phòng tăng 2.924 ca, Bắc Ninh tăng 2.858 ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 141.797 ca/ngày.

Theo Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 5 triệu ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ 51.041 ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay) có hơn 5 triệu ca nhiễm ghi nhận trong nước, trong đó hơn 2,8 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bộ Công an đề nghị UBND TP.HCM cung cấp tài liệu việc hỗ trợ người dân đợt COVID-19

Bộ Công an có văn bản đề nghị UBND TP.HCM phối hợp cung cấp tài liệu liên quan đến việc hỗ trợ người dân nghèo, khó khăn trong đợt dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Cục C03 đang điều tra xác minh việc chi tiền thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 

Ngày 9/3, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận trước đó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị phối hợp cung cấp tài liệu liên quan đến việc hỗ trợ người dân nghèo, khó khăn trong đợt dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Theo đó, Cục C03 đang điều tra xác minh việc chi tiền thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP theo nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 25-6-2021 và nghị quyết 97/NQ-HĐND ngày 22-9-2021 của HĐND TP.

Để phục vụ công tác điều tra xác minh, Cục C03 đề nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ban, ngành phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu có liên quan nội dung kết quả thực hiện đến nay đối với việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn TP theo hai nghị quyết trên.

Kết quả thanh tra đối với việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; các vụ việc sai phạm đã phát hiện, kết quả xử lý...

Để kịp thời có tài liệu báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và lãnh đạo các cấp, Cục C03 đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành cung cấp tài liệu cho Cục C03 trước ngày 19/2/2022.

Bắt tạm giam Giám đốc Công ty Ánh Thi buôn lậu hàng ngàn tấn hạt điều

Công an tỉnh Bình Phước đọc lệnh bắt giữ và khám xét nơi ở, nơi làm việc của giám đốc Công ty Ánh Thi. 

Công an tỉnh Bình Phước thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở của giám đốc Công ty TNHH MTV Ánh Thi (Công ty Ánh Thi) để điều tra hành vi buôn lậu hạt điều.

Ngày 9/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Văn Ân (41 tuổi, giám đốc Công ty TNHH MTV Ánh Thi, gọi tắt Công ty Ánh Thi, TX.Phước Long) để điều tra về hành vi buôn lậu hạt điều.

Theo điều tra, từ tháng 6.2017 đến tháng 9.2019, Đặng Văn Ân sử dụng pháp nhân là Công ty Ánh Thi mở 23 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Chơn Thành để nhập khẩu tổng cộng hơn 3.232 tấn hạt điều thô, trị giá hơn 140 tỉ đồng theo hình thức nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu (tạm nhập, tái xuất).

Tuy nhiên sau đó, Ân chỉ xuất khẩu 79,38 tấn nhân điều (tương đương 396,9 tấn hạt điều thô) thu hơn 17 tỉ đồng. Số hạt điều thô còn lại, Ân đem tiêu thụ trong nước nhằm thu lợi bất chính nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” để điều tra.

Trong khi đó, theo thông tin từ Viện KSND tỉnh Bình Phước, thời gian gần đây, cơ quan này đã phối hợp với Cục Hải quan tỉnh tiến hành xác minh, phát hiện các hành vi buôn lậu thông qua hình thức nhập khẩu hạt điều thô để sản xuất, xuất khẩu (loại hình E31) nhưng sau đó lén đem tiêu thụ vào thị trường nội địa Việt Nam, tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Viện KSND tỉnh Bình Phước cũng đang phối hợp với công an điều tra 9 vụ án buôn lậu tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như các vụ án buôn lậu xảy ra tại các công ty: Thái Bình Dương, Phượng Phi, Thảo Vi, Ánh Phi.…

Tổng thống Biden chỉ đạo về phát hành USD kỹ thuật số

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký sắc lệnh chỉ đạo các ban ngành nghiên cứu về lợi ích và rủi ro khi phát hành tiền USD kỹ thuật số.

Sự phát triển của tiền kỹ thuật số khiến Mỹ nghiên cứu về lợi ích và rủi ro để hướng tới phát hành loại tiền này. REUTERS. 

Hãng AFP ngày 9/3 dẫn lời các quan chức tại Nhà Trắng cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp chỉ đạo các cơ quan chính phủ bắt tay vào việc tạo đồng USD kỹ thuật số.

Theo đó, Mỹ sẽ nghiên cứu lợi ích và khả năng xảy ra rủi ro, trong khi khẩn cấp nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), trong bối cảnh bùng nổ các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nằm trong số hơn 100 quốc gia đang thăm dò hoặc đưa ra những chương trình thử nghiệm với CBDC riêng của họ, trong đó có đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc.

Giới chức Mỹ bác bỏ ý kiến cho rằng Washington chậm chân. “Chúng tôi phải rất thận trọng đối với phân tích đó, bởi nhiều vấn đề tiềm ẩn đối với một quốc gia phát hành loại tiền dự trữ chính”, theo một quan chức Mỹ.

Dự kiến sắc lệnh của ông Biden sẽ yêu cầu các cơ quan trong đó có Bộ Tài chính xem xét các vấn đề như bảo vệ người tiêu dùng, tài chính toàn diện và việc sử dụng tài sản kỹ thuật số trong các hoạt động phi pháp.

Nga cáo buộc Mỹ gây chiến kinh tế

Điện Kremlin cáo buộc Mỹ đang gây "chiến tranh kinh tế" khi áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Matxcơva nói sẽ làm mọi thứ để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Dầu khai thác từ vùng Irkutsk của Nga - Ảnh: REUTERS. 

"Mỹ đã tuyên chiến kinh tế chống lại Nga và đang tiến hành cuộc chiến này", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói ngày 9-3. Tuyên bố đưa ra sau khi Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga, động thái mới nhất để phản ứng với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Matxcơva tại Ukraine.

Theo Hãng tin Sputnik, ngoài việc cấm nhập năng lượng từ Nga, Washington còn áp hơn 240 biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty, doanh nghiệp, quan chức và lĩnh vực kinh tế của Nga.

Ông Peskov nhận định Nga đã có sự chuẩn bị trước cho các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Trong ngày 10/3, giờ Nga, Tổng thống Vladimir Putin dự kiến có cuộc gặp với các thành viên chính phủ về ảnh hưởng của các đòn trừng phạt lên nền kinh tế Nga.

Khi được hỏi về việc Mỹ cấm nhập năng lượng từ Nga, ông Peskov cho biết dòng chảy năng lượng không thể bị chặn, Matxcơva sẽ đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với những nước đã mua năng lượng của Nga.

Nga cũng đang nghiên cứu cách đáp trả sự trừng phạt của Mỹ. "Nga sẽ làm những điều cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình", ông Peskov nói.

Trong khi đó, nói về khả năng EU ngừng nhập dầu và khí đốt từ Nga, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng điều này là không thể. "Không thể cắt đứt nguồn cung dầu, khí của chúng tôi từ Nga ngay bây giờ, vì chúng tôi cần nguồn cung đó và đó là sự thật không mấy dễ chịu", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Rutte nói.

Liên quan đến tình hình Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng phía Kiev đã xác nhận tổ chức cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước vào ngày 10-3. Theo đó, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn ngoại giao Antalya tại tỉnh miền nam Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày.

Người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc gặp nhưng sẽ không vội. Ông Lavrov sẽ lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối ngày 9-3, giờ địa phương./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực