Chìm tàu, 5 người mất tích ở vùng biển Khánh Hoà

Thứ bảy, 23/12/2023 21:05
(ĐCSVN) - Chìm tàu, 5 người mất tích ở vùng biển Khánh Hoà; 28 tỉnh thành chìm sâu trong giá rét dưới 10 độ C; Vụ việc xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng: Tiếp tục đề nghị truy tố hai bị can Hàn Ni, Trần Văn Sỹ; Các bên liên quan phản ứng với nghị quyết của Liên hợp quốc về khủng hoảng tại Dải Gaz... là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (23/12).

Chìm tàu, 5 người mất tích ở biển Khánh Hoà

Ảnh minh họa: Văn Lương 

Thông tin từ Hải đoàn 32, Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng tại Khánh Hòa) cho biết, đơn vị đang triển tìm kiếm 5 ngư dân Phú Yên mất tích do gặp nạn trên vùng biển Khánh Hòa vào sáng sớm 23/12.

Tàu do anh Huỳnh Đức Lợi, 28 tuổi làm thuyền trưởng, cùng 4 ngư dân (20-35 tuổi) chuẩn bị về cảng cá Đông Tác, TP Tuy Hoà, Phú Yên, sau gần hai tháng đánh bắt ở vùng biển Trường Sa.

Khi đến vùng biển Khánh Hòa - cách Mũi Đôi, huyện Vạn Ninh khoảng 5 km, tàu gặp sóng lớn, phá nước. Ông Lợi chỉ kịp gọi điện về địa phương thông báo tàu gặp nạn rồi mất tín hiệu.

Chủ tàu cá là ông Trần Văn Hiệp, trú TP Tuy Hòa, Phú Yên. Vì lý do sức khỏe nên chuyến biển này ông không tham gia đánh bắt mà giao cho người cháu là Lợi làm thuyền trưởng, ra khơi.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực IV, cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, sóng lớn ảnh hưởng đến việc tìm kiếm.

Hiện tại, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp tìm kiếm các ngư dân mất tích. Năm người mất tích gồm: Thuyền trưởng Huỳnh Đức Lợi (sinh năm 1995); 4 thuyền viên là Huỳnh Tấn Tuyển (sinh năm 1988), Trần Trọng Quyền (sinh năm 1996), Hà Quốc Cường (sinh năm 1997) và Hồ Quốc Dũng (sinh năm 2003)

Tàu cảnh sát biển 8005 của Hải đoàn 32 đã di chuyển đến khu vực tàu cá gặp nạn, có ngư dân mất tích. Các hoạt động tìm kiếm đang được đơn vị triển khai khẩn trương, tích cực. Trong ngày 23/12, thời tiết trên vùng biển Khánh Hòa xấu, có sóng to, gió lớn nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được thực hiện và chưa tìm thấy nạn nhân nào.

28 tỉnh thành chìm sâu trong giá rét dưới 10 độ C

 Băng giá xuất hiện ở độ cao 2.300 m Fansipan, ngày 22/12. (Ảnh: L.H)

Sáng nay, 25 tỉnh thành miền Bắc và 3 tỉnh Bắc Trung Bộ rét dưới 10 độ C, trong đó 3 trạm đo Sơn Tây, Hoài Đức, Hà Đông của Hà Nội chỉ 7-8 độ C.

Bước sang ngày thứ bảy của đợt rét đậm, rét hại, sáng nay 25 tỉnh thành miền Bắc đồng loạt xuống dưới 10 độ C do chìm sâu trong khối không khí lạnh mạnh tăng cường từ ngày 19/12.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lần đầu tiên trong mùa đông 2023-2024 Hà Nội rét dưới 10 độ C. Cụ thể, trạm Sơn Tây 7 độ, Hoài Đức, Hà Đông hơn 8 độ, Láng 11 độ C.

Các tỉnh đồng bằng phổ biến 8-11 độ, vùng núi 5-7 độ C. Thấp nhất vẫn là Mẫu Sơn (Lạng Sơn) xấp xỉ 0 độ, tăng so với hôm qua 2 độ C. Các điểm cao khác như Tuyên Quang 1 độ, Mộc Châu (Sơn La) gần 3 độ và Sa Pa (Lào Cai) gần 4 độ C.

Bắc miền Trung hôm nay nhiệt độ xuống thấp nhất từ đầu đông. Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phổ biến 8-12 độ, trong đó thấp nhất Quỳ Châu (Nghệ An) 6 độ C. Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế 12-14 độ C.

Các tỉnh thành ở phía nam đèo Hải Vân vốn chịu tác động ít hơn của không khí lạnh song sáng nay nhiệt độ cũng xuống thấp, phổ biến 17-20 độ C. Trong đó Tam Kỳ (Quảng Nam) 16 độ, Đà Nẵng 17 độ C.

Không khí lạnh mạnh tràn về từ ngày 16/12, được tăng cường vào ngày 19/12 khiến miền Bắc và Bắc Trung Bộ chìm sâu trong giá rét. Sáng qua, Mẫu Sơn xuống âm 2 độ C, một số điểm đã có băng giá như đỉnh La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Fansipan (Lào Cai). 

Cơ quan khí tượng dự báo đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ còn kéo dài đến ngày 25/12. Đêm Giáng sinh, trời rét dưới 13 độ C, ban đêm đồng bằng phổ biến dưới 10 độ, vùng núi dưới 7 độ, núi cao dưới 3 độ C và nhiều khả năng xuất hiện sương muối, băng.

Vụ việc xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng: Tiếp tục đề nghị truy tố hai bị can Hàn Ni, Trần Văn Sỹ

Công an thành phố Hồ Chí Minh đọc lệnh bắt bị can Đặng Thị Hàn Ni tối 25/2/2023. (Ảnh: Công an thành phố Hồ Chí Minh cung cấp) 

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do Đặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo), Trần Văn Sỹ (luật sư) thực hiện, sau khi Viện Kiểm sát trả hồ sơ lần 2.

Theo kết luận điều tra bổ sung lần 2, cơ quan chức năng đánh giá, xuất phát từ mâu thuẫn trong các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, hai bị can đã lợi dụng tư cách nhà báo, luật sư để thu thập thông tin, biên tập nội dung, ghi hình; lợi dụng môi trường không gian mạng đăng, phát nhiều video có thông tin bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng trái quy định pháp luật. Thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam và quỹ từ thiện Hằng Hữu (đều do bà Hằng làm Giám đốc).

Bị can Đặng Thị Hàn Ni khai nhận có những phát ngôn liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng là do bà Hằng đã có lời lẽ xúc phạm mình khi phát biểu trực tiếp trên mạng vào ngày 3/9/2021.

Bị can Trần Văn Sỹ ghi hình và đăng tải vào ngày 15/8/2021, 29/8/2021, 5/9/2021, 10/9/2021, 19/9/2021, 24/9/2021, 28/9/2021 và 16/10/2021 đã đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam; đưa nội dung bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng; đưa nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà Nguyễn Phương Hằng...

Kết luận điều tra nêu rõ, đối với hành vi phạm tội của các bị can, không có ai khác giúp sức. Quá trình điều tra, hai bị can không thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật.  

Theo kết luận điều tra bổ sung lần 2, Cơ quan điều tra đã tách hành vi và tài liệu liên quan đối với các tài khoản Facebook mà Viện kiểm sát yêu cầu xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiếp tục điều tra; khi có kết quả sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Kết luận điều tra cũng ghi nhận ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng không còn yêu cầu bồi thường đối với bị can Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ như kết luận lần trước.

Trên cơ sở đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và kết luận điều tra bổ sung lần 2 sang Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố hai bị can trên về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Các bên liên quan phản ứng với nghị quyết của Liên hợp quốc về khủng hoảng tại Dải Gaza

Các đại biểu tham dự cuộc họp của HĐBA LHQ về Gaza ở New York, Mỹ, ngày 22/12/2023. 

Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết về xung đột Israel – Hamas, Chính quyền Palestine ngày 22/12 đã gọi nghị quyết trên là bước đi đúng hướng giúp chấm dứt hành động quân sự của Israel, đảm bảo việc nhận hàng cứu trợ và bảo vệ người dân Palestine.

Ông Riyad Mansour, quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ, tuyên bố: "Hội đồng Bảo an LHQ đã họp sau khi hơn 20.000 dân thường Palestine thiệt mạng, trong đó gần một nửa là trẻ em, ngoài ra 60.000 người đã bị thương và 2 triệu người Palestine bị buộc phải di dời". Ông kêu gọi chấm dứt sự bao vây của Israel tại Gaza và nhấn mạnh ngăn cản hoạt động nhân đạo như một biện pháp chiến tranh cần phải chấm dứt.

Phong trào Hồi giáo Hamas cùng ngày tuyên bố rằng nghị quyết trên của LHQ  là “bước đi không đủ” để đáp ứng nhu cầu của người dân tại khu vực này. Tuyên bố của Hamas cho rằng Mỹ đã "nỗ lực loại bỏ bản chất của nghị quyết". Điều đó thách thức ý chí của cộng đồng quốc tế và Đại hội đồng LHQ trong việc ngăn chặn hành động quân sự của Israel chống lại người dân Palestine không có khả năng tự vệ.

Trong khi đó, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan nêu rõ: “Sự chú trọng của LHQ vào những cơ chế viện trợ cho Gaza là không cần thiết và xa rời thực tế. Israel đã cho phép chuyển hàng viện trợ ở quy mô cần thiết. LHQ nên tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với những con tin”. Ông Erlan cũng cảm ơn Mỹ về sự ủng hộ mạnh mẽ của nước này đối với Israel trong các cuộc thảo luận về nghị quyết của HĐBA LHQ, mà theo ông đã duy trì quyền đảm bảo an ninh của Israel trong việc thẩm định hàng viện trợ vào Gaza.../.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực