Cục Phòng chống HIV/AIDS vào cuộc vụ tự ý lấy máu học sinh xét nghiệm

Chủ nhật, 20/08/2023 21:45
(ĐCSVN) – Cục Phòng chống HIV/AIDS vào cuộc vụ tự ý lấy máu học sinh xét nghiệm; Mỹ: Xuất hiện cơn bão sau 84 năm tấn công bang California; Tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên trong 50 năm của Nga gặp sự cố nghiêm trọng… là những tin đáng chú ý trong ngày 20/8.

Cục Phòng chống HIV/AIDS vào cuộc vụ tự ý lấy máu học sinh xét nghiệm

Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đề nghị báo cáo vụ việc nhóm "Bông hồng đen" tiến hành lấy máu xét nghiệm các học sinh ở Hải Phòng.

Nhóm "Bông hồng đen" tại buổi làm việc với UBND phường Hải Sơn liên quan việc cho tiền để lấy mẫu máu của học sinh xét nghiệm. Nguồn ảnh: Tuyên giáo quận Đồ Sơn. 

Theo thông tin ban đầu, "Bông hồng đen" là một nhóm cộng đồng tại Hải Phòng, họ có ký thỏa thuận hợp tác với tổ chức SCDI về tìm ca dương tính HIV trong nhóm sử dụng ma túy. Nhưng nhóm này lại tiến hành xét nghiệm cả học sinh. Hiện lực lượng công an đã vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc.

Về vụ việc này, Cục Phòng chống HIV/AIDS- Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hải Phòng xác minh, báo cáo vụ việc.

Theo công văn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong 2 ngày 18 và 19/8/2023, Cục nhận được thông tin của hàng loạt báo chí phản ánh về việc nhóm "Bông hồng đen" (nhóm cộng đồng) tổ chức tuyên truyền và lấy mẫu máu xét nghiệm của học sinh trường trung học cơ sở ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng không thông qua phụ huynh hay nhà trường và chính quyền địa phương.

Về vấn đề này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ thông tin các báo phản ánh và có văn bản báo cáo về Cục Phòng, chống HIV/AIDS trước 12h ngày 22/8/2023 để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Đồng thời, tăng cường việc quản lý và chấn chỉnh các hoạt động của nhóm cộng đồng triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Những ngày gần đây trên địa bàn phường Hải Sơn (quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) xuất hiện nhóm người lạ mặt tự ý lấy máu của nhiều học sinh để xét nghiệm HIV.

Việc lấy mẫu này, nhà trường, phụ huynh và chính quyền đều không được biết.

Theo ông Lưu Đình Dũng - Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng, các phụ huynh phản ánh mỗi học sinh cho lấy máu đều được trả 100.000 đồng, giới thiệu thêm người nào sẽ được hưởng 25.000 đồng.

Nhận thông tin, lãnh đạo UBND phường Hải Sơn đã cử cán bộ y tế phối hợp với cơ quan công an tiến hành xác minh sự việc.

Kết quả làm việc ban đầu, nhóm người trên tự xưng là thành viên của tổ chức có tên "Bông hồng đen". Nhóm này đang triển khai dự án phi Chính phủ về phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc tự ý lấy máu để test nhanh HIV đối với học sinh là sai đối tượng.

Ngoài việc xử lý hành vi tự ý lấy máu của học sinh để xét nghiệm của nhóm người trên, chính quyền đã giao cơ quan công an điều tra, xác minh xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, nếu có sẽ xử lý nghiêm.

Mỹ: Xuất hiện cơn bão sau 84 năm tấn công bang California

Bão Hilary có thể trở thành cơn bão đầu tiên trong 84 năm tấn công bang California, Mỹ.

Theo dự báo bão, bão Hilary có thể gây ra lũ lụt nghiêm trọng, thậm chí lũ quét ở Nam California và vùng tây nam nước Mỹ, với dự báo lượng mưa lên đến 250 mm ở một số khu vực, sức gió 120 km/h khi di chuyển trên đất liền.

Mặc dù California từng bị ảnh hưởng bởi bão trước đây, nhưng điều này cực kỳ hiếm vì dòng nước lạnh từ Alaska thường khiến bờ biển Thái Bình Dương trở thành môi trường không thích hợp để bão phát triển. Thông thường, nhiệt độ bề mặt nước biển từ 26 độ C trở lên là điều kiện lý tưởng để bão hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Bão Hilary dự kiến gây mưa lớn, lũ quét, lở đất, lốc xoáy và mất điện trên diện rộng. Ảnh: NOAA 

Tin bão mới nhất cho biết, mặc dù bão Hilary đang suy yếu xuống cấp độ 2 trong thang bão 5 cấp, nhưng bão Hilary vẫn được dự đoán sẽ đi vào sử sách với tư cách là cơn bão nhiệt đới đầu tiên đổ bộ vào Nam California sau 84 năm, kéo theo lũ quét, lở đất, lốc xoáy, gió lớn và mất điện trên diện rộng.

Trong khi người dân ở bờ biển phía đông nam - đặc biệt là từ Florida đến Carolina và dọc theo bờ biển của Vịnh Mexico - có khả năng thành thạo trong việc ứng phó bão và sống ở các bang có cơ sở hạ tầng vững chắc trước bão, thì điều đó không đúng với Nam California và các khu vực phía tây nam Mỹ nơi cơn bão dự kiến đổ bộ.

Theo trang Axios, 43 triệu người ở California và Mexico được cảnh báo bão nhiệt đới và 27 triệu người được cảnh báo lũ quét, trong một khu vực trải dài đến tận Idaho.

California đã có một năm cực kỳ ẩm ướt, mặc dù điều đó không liên quan đến sự phát triển và đường đi khác thường của bão Hilary. 31 sông khí quyển (atmospheric river) đổ bộ vào California vào mùa đông năm ngoái và mùa xuân năm nay, nhiều sông trong số đó khá mạnh. Sông khí quyển ở California đem đến phần lớn lượng mưa và tuyết của tiểu bang.

Theo Cơ quan Khí tượng và Đại dương Mỹ, 1 con sông khí quyển có thể chứa lượng nước gấp tới 15 lần trữ lượng nước của sông Mississippi, con sông lớn và dài thứ hai ở Bắc Mỹ. Khi nhìn lên trời, chúng như một vệt mây mỏng và kéo dài hàng trăm kilômét.

Các dòng sông trong khí quyển năm nay khắc nghiệt cả về cường độ và thời gian, giúp hóa giải hạn hán, nhưng cũng gây ra lũ lụt tàn khốc và lượng tuyết rơi kỷ lục.

Chúng cũng tập trung ở Central Coast của California và Nam California, nơi bão Hilary có thể đổ bộ. Chad Hecht, nhà khí tượng tại Viện Hải dương Scripps của Đại học California San Diego, nói: “Đó là nơi chúng tôi thấy rất nhiều bất thường về lượng mưa tổng thể. Năm nay, Central Coast chứng kiến 4 dòng sông khí quyển mạnh, trong khi thông thường chỉ có chưa đến 2 sông khí quyển trung bình”.

Tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên trong 50 năm của Nga gặp sự cố nghiêm trọng

Nhà chức trách Nga cho biết, tàu đổ bộ Luna-25 của nước này đã đâm xuống Mặt trăng sau khi mất kiểm soát.

Luna-25 gặp sự cố nghiêm trọng khi đang thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976. Tàu vũ trụ không người lái này đáng lẽ đã trở thành cỗ máy thám hiểm đầu tiên đáp xuống vùng cực nam của Mặt trăng, nhưng đã thất bại sau khi gặp sự cố trong lúc di chuyển vào quỹ đạo trước hạ cánh.

Tên lửa đẩy mang tàu thăm dò Luna-25 bay vào không gian, bắt đầu sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng vào ngày 11/8. 

"Thiết bị đã di chuyển vào một quỹ đạo không thể đoán trước và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt trăng", trích tuyên bố của Roscosmos. Cơ quan này cho biết thêm, một ủy ban đặc biệt sẽ xem xét nguyên nhân vì sao nhiệm vụ thất bại.

Sự cố diễn ra khi Nga đang chạy đua với Ấn Độ để trở thành nước đầu tiên đưa thành công tàu thăm dò đáp xuống cực nam của Mặt trăng, nơi được tin có băng đá bao phủ. Tàu thám hiểm Chandrayaan-3 của Ấn Độ dự kiến sẽ làm điều đó vào tuần tới.

Cho đến nay, chưa có quốc gia nào từng có tàu đổ bộ xuống khu vực nói trên, mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc từng có phương tiện thám hiểm đáp nhẹ nhàng xuống bề mặt thiên thể này.

HH (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực