Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Thứ năm, 22/04/2021 19:20
(ĐCSVN) - Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và các bị can khác về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; 3.000 bị hại sập bẫy bằng hình thức cộng tác viên bán hàng online; Số ca nhiễm COVID -19 ở Ấn Độ cao kỷ lục; Syria đánh chặn nhiều tên lửa của Israel…là những tin nóng ngày 22/4.

Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và các bị can

Bệnh viện Bạch Mai - nơi xảy ra vụ án liên quan đến thiết bị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh,  Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS Phạm Đức Tuấn, Phó giám đốc Công ty BMS  Ngô Thị Thu Huyền, cùng các bị can khác về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong vụ án xảy ra tại  Bệnh viện  Bạch Mai.

Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Quốc Anh đã đồng ý để công ty của Phạm Đức Tuấn liên doanh lắp đặt robot phẫu thuật với giá do Tuấn đưa ra mà không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn  Bệnh viện  Bạch Mai. Ngoài ra, nguyên Giám đốc  Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền cùng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với Công ty BMS.

Tháng 1/2017, các bên ký Đề án xã hội hóa, trang bị 2 loại robot phẫu thuật nói trên, trong đó Robot Rosa được xác định có giá 39 tỉ đồng. Ngày 23/2/2017, Công ty BMS mới nhập khẩu Robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài; hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định từ thời điểm này đến tháng 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh.

Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca , nhưng  Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca. Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai mới liên hệ, trả số tiền chênh lệnh nói trên cho 86 người bệnh. Bị can Phạm Đức Tuấn đã nộp 10 tỉ đồng để trả tiền chênh lệnh 16,5 triệu đồng cho 551 ca thu sai.

Bị can Nguyễn Quốc Anh khai tổng số tiền đã nhận từ Tuấn là 100 triệu đồng và 10.000 USD. Nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật và hưởng lợi không chính đáng, bị can Nguyễn Quốc Anh đã có đơn đề nghị khắc phục hậu quả và gia đình bị can đã phối hợp nộp khắc phục toàn bộ số tiền 100 triệu đồng và 10.000 USD vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.

3.000 bị hại sập bẫy bằng hình thức cộng tác viên bán hàng online

Nhóm đối tượng bị bắt giữ. (Nguồn: vietnamnet.vn) 

Đại tá Lê Khắc Thuyết- Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng chức năng nhiều tỉnh phá đường dây lừa đảo bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một nhóm hơn 10 đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau hơn 4 tháng điều tra, Công an xác định ổ nhóm này nằm trong đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, với quy mô đặc biệt lớn, được hình thành từ năm 2018.

Đường dây hoạt động có tổ chức với hơn 100 đối tượng tham gia, nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh.

Ổ nhóm này lập các fanpage bán hàng mỹ phẩm như son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa... rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook để tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng.

Nạn nhân là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Nội dung hấp dẫn mà chúng đưa ra như cần tuyển 100 CTV bán hàng trên phạm vi toàn quốc, lương mỗi tháng từ 10 - 15 triệu đồng, công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm thì nhập hàng từ công ty về bán cho khách.

Để các nạn nhân sập bẫy, các đối tượng không vội vàng đặt hàng ngay mà chờ đến 1- 2 ngày sau khi cộng tác viên đăng bài, bọn chúng mới sử dụng Facebook ảo, sim rác đóng giả làm người mua hàng, đặt hàng với các lý do: mua về sử dụng, để tặng đối tác, để kinh doanh…

Khi CTV đặt hàng tại trang page bán hàng, các đối tượng cam đoan là sẽ được hoàn trả hàng nếu giữ lại giấy bảo đảm của công ty nhưng thực tế địa chỉ nhận lại hàng hoàn toàn giả mạo.

Sau khi hàng đến tay của CTV, những người đặt mua hàng trước đó tự “bốc hơi”, không để lại dấu vết, hàng cũng không hoàn lại vì địa chỉ các đối tượng cung cấp hoàn toàn là giả.

Các CTV sẽ phải ôm một số lượng hàng hoá có giá trị thật chênh lệch từ 40-50 lần so với số tiền bỏ ra, nhưng cũng không thể sử dụng vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ cao kỷ lục

Bệnh nhân gặp các vấn đề hô hấp nằm trong xe chờ được chuyển vào một bệnh viện COVID-19 để điều trị ở thành phố Ahmedabad, Ấn Độ ngày 22-4 . (Ảnh: Reuters/ tuoitre.vn) 

Ấn Độ ghi nhận cột mốc u ám ngày 22/4 với 314.835 ca COVID-19 mới trong một ngày, gần bằng dân số của Iceland (340.000) và là con số cao nhất từ trước đến nay.

Đất nước Nam Á đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai, làm dấy lên lo ngại về khả năng đối phó của các cơ sở y tế.

Các bệnh viện trên khắp miền Bắc và miền Tây Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô New Delhi, cho biết họ chỉ còn số oxy y tế đủ dùng trong vài giờ để duy trì tính mạng cho bệnh nhân COVID-19.

Theo cơ sở dữ liệu trực tuyến của chính quyền Delhi, hơn 2/3 bệnh viện không còn giường trống và các bác sĩ phải khuyên bệnh nhân nên ở nhà.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này có tổng 15,93 triệu ca COVID-19, số người chết tăng 2.104 lên tổng số 184.657 người.

Trong khi đó, Ấn Độ đã triển khai một đợt tiêm chủng nhưng mới chỉ một phần nhỏ dân số được tiêm.

Syria đánh chặn nhiều tên lửa của Israel

Hệ thống phòng không Syria đánh chặn các tên lửa của Israel tại thủ đô Damascus.

(Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN )

Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) ngày 22/4 đưa tin nước này đã chặn được vụ tấn công bằng tên lửa của Israel nhằm vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus.

Theo nguồn tin trên, lực lượng phòng không Syria đã chặn đứng và bắn hạ hầu hết tên lửa do Israel phóng đi từ Cao nguyên Golan nhằm vào các khu vực ở ngoại ô thủ đô Damascus. Thông tin ban đầu cho biết vụ tấn công khiến 4 binh sĩ Syria bị thương và gây một số thiệt hại vật chất. 

Tổ chức giám sát nhân quyền Syria cùng ngày cho biết vụ tấn công của Israel nhằm vào căn cứ không quân của Chính phủ Syria tại thị trấn Dmeir, cách Damascus khoảng 40 km về phía Đông Bắc. Khu vực Dmeir được cho là nơi đặt kho vũ khí của các lực lượng ủng hộ Iran.

Trong khi đó, quân đội Israel cho biết vụ tấn công là nhằm đáp trả việc một tên lửa đất đối không của Syria phát nổ ở miền Nam Israel ngày 22/4, kích hoạt hệ thống còi báo động ở khu vực gần lò phản ứng hạt nhân bí mật Dimona của nước này. Quân đội Israel đã tấn công một số khẩu đội tên lửa tại Syria, trong đó có một khẩu đội phóng tên lửa vừa tấn công vùng lãnh thổ nói trên của Israel.  

Cuộc chiến ở Syria bùng phát năm 2011 đã khiến trên 387.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nội chiến sau đó đã biến thành một cuộc xung đột phức tạp liên quan đến các phần tử thánh chiến và nước ngoài.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực