Gia đình ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm đã nộp 3,4 tỉ đồng

Thứ năm, 26/12/2019 20:56
(ĐCSVN) – Gia đình ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm đã nộp 3,4 tỉ đồng, truy tố cựu Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa, xét xử vụ nữ sinh giao gà, và đắm thuyền di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ là một số tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay (26/12).

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm đã nộp 3,4 tỉ đồng

Về vụ ông Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, cựu Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh) cùng các đồng phạm vụ giao đất tại số 15 Thi Sách (quận 1) cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm" làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/12 cho biết sau khi hoàn tất hồ sơ giai đoạn truy tố chuyển qua toà xét xử, ngày 31/10, gia đình bị cáo Tín đã nộp 1,5 tỉ đồng tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh. Chủ toạ hỏi ông Tín về mục đích ông tác động gia đình nộp số tiền trên. Ông Tín cho biết bản thân nhận thức việc ký cho thuê đất dù mục đích là gì cũng đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hữu Tín tác động gia đình nộp 1,5 tỉ đồng trước khi ra tòa. (Ảnh: plo.vn)

Ngoài ông Tín, gia đình của các bị cáo Trương Văn Út (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Thành phố), Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố) và Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND Thành phố), mỗi người nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Trình bày tại tòa, bị cáo Út cho rằng qua luật sư, biết trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án thuộc về Công ty Bắc Nam 79, nhưng công ty này chưa thực hiện nghĩa vụ, vì vậy bị cáo nói gia đình ứng trước nộp, khi nào Công ty Bắc Nam 79 đóng thì sẽ hoàn trả lại cho gia đình.

Gia đình cựu Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Thành phố, bị cáo Đào Anh Kiệt cũng đã nộp 400 triệu đồng. Tuy nhiên bị cáo Kiệt cho rằng mình đang bị tạm giam nên không thể tác động gia đình việc nộp tiền này.

Ngoài ra, trả lời thẩm vấn, bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng bản thân bị oan sai. Bị cáo Kiệt cho rằng, bị cáo không phải là đơn vị quản lý tài sản công, không thể xử lý giá trị tài sản được. Theo bị cáo, đây là nhiệm vụ của Công ty Quản lý nhà và Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban. Xuyên suốt quá trình tham mưu cho Ủy ban, bị cáo chỉ biết một mục đích duy nhất là giao nhà đất 15 Thi Sách vì nghiệp vụ an ninh, không phải vì mục đích thương mại.

Tuy nhiên, đại diện đặt câu hỏi ai là người ký công văn 48 đề xuất xin ý kiến UBND thành phố Hồ Chí Minh cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường thì bị cáo thừa nhận chính mình là người ký.

Theo bị cáo Kiệt, khi nhận công văn xem xét thẩm định việc doanh nghiệp thuê đất kèm văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Công an, bị cáo có tổ chức họp, lấy ý kiến lãnh đạo những đơn vị trực thuộc, liên quan. Bị cáo Kiệt tự nhận trách nhiệm đối với việc ký tên trong các văn bản hay dự thảo văn bản. Theo bị cáo Kiệt, với trường hợp doanh nghiệp thuê đất vì mục đích thương mại - dịch vụ thì hồ sơ và văn bản tham mưu, quyết định việc giao đất ở số 15 Thi Sách là hoàn toàn sai quy định pháp luật.

Truy tố cựu Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa

Ngày 26/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng số 06/CT-VKSTC-V6 truy tố bị can Nguyễn Chí Phương (sinh năm 1961, cựu Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự năm 2015.

leftcenterrightdel
 Nguyễn Chí Phương đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân. (Ảnh: dantri.com.vn)

Ngày 23/1/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra Quyết định số 558/QĐ-BCA-X01 kỷ luật Nguyễn Chí Phương bằng hình thức Tước danh hiệu Công an nhân dân. Hiện bị can Nguyễn Chí Phương đang bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 6).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Nguyễn Chí Phương là Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Đỗ Đức Hiếu là cán bộ Đội Cảnh sát trật tự Công an thành phố Thanh Hóa.

Ngày 18/7/2018, Đỗ Đức Hiếu lấy trộm chiếc xe máy hiệu Airblade biển kiểm soát 36 B1-007.36 của anh Nguyễn Quang Ngọc để tại nhà xe của cán bộ chiến sĩ Công an thành phố Thanh Hóa để sử dụng. Ngày 19/7/2018, sau khi làm việc với Nguyễn Chí Phương và Đội điều tra tổng hợp Công an thành phố Thanh Hóa, Đỗ Đức Hiếu đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đội điều tra tổng hợp đã thu giữ chiếc xe trên. Nguyễn Chí Phương là người trực tiếp chỉ đạo việc đề nghị xử lý kỷ luật và ký các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ việc Đỗ Đức Hiếu có hành vi “Trộm cắp tài sản”.

Quá trình thực hiện, Nguyễn Chí Phương đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, 3 lần nhận tiền của Đỗ Đức Hiếu với tổng số tiền 260 triệu đồng để giúp Đỗ Đức Hiếu không bị xử lý kỷ luật và không bị xử lý hình sự.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, Nguyễn Chí Phương đã nộp lại số tiền 260 triệu đồng nhận của Đỗ Đức Hiếu.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, việc phải đề nghị xử lý kỷ luật và đề nghị truy tố Đỗ Đức Hiếu là ngoài mong muốn của Nguyễn Chí Phương. Vì vậy, hành vi Nguyễn Chí Phương đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”.

Xét xử vụ nữ sinh giao gà: Bùi Văn Công kêu oan, đồng bọn xác nhận được chỉ đạo

Chiều 26/12, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo. Theo đó, Bùi Văn Công liên tục kêu oan, tuy nhiên, các bị cáo khác khai nhận Bùi Văn Công và Vì Văn Toán là người khởi xướng, chỉ đạo.

leftcenterrightdel
 Bùi Văn Công liên tục kêu oan, cho rằng mình bị đánh đập nhiều, ép cung. (Ảnh: vov.vn)

Trả lời đối chất với đại diện Viện Kiểm sát tại tòa, Bùi Văn Công cho biết, toàn bộ lời khai báo với cơ quan điều tra đều bị mớm cung. Bản thân Công không có bất cứ hành động gì tác động đến nạn nhân. Công thừa nhận có xác nhận chữ ký vào quá trình lấy lời khai của các điều tra viên và bản tự khai, tuy nhiên là do bị ép cung...

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử vì sao lại có vết máu trên chiếc xe tải của mình, Bùi Văn Công cho rằng, mình bị người khác đổ oan, nhằm gây thiệt hại đến kinh tế của gia đình và em gái mình.

Trong khi đó, khai trước tòa, bị cáo Lường Văn Hùng cho biết được Vì Văn Toán và Bùi Văn Công nói với các bị cáo về việc bắt cóc nữ sinh Cao Mỹ Duyên để yêu cầu mẹ nữ sinh trả tiền và hứa hẹn cho các bị cáo tiền và ma túy để sử dụng. Hành vi của các bị cáo do Bùi Văn Công và Vì Văn Toán khởi xướng ban đầu và chỉ đạo từ đầu đến cuối.

Bị cáo Phạm Văn Nhiệm khai được Bùi Văn Công qua nhà và dặn buổi chiều lên nhà Công nhờ chút việc. Tại nhà Công, Nhiệm được Công bàn bạc kế hoạch bắt cóc người nhằm chiếm đoạt tài sản. Khi bàn bạc còn có Lường Văn Lả, Lường Văn Hùng, Vương Văn Hùng, và Vì Văn Toán. Đến chiều 30 Tết (4/2/2019), các bị cáo thực hiện hành vi bắt cóc nữ sinh Cao Mỹ Duyên. Tại nhà Công, ngay tối 30 Tết, Nhiệm, Công, Lường Văn Lả, Lường Văn Hùng và Phạm Văn Dũng (anh trai bị cáo Nhiệm) thay nhau thực hiện hành vi đồi bại với Cao Mỹ Duyên.

Trong vụ án này, 9 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên truy tố với các tội danh “Bắt cóc người nhằm chiếm đoạt tài sản”, “Giết người”, “Hiếp dâm”, “Cướp tài sản”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Không tố giác tội phạm”.

Nghi phạm giết dã man 5 người ở Thái Nguyên

leftcenterrightdel
Chân dung Hoàng Văn Chín. 

Liên quan đến vụ thảm án 5 người tử vong xảy ra tại Thái Nguyên, bước đầu Hoàng Văn Chín (SN1976, trú tại thôn Lương Bình 2) thừa nhận nghiện ma tuý, từng sử dụng heroin và ma tuý đá. Đặc biệt nghi can này thừa nhận bị mất ngủ nhiều tháng nay, tâm lý bất ổn và luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu trong người.

Sáng cùng ngày, khi chị Ma Thị Hưởng (SN 1976) - vợ đối tượng đòi bỏ đi, Chín cảm thấy bực tức, lấy búa đánh vào đầu vợ. Tiếp đó đối tượng dùng dao chém vợ và những người can ngăn tử vong rồi bỏ trốn.

Theo lãnh đạo công an tỉnh Thái Nguyên, do mâu thuẫn bột phát đối tượng đã ra tay sát hại những người khác.

Trước đó, khoảng 4h30 cùng ngày, tại xóm Lương Bình 2 (xã Sơn Phú, Định Hóa) Hoàng Văn Chín (SN1976, trú tại thôn Lương Bình 2) đã to tiếng và xô xát với vợ là chị Ma Thị Hưởng.

Một số người thân và hàng xóm xung quanh đã đến can ngăn nhưng bị đối tượng cầm dao truy sát khiến 5 người tử vong, gồm: Chị Ma Thị Hưởng (vợ của nghi can); anh Hoàng Văn Luận (cán bộ tư pháp xã Sơn Phú); chị Trần Thị Hường (vợ anh Luận); anh Lường Văn Đành và Hoàng Văn Nam. Riêng anh Lường Văn Hoàng, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Sau khi gây án, đối tượng Hoàng Văn Chín đã bỏ trốn. Công an địa phương phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ vụ án.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được xử lý theo quy định.

Đắm thuyền di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ, 7 người thiệt mạng

Các nhà chức trách địa phương cho biết 7 người đã thiệt mạng và 64 người được cứu khi một chiếc thuyền chở những người di cư Pakistan, Bangladesh và Afghanistan bị chìm ở hồ Van tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12.

leftcenterrightdel
Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ chìm thuyền, ngày 26/12/2019. (Ảnh: Harun Nacar—Anadolu Agency/Getty Images) 

Văn phòng của Thống đốc tỉnh Bitlis cho biết thuyền bị lật vào khoảng 03h00 giờ địa phương (00h00 GMT) không xa bờ phía Bắc của hồ Van. Hồ Van nằm sát biên giới với Iran và là điểm giao cắt cho những người di cư muốn đến Tây Âu.

Nguyên nhân của vụ đắm thuyền hiện vẫn chưa được làm rõ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp đón hơn 4 triệu người tị nạn, trong đó có khoảng 3,6 triệu người Syria chạy trốn khỏi cuộc xung đột.

Năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ từng là một trong những địa điểm khởi hành chính của hơn một triệu người di cư từ các quốc gia xung đột và nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi tìm cách tới các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Hàng trăm nghìn người di cư đã vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ để tới Hy Lạp trước khi Ankara bắt đầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư qua quốc gia này để đổ về châu Âu theo thỏa thuận ký kết với EU hồi năm 2016./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực