Giá xăng dầu giảm mạnh, về mức thấp nhất kể từ đầu năm

Thứ hai, 12/09/2022 20:42
(ĐCSVN) - Giá xăng dầu giảm mạnh, về mức thấp nhất kể từ đầu năm; thanh khoản chứng khoán thấp kỷ lục; từ 15/9, Bộ Công an in "nơi sinh" vào hộ chiếu mẫu mới; bắt Phó Tổng Giám đốc FLC Faros Nguyễn Thiện Phú tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổng thống Putin cảnh báo thảm họa từ nhà máy hạt nhân lớn nhất Ukraine… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (12/9).

Giá xăng dầu giảm mạnh, về mức thấp nhất kể từ đầu năm

Giá xăng dầu giảm mạnh. Ảnh: Chí Hùng

Sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, giá xăng dầu đồng loạt giảm từ 15h.

Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 1.020 đồng, về mức 23.210 đồng/lít và E5 RON 92 là 22.230 đồng/lít, giảm 1.120 đồng/lít.

Dầu diesel giảm 1.000 đồng một lít, về mức 24.180 đồng/lít. Mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.030 đồng, về mức 24.410 đồng/lít. Dầu mazut giảm 1.040 đồng/kg, chỉ còn 15.030 đồng. Như vậy, sau phiên điều chỉnh này, giá xăng vẫn rẻ hơn giá dầu.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn với xăng là 451-493 đồng/lít, còn dầu là 90-741 đồng/lít hoặc kg.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên. Riêng giá xăng đã có kỳ giảm giá lần thứ 7 từ đầu tháng 7.

Tại phiên điều chỉnh gần đây nhất (hôm 5/9), giá mỗi lít xăng RON 95 giảm 430 đồng, về 24.230 đồng/lít; xăng E5 RON 92 có giá mới là 23.350 đồng/lít, giảm 370 đồng.

Còn dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít, lên 25.180 đồng/lít. Dầu hỏa cũng tăng 1.390 đồng, lên 25.440 đồng/lít. Riêng dầu mazut lại giảm 470 đồng, về 16.070 đồng/kg. Sau lần điều chỉnh này, thị trường lần đầu ghi nhận lần đầu giá dầu đắt hơn giá xăng.

Thanh khoản chứng khoán thấp kỷ lục

Thanh khoản chứng khoán thấp nhất 08 tháng qua.

Trái với kỳ vọng thanh khoản sẽ tăng cao khi bắt đầu giao dịch lô lẻ, khối lượng giao dịch trên HoSE phiên 12/9 thấp nhất kể từ đầu năm nay.

Nếu xét cả khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, cả sàn HoSE phiên hôm nay chỉ sang tay hơn 410 triệu cổ phiếu, xác lập mức thấp nhất kể từ đầu năm. Về giá trị giao dịch, mức 10.700 tỷ đồng cũng là thấp nhất trong gần hai tháng.

Hiệu ứng giao dịch lô lẻ không quá tích cực khi nhiều nhà đầu tư cho biết phải đặt giá thấp hơn mới bán được cổ phiếu, trong khi một số mã có nhu cầu cao thì phải chấp nhận mua cao hơn thị trường.

Bản chất do giao dịch lô lẻ được thực hiện trên một bảng giá riêng so với thị trường chính thức, phụ thuộc vào cung cầu nên có sự chênh lệch. Đến cuối phiên hôm nay, các cổ phiếu giao dịch tích cực trong nhóm lô lẻ hầu hết đều có giá chốt phiên chênh lệch từ 100-300 đồng so với trên sàn.

Với thị trường chính, chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần này trong sắc xanh, nhưng cả bên mua và bên bán đều giữ tâm lý thận trọng. VN-Index bật lên gần 10 điểm sau phiên ATO và giữ nhịp đi ngang cho tới cuối giờ sáng.

Những biến số từ cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, thông tin CPI tại Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai - chỉ báo có khả năng quyết định đến động thái tăng lãi suất của Fed, khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách thận trọng quan sát. Lực cầu chỉ ở mức thăm dò, không đẩy giá quá mạnh, trong khi bên bán cũng chỉ chặn ở vùng giá cao. Sự lưỡng lự của hai bên khiến nhiều cổ phiếu giao dịch trong biên độ hẹp dưới 1% gần tham chiếu.

Sang phiên chiều, lực bán có phần áp đảo hơn khiến chỉ số thu hẹp sắc xanh. Nhiều mã cổ phiếu tăng lúc đầu giờ đều đảo chiều về dưới tham chiếu vào giữa phiên chiều. Chốt phiên, VN-Index và VN30-Index đóng cửa gần tham chiếu, hầu như không đổi so với cuối tuần trước. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất 0,5%, còn UPCOM-Index giảm 0,4%.

Từ 15/9, Bộ Công an in "nơi sinh" vào hộ chiếu mẫu mới

Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ in thông tin "nơi sinh" vào mục bị chú của Hộ chiếu phổ thông do Bộ Công an cấp cho công dân Việt Nam kể từ ngày 15/9/2022.

Chiều 12/9, trao đổi với báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cùng ngày, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh in thông tin "nơi sinh" vào mục bị chú của hộ chiếu phổ thông mẫu mới. Việc này được thực hiện từ ngày 15/9.

Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an đã có công văn đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có chức năng cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam in thông tin "nơi sinh" của công dân vào phần bị chú của hộ chiếu. Đồng thời, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc đưa mục "nơi sinh" vào trường thông tin trong các loại hộ chiếu do Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam.

Trước đó, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, một số nước tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, với lý do trong hộ chiếu không ghi "nơi sinh".

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu mẫu mới nhập cảnh vào các nước: Đức, Séc, Phần Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sẽ in bị chú "nơi sinh" vào hộ chiếu khi công dân có đề nghị.

Về thủ tục, Bộ Công an cho biết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ thực hiện bị chú thông tin "nơi sinh" khi công dân đề nghị.

Bắt phó Tổng Giám đốc FLC Faros Nguyễn Thiện Phú tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tối 12/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an xác nhận, đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Ông Nguyễn Thiện Phú. Ảnh: FLC Faros

Cơ quan điều tra xác định, giai đoạn từ năm 2015-2016, Nguyễn Thiện Phú có hành vi giúp sức cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng FLC Faros.

Việc nâng khống này theo CQĐT nhằm niêm yết trên sàn chứng khoán, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Sau khi được VKSND Tối cao phê chuẩn, cơ quan điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định tố tụng trên đối với Nguyễn Thiện Phú.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 - Bộ Công an) ngày 25/8 ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết và 2 em gái là Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự. Bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC cũng bị khởi tố cùng tội danh nêu trên.

Theo Bộ Công an, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung từ năm 2014 - 2016 đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ dựng tên), thu tổng cộng trên 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Trước đó, cuối tháng 3/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Tổng thống Putin cảnh báo thảm họa từ nhà máy hạt nhân lớn nhất Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 11/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về "hậu quả thảm khốc" tiềm tàng của những gì ông nói là các cuộc tấn công của Ukraine vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát.

Trong cuộc điện đàm với ông Macron, ông Putin đã nhắc trọng tâm đến các cuộc tấn công thường xuyên của Ukraine vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, bao gồm cả một cơ sở lưu trữ chất thải phóng xạ, nơi chứa đầy hậu quả thảm khốc, Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này đã trở thành tâm điểm của cuộc xung đột trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra sự cố hạt nhân.

Tổng thống Putin cho hay, các chuyên gia Nga tại nhà máy đang thực hiện các bước để đảm bảo an toàn cho cơ sở hạt nhân này và cho biết, Moscow sẵn sàng tiếp tục làm việc với cơ quan nguyên tử của Liên Hợp Quốc để thống nhất về các giải pháp "phi chính trị hóa" cho các vấn đề tại nhà máy.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Macron, Tổng thống Putin cũng cáo buộc các lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp nhằm vào những cơ sở hạ tầng dân sự ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine…./.

 

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực