Hà Nội xét hơn 2.000 chỉ tiêu viên chức giáo viên

Thứ tư, 10/06/2020 22:59
(ĐCSVN) - Hơn 2.000 giáo viên ở Hà Nội sẽ được xét viên chức, chỉ "chốt" tăng mức phạt tối đa trong một số trường hợp, và hơn 7,3 triệu người toàn cầu nhiễm COVID-19, là một số tin đáng chú ý hôm nay 10/6.

Trước 31/7 sẽ xét xong chỉ tiêu viên chức giáo viên

Hà Nội đã phê duyệt chỉ tiêu xét viên chức đối với 2.034 giáo viên hợp đồng, tổng chỉ tiêu còn thiếu của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 5.349.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, UBND thành phố vừa ban hành Quyết định 2362/QĐ-UBND ngày 09/6/2020 phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch xét viên chức đối với giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

 Ảnh: nhân dân.com.vn

Do một số môn cụ thể như tiếng Anh tiểu học, Toán, Văn và tiếng Anh cấp trung học cơ sở, số lượng giáo viên lại nhiều hơn chỉ tiêu, nên Sở tham mưu UBND trình HĐND bổ sung 224 chỉ tiêu từ quỹ biên chế dự trữ. Như vậy, chỉ tiêu xét tuyển viên chức là 2.034, trong khi tổng chỉ tiêu còn thiếu của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 5.349.

Hôm nay, Sở đã tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển. Trong vòng 1 tháng, mỗi thí sinh được 2 lần thay đổi nguyện vọng. Đến hết ngày 12/7, sẽ công khai danh sách, kiểm tra hồ sơ trên phiếu đăng ký, xét lần 1 và xét thực hành, kiểm tra năng lực lần 2. Dự kiến, toàn bộ việc xét sẽ xong trước 31/7.

Sau khi hoàn thành xét tuyển, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên đối với số chỉ tiêu còn thiếu./.

Chỉ "chốt" tăng mức phạt tối đa trong một số trường hợp

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Chính phủ chỉ “chốt” tăng mức phạt tối đa một số trường hợp chứ không phải tất cả các lĩnh vực.

Lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng tập trung xử lý lái xe container sử dụng ma túy  (Ảnh: Thanh Nga)

Về tăng mức phạt tối đa, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ báo cáo Quốc hội chủ yếu trên cơ sở đề xuất của các cơ quan quản lý, đặt biệt là của các địa phương, các đại biểu QH trong nhiều phát biểu cũng cho rằng trong một số trường hợp, mức phạt tối đa chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, qua đánh giá tác động cũng như thực tế cần thiết của các cơ quan quản lý, Chính phủ chỉ “chốt” một số trường hợp chứ không phải tất cả các lĩnh vực.

Bộ trưởng nhắc lại, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc cần thêm hay bớt đi bao nhiêu để điều chỉnh cho phù hợp./.

Hơn 7,3 triệu người nhiễm COVID-19

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, sáng 10/6, thế giới ghi nhận 7.316.944 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 413.627 ca tử vong và 3.602.502 ca phục hồi sau dịch bệnh.

Trong số 3.300.815 ca đang điều trị thì 3.246.793 (chiếm 98%) ca ở thể nhẹ, 54.022 ca (chiếm 2%) còn lại đang trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan ra 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 4.746 ca nhiễm và 624 ca tử vong. Brazil đã trở thành “ổ dịch” lớn thứ 2 toàn cầu, sau Mỹ.

Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc tích cực ở thành phố Marica, bang Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AFP)

Châu Âu ghi nhận 2.124.695 trường hợp, trong đó có 180.184 ca tử vong và 1.105.422 ca được điều trị khỏi. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng danh sách, Nga, Anh và Tây Ban Nha tiếp tục là 3 nước bị tác động nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh, lần lượt với 485.253, 289.140 và 289.046 ca.

Trong khi đó, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 4.693 ca nhiễm COVID-19 và 622 ca tử vong, nâng các con số thống kê được tại khu vực này lên lần lượt là 2.332.413 và 138.561 trường hợp.

Tại Châu Á, có thêm 53 ca nhiễm, trong đó có 3 ca ở Trung Quốc và 50 ca tại Hàn Quốc, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 1.425.689 trường hợp, với 36.330 ca tử vong và 864.765 ca điều trị khỏi.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 52.991 ca nhiễm và 1.162 ca tử vong, tiếp sau là Ai Cập, Nigeria và Algeria, với lần lượt 36.829; 13.464 và 10.382 ca.

Châu Đại Dương thống kê có 8.878 ca nhiễm và 124 ca tử vong, riêng Australia chiếm tới 102 ca (tương đương 82%). Xứ sở chuột túi tiếp tục là nước có nhiều người nhiễm nhất khu vực, với 7.267 ca ghi nhận, tiếp theo là New Zealand với 1.504 ca./.

Anh Tuấn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực