Khởi tố Tổng giám đốc tội Đưa hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu”

Thứ sáu, 25/03/2022 20:10
(ĐCSVN) - Khởi tố Tổng giám đốc tội Đưa hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu”; Số mắc mới COVID-19 giảm mạnh, 3 tỉnh bổ sung hơn 52.000 F0; Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga lập tức ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine; Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo lớn chưa từng thấy… là những tin đáng chú ý trong ngày 25/3.

Khởi tố Tổng giám đốc tội Đưa hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu”

Liên quan đến các sai phạm trong việc tổ chức những chuyến bay trong năm 2021 đưa công dân Việt Nam về nước vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, chiều 25/3, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh bắt giam Hoàng Diệu Mơ (42 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) về tội Đưa hối lộ.

Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn, cơ quan công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt giam bị can Hoàng Diệu Mơ.

Trước đó, cuối tháng 01/2022, lực lượng chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra hành vi "Nhận hối lộ", gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Lãnh sự - hiện đã bị đình chỉ công tác); Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng); Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, tại Hưng Yên, Chánh Văn phòng); Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, tại Hà Nội, Phó Phòng Bảo hộ công dân).

Bị can Hoàng Diệu Mơ. Ảnh: vov.vn. 

Năm 2021, trong giai đoạn đường bay quốc tế về Việt Nam bị hạn chế để phòng chống dịch COVID-19, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đã tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước; cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành, đặc biệt thành viên Tổ công tác 5 bộ để tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước hơn 70.000 người, cách ly tại cơ sở dân sự theo hình thức tự nguyện trả phí. Tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến, đưa khoảng 120.000 người về nước.

Tháng 02/2022, Cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay giải cứu, thời điểm đưa công dân Việt Nam về nước; căn cứ tiêu chí, cơ sở xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "giải cứu"... Cơ quan điều tra cũng đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty/doanh nghiệp đã được Bộ cấp phép triển khai các chuyến bay giải cứu, combo; kế hoạch và văn bản phê duyệt; danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay này; hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay...

Số mắc mới COVID-19 giảm mạnh, 3 tỉnh bổ sung hơn 52.000 F0

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 25/3 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 giảm mạnh còn 108.979 ca.

Tính từ 16h ngày 24/3 đến 16h ngày 25/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 108.979 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh và 108.957 ca ghi nhận trong nước (giảm 11.035 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 83.428 ca trong cộng đồng).

 Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 25/3. (Ảnh chụp màn hình).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (10.803), Phú Thọ (4.555), Nghệ An (4.023), Yên Bái (3.997), Đắk Lắk (3.925), Bắc Giang (3.720), Lào Cai (3.690), Vĩnh Phúc (3.136), Thái Bình (2.915), Thái Nguyên (2.910), Quảng Bình (2.877), Bắc Ninh (2.806), Lạng Sơn (2.802), Hà Giang (2.795), Hải Dương (2.773), Quảng Ninh (2.654), Sơn La (2.642), Cà Mau (2.394), Bắc Kạn (2.314), Tuyên Quang (2.280), Bình Định (2.237), Bình Dương (1.999), Cao Bằng (1.971), Hòa Bình (1.970), Lâm Đồng (1.920), Hưng Yên (1.900), Vĩnh Long (1.726), Điện Biên (1.648), Lai Châu (1.615), Quảng Trị (1.604), Hà Nam (1.557), Tây Ninh (1.507), Bến Tre (1.433), Ninh Bình (1.314), Bình Phước (1.144), TP. Hồ Chí Minh (1.139), Đắk Nông (1.128), Nam Định (1.040), Kon Tum (970), Phú Yên (884), Hà Tĩnh (849), Thanh Hóa (803), Trà Vinh (733), Bà Rịa - Vũng Tàu (698), Đà Nẵng (671), Thừa Thiên Huế (668), Quảng Ngãi (668), Khánh Hòa (657), Hải Phòng (612), Bình Thuận (464), Quảng Nam (341), Bạc Liêu (192), Kiên Giang (167), Long An (147), An Giang (132), Cần Thơ (117), Đồng Nai (99), Đồng Tháp (70), Sóc Trăng (54), Ninh Thuận (35), Tiền Giang (32), Hậu Giang (31).

Ngày 25/3, Sở Y tế Hòa Bình đăng ký bổ sung 22.392 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 20.005 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 10.125 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-1.682), Bắc Ninh (-1.486), Lạng Sơn (-936).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Kạn (+695), Phú Thọ (+278), Đắk Nông (+255).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 130.146 ca/ngày.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mới về xung đột quân sự ở Ukraine

Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết yêu cầu Nga lập tức ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Nghị quyết nói trên do Ukraine và một số đồng minh soạn thảo, được đưa ra bỏ phiếu ngày 24/3 (giờ New York), nhận được 140 phiếu ủng hộ và 5 phiếu chống của Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus. 38 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết do Ukraine và một số nước phương Tây đệ trình nhận được 140 phiếu ủng hộ. (Ảnh: Globaltimes)

Ngoài nội dung yêu cầu Nga dừng chiến dịch ở Ukraine, nghị quyết đề nghị các bên thiết lập cơ chế tiếp nhận viện trợ, bảo vệ dân thường ở Ukraine và cảnh báo tình huống nhân đạo "thảm khốc" tại Ukraine.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành 3 tuần sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết khác hôm 2/3, trong đó đề nghị Nga lập tức dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không mang tính ràng buộc, cũng như không ảnh hưởng đến tình hình chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên, các nghị quyết được kì vọng thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine. 

Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo lớn chưa từng thấy

 Theo KCNA, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo lớn chưa từng thấy trong ngày 24/3. Ảnh: Canberratimes.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 25/3 đưa tin Chủ tịch Kim Jong Un đã trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 'loại mới' của nước này. “Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới Hwasong-17 của lực lượng chiến lược CHDCND Triều Tiên được tiến hành vào ngày 24/3... dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Kim Jong Un” - KCNA cho biết.

Hwasong-17 là loại ICBM cực lớn lần đầu được ra mắt tháng 10/2020 và được giới phân tích gọi là "tên lửa quái vật". Hwasong-17 chưa bao giờ được thử nghiệm thành công trước đây.

Theo KCNA, “tên lửa, được phóng tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, bay tới độ cao tối đa 6.248,5 km và bay quãng đường 1.090 km trong 4.052 giây trước khi đánh chính xác vào khu vực định sẵn ở biển Nhật Bản".

Đây có thể là vụ thử ICBM lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên và là lần đầu Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa xuyên lục địa kể từ năm 2017./.

Vũ Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực