Quốc hội phê chuẩn EVFTA, EVIPA: Cơ hội từ thị trường Châu Âu

Thứ hai, 08/06/2020 20:57
(ĐCSVN) - Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn EVFTA, EVIPA; 09 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh; Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng tại châu Âu là những tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay 8/6.

Cơ hội từ thị trường Châu Âu

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA. (Ảnh: quochoi.vn)

Hôm nay là một ngày đáng nhớ của kinh tế Việt Nam. Cụ thể, với tỷ lệ đại biểu biểu quyết tán thành lần lượt là 457/457 và 461/462 , Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn hai hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Đây là một dấu mốc lịch sử, một bước tiến vượt bậc trong quan hệ giữa EU và Việt Nam. 

Việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA, sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc.

Đồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.

Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về trao đổi thương mại, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.

Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm…

Còn việc phê chuẩn EVIPA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Thêm 9 ca khỏi bệnh, Việt Nam chỉ còn 15 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị

Các bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh sáng nay 

Ngày 8/6, thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, cả nước có 09 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Trong đó, có 06 bệnh nhân tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương và 02 bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và 01 bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến Củ Chi (Tp Hồ Chí Minh),

Những trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Như vậy, tổng số trường hợp được chữa khỏi ở nước ta là 316/331 (chiếm 95% tổng số bệnh nhân). Hiện còn 15 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.

Cũng theo tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19,  đến nay tại Việt Nam đã có 49/50 bệnh nhân quốc tịch nước ngoài được công bố khỏi bệnh. Hiện cả nước chỉ còn duy nhất BN 91 là phi công người Anh vẫn trong tình trạng nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng tại châu Âu

Người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Madrid, Tây Ban Nha để phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN 

Cùng với làn sóng biểu tình tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd tại thành phố Minneapolis, thuộc bang Minnesota vào tuần trước, người dân tại nhiều thành phố khắp châu Âu đã xuống đường tuần hành ngày 7/6 nhằm kêu gọi sự đối xử công bằng giữa các sắc tộc.

Tại thủ đô Rome của Italy, hàng nghìn người tập trung tại Quảng trường Nhân dân ở trung tâm thành phố để phản đối vụ việc tại Mỹ nói trên cũng như bất kỳ hình thức phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử nào.

Tại thủ đô Budapest của Hungary, hơn 1.000 người tham gia cuộc biểu tình ủng hộ phong trào “Black Lives Matter" (Quyền sống cho người da đen) gần Đại sứ quán Mỹ.

Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, hàng nghìn người tuần hành bên ngoài Đại sứ quán Mỹ, hô khẩu hiệu phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, tại Hà Lan diễn ra 2 cuộc tuần hành với gần 4.000 người tham gia.

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô các nước Bỉ và Anh. Tại Brussels, cảnh sát tiến hành 150 vụ bắt giữ sau cuộc biểu tình có khoảng 10.000 người tham gia ở khu vực trung tâm thủ đô.

Tại London, đụng độ cũng nổ ra tại trung tâm thủ đô của Anh sau khi hàng chục nghìn người đổ ra đường tham gia cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong ngày thứ hai liên tiếp. Một nhóm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài khuôn viên Bộ Ngoại giao, sau khi một người đàn ông bị cảnh sát bắt tại đây.

Biểu tình cũng diễn tại tỉnh Quebec của Canada nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và tình trạng lạm dụng vũ lực của cảnh sát. Đám đông khoảng hơn 10.000 người diễu hành tại trung tâm thành phố Montreal hô khẩu hiệu kêu gọi “Quyền sống cho người da đen”, phản đối “Không công lý, không hòa bình”. Đây là cuộc biểu tình thứ hai trong tuần tại Montreal sau vụ việc ở Mỹ nói trên.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ tiếp diễn trong ngày 7/6 với sự tham gia của hàng chục nghìn người ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình và không có bạo loạn./.

MT (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực