Sản xuất xăng dầu 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh

Thứ hai, 29/05/2023 21:18
(ĐCSVN) - Sản xuất xăng dầu 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh; cảnh báo tình hình ùn tắc hàng hóa chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn; Philippines sơ tán hàng nghìn người dân trước khi siêu bão Mawar đổ bộ… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (29/5).

Sản xuất xăng dầu 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh

Ngày 29/5, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thông tin, kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 của đơn vị tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

 Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Hồng Thắm.

Khai thác dầu thô tháng 5/2023 đạt 0,92 triệu tấn, vượt 15,6% kế hoạch tháng, tăng 2,6% so với thực hiện tháng 4/2023 và bằng mức thực hiện cùng kỳ 2022. Tính chung 5 tháng năm 2023, khai thác dầu thô toàn tập đoàn ước đạt 4,41 triệu tấn, vượt 13,7% kế hoạch và bằng 47,5% kế hoạch năm.

Trong đó, khai thác dầu thô trong nước đạt 0,77 triệu tấn, vượt 18,5% kế hoạch tháng, tăng 3% so với thực hiện tháng 4/2023, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 5 tháng khai thác dầu thô trong nước đạt 3,66 triệu tấn, vượt 16,3% kế hoạch 5 tháng, bằng 48,6% kế hoạch năm.

Khai thác khí tháng 5/2023 ước đạt 0,73 tỷ m3, vượt 24,5% kế hoạch, tăng 0,6% so với thực hiện tháng 4/2023 và tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng năm 2023, khai thác khí toàn Tập đoàn ước đạt 3,42 tỷ m3, vượt 21,2% kế hoạch 5 tháng, bằng 57,6% kế hoạch cả năm 2023.

Về sản xuất xăng dầu trong nước (bao gồm cả Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn) trong tháng 5 sản xuất đạt 1,47 triệu tấn, vượt 50,4% so với kế hoạch tháng; tăng 12,3% so với tháng 4/2023 và tăng trưởng tới 32,6 % so với cùng kỳ 2022. Tính chung 5 tháng, sản xuất xăng dầu các loại đạt 6,30 triệu tấn, vượt 26,5% kế hoạch 5 tháng, bằng 56% kế hoạch năm 2023 và tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ 2022.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đất nước đang hiện hữu, với sự hoàn thành đi vào phát điện thương mại của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sản xuất điện toàn Petrovietnam đã đạt được những bước nhảy vọt.

Theo đó, trong tháng 5, Petrovietnam sản xuất được 2,77 tỷ kWh, bằng 100% kế hoạch tháng, tăng 7,8% so với tháng 4/2023. Tính chung 5 tháng, toàn Tập đoàn sản xuất đạt 10,03 tỷ kWh điện thương phẩm, vượt 1% kế hoạch 5 tháng, bằng 42,5% kế hoạch năm và tăng trưởng tới 46,6% so với cùng kỳ 2022.

Các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn như dầu thô, khí, điện và xăng dầu… còn là đầu vào cho các ngành, lĩnh vực sản xuất khác của nền kinh tế. Vậy nên, việc Petrovietnam duy trì đà tăng trưởng, giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược vì thế còn là cơ sở, là nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Cảnh báo tình hình ùn tắc hàng hóa chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn

Sở Công Thương Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp để thông tin về tình hình ùn tắc hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và đưa ra các khuyến nghị.

Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, lượng xe chở sầu riêng lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang tăng đột biến. Lý do là mặt hàng này đang vào mùa vụ thu hoạch và chỉ được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế.

Tính đến 20 giờ ngày 28/5, có khoảng 898 xe chở hàng hóa xuất khẩu tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chờ được thông quan sang Trung Quốc, trong đó có 538 xe hoa quả.

 Xe hàng ùn ứ tại Lạng Sơn. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh.

Để giảm áp lực thông quan, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã trao đổi với Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường - Trung Quốc thống nhất kéo dài thời gian thông quan trong ngày tới 20 giờ (giờ Hà Nội).

Đồng thời tiếp tục đề nghị phía bạn phối hợp cùng thực hiện điều tiết mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải áp lực cho cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tuy nhiên, lượng hàng hóa đưa lên nhiều nên có thời điểm xe chở hàng hóa phải xếp hàng kéo dài.

Sở Công Thương Lạng Sơn dự báo thời gian tới, các phương tiện chở mặt hàng sầu riêng từ các địa phương sẽ tiếp tục dồn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh các mặt hàng hoa quả khác như vải, xoài, thanh long, mít... đang vào mùa vụ thu hoạch được đưa lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn sẽ gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Điều này tiềm ẩn nguy rất lớn gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trái cây nhanh chín và dễ suy giảm phẩm chất, nhiều xe hàng không đảm bảo chất lượng nên không thể xuất khẩu và phải quay đầu.

Do vậy, để góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ, điều tiết phương tiện đang xếp hàng dài trên tuyến quốc lộ, bắt đầu từ 15 giờ ngày 27/5, Lạng Sơn yêu cầu tất cả các phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện điều tiết vào Khu phi thuế quan để dừng đỗ.

Sở Công Thương Lạng Sơn cũng đề nghị Sở Công Thương các địa phương thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp về tình trạng ùn tắc hiện nay tại cửa khẩu, khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc, chủ động điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị một cách hợp lý để tránh phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi.

Sở Công Thương Lạng Sơn lưu ý các doanh nghiệp có thể chuyển đổi phương thức vận tải, xuất khẩu khác ngoài đường bộ như đường sắt hoặc xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng để giảm thiểu tình trạng chờ đỗ dài ngày, giảm thiểu rủi ro hàng hóa bị hư hỏng cho doanh nghiệp.

Philippines sơ tán hàng nghìn người dân trước khi siêu bão Mawar đổ bộ

Philippines bắt đầu sơ tán hàng nghìn người dân, đóng cửa các cơ quan và trường học đồng thời áp đặt lệnh cấm thuyền ra khơi để chuẩn bị trước khi siêu bão Mawar đổ bộ. Theo dự báo đây là cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2023 cho tới nay, tuy nhiên bão suy yếu dần khi vào Philippines.

Cơn bão hiện đang có sức gió duy trì tối đa là 155 km/h và gió giật lên tới 190 km/hnhưng được dự báo sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền núi của Philippines.

Mặc dù dự kiến cơn bão sẽ suy yếu đáng kể, nhưng các nhà chức trách Philippines đã cảnh báo về những đợt triều cường nguy hiểm, lũ quét và sạt lở đất khi đi qua tỉnh Batanes ở mũi bắc Philippines từ ngày mai (Thứ Ba, ngày 30/5) đến ngày kia (Thứ Tư, ngày 31/5). Các quan chức phòng chống thiên tai Philippines cho biết hướng đi của cơn bão có thể thay đổi đột ngột và không thể chủ quan.

 Hình ảnh vệ tinh về siêu bão Mawar. Ảnh: Đình Huy.

Siêu bão Mawar đã quần thảo đảo Guam (Mỹ) vào tuần trước. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ ở khu vực này trong hơn 2 thập kỷ, lật đổ ô tô, cuốn bay các mái nhà và làm mất điện trên diện rộng.

“Những cơn bão, động đất và thiên tai đã là một phần trong cuộc sống của chúng tôi,” ông Ignacio Villa, Phó Thống đốc tỉnh Batanes của Philippines cho biết. Ông cũng nhấn mạnh cần chuẩn bị từ trước để sẵn sàng ứng phó với siêu bão nhằm giảm thiểu thiệt hại và tránh thương vong xảy ra.

Lực lượng quân đội, cảnh sát và lính cứu hỏa Philippines cùng các tình nguyện viên cứu hộ đã sẵn sàng túc trực cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ sắp tới ở các tỉnh phía bắc nước này. Hơn 1 triệu gói lương thực đã sẵn sàng cho các tình huống cứu hộ khẩn cấp.

Ông Raffy Alejandro, cơ quan phòng vệ dân sự của Philippines cho biết hơn 4.800 người đã được sơ tán đến các nơi trú ẩn khẩn cấp ở Cagayan, Batanes và các tỉnh khác. Số người phải di dời sẽ tăng lên trong hôm nay để đề phòng lũ lụt và sạt lở đất.

Trường học và các cơ quan văn phòng, trừ các cơ quan liên quan tới ứng phó thảm họa đã tạm thời đóng cửa ở hầu hết các địa phương tại Cagayan và Batanes, những nơi đã chứng kiến mưa lớn và gió giật mạnh vào tối qua. Các chuyến bay đã bị hủy bỏ, tàu thuyền đánh cá và chở khách bị cấm ra khơi. Ở nhiều nơi, dân làng đã phải dùng dây thừng gia cố nhà cửa để khỏi bị tốc mái hay sập nhà.

Cách đây 10 năm, bão Hayan đã khiến hơn 7.300 người thiệt mạng hoặc mất tích, san phẳng toàn bộ các ngôi làng, cuốn trôi tàu thuyền, phá hủy khoảng 1 triệu ngôi nhà và khiến hơn 5 triệu người phải sơ tán ở Philippines./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực