Sau test nhanh dương tính tại nhà, người dân không tự ý vào viện

Thứ hai, 13/12/2021 18:51
(ĐCSVN) - Sau test nhanh dương tính tại nhà, người dân không tự ý vào viện; Một quận trung tâm Hà Nội dừng hoạt động không thiết yếu; Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lĩnh án 8 năm tù; Học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ trực tiếp; Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng thảm hoạ liên bang tại bang Kentucky… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (13/12).

Sau test nhanh dương tính tại nhà, người dân không tự ý vào viện

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dantri) 

Ngày 13/12, Bộ Y tế có công văn khẩn về việc xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo đó, nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch trong tình hình mới. Bộ cũng hướng dẫn người dân tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên, duy trì đường dây nóng trên cơ sở hệ thống sẵn có để tiếp nhận, xử lý thông tin kết quả xét nghiệm từ người dân, tăng cường công tác truyền thông.

Tuy nhiên, gần đây, đã nghi nhận một số trường hợp di chuyển đến các bệnh viện sau khi tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính nhưng không thông báo cho đơn vị y tế ở địa phương. “Việc người dân có kết quả test nhanh nhưng không thông báo cho đơn vị y tế ở địa phương, tự đến bệnh viện có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng đặc biệt là tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”, văn bản của Bộ khẳng định.

Vì thế, để tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát, phối hợp tổ chức liên quan để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Sở Y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.

Đồng thời, tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.

Bên cạnh đó, phối hợp tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn chấp hành các quy định phòng chống dịch, đặc biết đối với việc triển khai tự xét nghiệm, giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, kịp thời bóc tách, khoanh vùng và dập dịch, đồng thời hạn chế việc lây nhiễm cho cộng đồng.

Một quận trung tâm Hà Nội dừng hoạt động không thiết yếu

Người dân mua hàng mang về tại một cửa hàng trên phố Ngô Sỹ Liên, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, chiều 13/12. (Ảnh: Phạm Chiểu). 

Từ 12h ngày 13/12, tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng ở quận Đống Đa (Hà Nội) tạm dừng, người dân hạn chế ra đường. Đống Đa là quận đầu tiên siết chặt các biện pháp phòng chống dịch kể từ khi Hà Nội bình thường mới (13/10).

Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), chính quyền quận Đống Đa đã đưa ra nhiều giải pháp. Ngoài dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h. Các hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm sẽ bị cấm.

Hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng bị hạn chế. Người dân không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Những người được tham gia hoạt động phải tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong 72 giờ.

Chính quyền dừng triệt để các nghi lễ, tôn giáo, hoạt động tập trung từ 20 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Người dân sinh sống trên địa bàn quận Đống Đa được khuyến cáo không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Trường hợp ra khỏi nhà phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, không tập trung đông người, khai báo y tế). Khi có dấu hiệu nghi ho, sốt, khó thở..., người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

Các phường được yêu cầu khẩn trương rà soát, lên danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người chống chỉ định tiêm vaccine, người chưa được tiêm vaccine để có biện pháp phù hợp; hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho nhóm này.

UBND quận Đống Đa cũng khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn hạn chế tiếp khách, làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường làm việc trực tuyến.

Các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Trong 2 tuần vừa qua, quận Đống Đa ghi nhận hơn 1.300 ca COVID-19, tỷ lệ số ca mắc cộng đồng/100.000 dân là 177. Quận này cũng chiếm 7 trên tổng số 13 phường, ở cấp độ 3 (Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan) ở Hà Nội.

Trong một diễn biến khác, ngày 13/12, cả nước ghi nhận 15.349 ca COVID-19 tại 60 tỉnh thành. Đặc biệt, Hà Nội với 1.000 F0 mới trong ngày đã vượt TP Hồ Chí Minh, dẫn đầu cả nước.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lĩnh án 8 năm tù

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận thêm bản án 8 năm tù. (Ảnh: Dantri) 

Chiều 13/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra phán quyết sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 2 đồng phạm trong vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C.

Theo đó, với cáo buộc phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", ông Chung bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù. Tổng hợp hình phạt 5 năm tù của bản án trước đó, Tòa án buộc cựu Chủ tịch Hà Nội phải chấp hành án phạt chung là 13 năm tù.

Cùng tội danh trên, hai đồng phạm của ông Chung là Nguyễn Trường Giang (cựu Giám đốc Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) lần lượt nhận mức án 4 năm 6 tháng tù và 4 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc 3 bị cáo phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn dân sự trong vụ án là Công ty Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị buộc phải bồi thường 25 tỷ đồng, ghi nhận gia đình bị cáo đã nộp 10 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Trường Giang phải bồi thường hơn 7,1 tỷ đồng, ghi nhận bị cáo đã nộp một tỷ đồng; bị cáo Võ Tiến Hùng bị buộc phải bồi thường 4 tỷ đồng.

Theo Tòa sơ thẩm, từ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm tra công khai tại tòa, có đủ cơ sở quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Đây là vụ án rất nghiêm trọng. Quá trình triển khai thực hiện công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm nước tại các công các hồ trên địa bàn Hà Nội, lợi dụng vị thế công việc trong UBND TP và vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân khác nhau, các bị cáo trong vụ án, đứng đầu là bị cáo Nguyễn Đức Chung, đã có các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị cáo đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng; vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cố ý làm trái chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ký kết 15 hợp đồng kinh tế mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water thông qua Công ty Arktic (công ty gia đình bị cáo Chung) để Công ty Arktic được hưởng lợi nhuận không chính đáng số tiền hơn 36 tỷ đồng, gây thiệt hại cho vốn ngân sách Nhà nước số tiền đặc biệt lớn và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác…

Học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ trực tiếp

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, học sinh lớp 1 và 2 có thể làm bài kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tiếp. (Ảnh minh họa: N.S). 

Công văn "Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó COVID-19" ngày 13/12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ học sinh.

Với hoạt động đánh giá định kỳ, các trường sẽ bố trí linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhưng chỉ thực hiện khi đã hoàn thành dạy học các môn tương ứng và có đánh giá thường xuyên.

Đối với lớp 1, 2, bài kiểm tra định kỳ được tổ chức trực tiếp, nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập và tăng cường trách nhiệm quản lý của các cấp. Diễn ra trong điều kiện dịch, các trường sẽ lên kế hoạch chi tiết, họp phụ huynh để phổ biến, hướng dẫn. Bộ hướng dẫn chia nhỏ số học sinh mỗi lớp để ôn tập, bổ sung kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi trước khi làm bài kiểm tra.

Tuy vậy, trong trường hợp bất khả kháng, nếu học sinh không thể đến lớp, các trường vẫn có thể thi trực tuyến, nhưng phải báo cáo Phòng Giáo dục để phê duyệt các điều kiện.

Trong khi khối 1 và 2 được yêu cầu kiểm tra trực tiếp, các lớp 3, 4, 5 có thể triển khai bài thi cuối kỳ I bằng cách trực tiếp hoặc trực tuyến. Các môn kiểm tra gồm Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc.

Về đánh giá thường xuyên cấp tiểu học, nhà trường có thể áp dụng các hình thức linh hoạt và phù hợp với thực tế như giao bài và nhận bài qua Zalo, Facebook, Email. Phụ huynh được khuyến khích cùng tham gia vào quá trình này bằng cách trò chuyện, tương tác, giao nhiệm vụ cho con ở nhà để phản hồi thông tin với giáo viên.

Hết tháng 11, chỉ 9 tỉnh cho 100% học sinh đến trường; 20 tỉnh, thành dạy trực tuyến và qua truyền hình; số còn lại dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ở một số địa phương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, học sinh tiểu học chưa đến trường đã 7 tháng.

Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng thảm hoạ liên bang tại bang Kentucky

Cảnh đổ nát sau trận lốc xoáy tại Mayfield, bang Kentucky, Mỹ, ngày 12/12/2021.
( Ảnh: AFP/TTXVN) 

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/12 tuyên bố “tình trạng thảm họa liên bang lớn” tại bang Kentucky sau vụ bão và lốc xoáy khiến hơn 100 người thiệt mạng ở bang này. Quyết định trên đã mở đường cho việc cấp thêm ngân sách liên bang nhằm hỗ trợ hàng nghìn người đang trong cảnh mất nhà cửa, thiếu lương thực, nước uống và điện sinh hoạt sau thảm họa.

Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ viện trợ của liên bang sẽ được cung cấp tới những người bị ảnh hưởng tại các hạt Caldwell, Fulton, Graves, Hopkins, Marshall, Muhlenberg, Taylor và Warren. Các hỗ trợ sẽ bao gồm chi phí cho nơi ở tạm thời và sửa chữa nhà cửa, các khoản vay để khắc phục thiệt hại về tài sản không được bảo hiểm, và nhiều chương trình khác để hỗ trợ các cá nhân và chủ doanh nghiệp phục hồi sau thảm họa.

Theo Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA), các hỗ trợ trong “tình trạng khẩn cấp liên bang” được giới hạn ở mức 5 triệu USD, tuy nhiên, mức trần này không áp dụng với “tình trạng thảm họa liên bang lớn”.

Trước đó, Thống đốc bang Kentucky, Andy Beshear đã chính thức đề nghị tuyên bố tình trạng thảm họa sau khi các trận bão và lốc xoáy tấn công bang này. Tổng thống Biden đã tiếp nhận và phê chuẩn đề nghị này vào tối 12/12.

Thống đốc Beshear cho biết đây là trận lốc xoáy hủy diệt chưa từng thấy trong lịch sử bang Kentucky, làm sập cả những công trình kiên cố nhất bằng bê tông cốt thép. Lực lượng cứu hộ Mỹ hiện đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích.

Kentucky là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi trận lốc xoáy quét qua khắp miền Trung Tây và miền Nam nước Mỹ. Tại bang Illinois, ít nhất 6 người đã thiệt mạng khi đang làm việc xuyên đêm để xử lý các đơn đặt hàng trước lễ Giáng sinh tại một nhà kho của công ty Amazon ở thành phố Edwardsville, phía Nam bang này. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 45 người khác ra khỏi khu vực này. Một số bang khác cũng ghi nhận thương vong do bão và lốc xoáy. Tennessee thông báo có 4 người thiệt mạng, trong khi Arkansas và Missouri mỗi nơi ghi nhận 2 người thiệt mạng./.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực