Tạm giam nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng

Thứ tư, 22/02/2023 21:11
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Khởi tố hình sự, tạm giam nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng; Sắp thu phí không dừng tại các sân bay? Cục CSGT: 'Không có chuyện nhầm lẫn khi phạt nồng độ cồn'; Lý do Triều Tiên từ chối viện trợ lương thực… là một số tin trong nước và thế giới đáng chú ý hôm nay.

Thiếu tướng Công an Đỗ Hữu Ca bị khởi tố, tạm giam

Ngày 22/2, Cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Các quyết định, lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.

Bị can Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng đã bị tạm giam (Ảnh: tienphong.vn)  

Trước đó, ông Ca đã bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhận hàng chục tỷ đồng để chạy án. Qua quá trình cơ quan điều tra đến nhà riêng của tướng Ca để khám xét và làm việc, ông này đã tự khắc phục, trả lại toàn bộ số tiền.

Đối tượng đưa tiền là một doanh nghiệp ở thành phố Hải Phòng, có hoạt động phạm tội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bị can Đỗ Hữu Ca (65 tuổi, trú tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ An ninh, cử nhân Ngoại thương, Báo chí và Luật, được phong hàm Thiếu tướng năm 2013, nghỉ hưu năm 2019.

Triển khai thu phí không dừng tại các sân bay

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) về việc triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không nhằm tạo thuận tiện cho khách hàng và giảm ùn tắc.

Việc triển khai thu phí không dừng tại các sân bay nhằm giảm ùn tắc (Ảnh: Việt Đức )

Trước đó, ACV đã đề xuất việc triển khai thu phí không dừng với Bộ GTVT. Đơn vị này lý giải, thực hiện thu phí không dừng tại cảng hàng không sẽ góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí dừng đỗ xe đón trả khách, tạo thuận tiện cho khách hàng và giảm ùn tắc giao thông tại các sân bay.

Trước đề xuất này, Bộ GTVT đề nghị ACV nghiên cứu Quyết định 19/2020/QĐ- TTg ngày 17 tháng 6 năm 2020 về việc điều chỉnh quá trình đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, đồng thời nghiên cứu các quy định pháp luật để xác định chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các cơ quan liên quan; trình tự, thủ tục tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông.

Cục CSGT: 'Không có chuyện nhầm lẫn khi phạt nồng độ cồn'

Tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông đầu năm 2023, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn là qua hơi thở, quy trình hai bước cả định tính và định lượng nên không thể nhầm.

Cảnh sát giao thông cả nước tập trung xử lý các vi phạm liên quan tới nồng độ cồn (Ảnh: vnexpress.net) 

Nhiều câu hỏi đặt ra vì sao Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt tài xế có nồng độ cồn, trong khi Quyết định 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế nêu nồng độ cồn trong máu của người bình thường dưới 10,9 mmol/l.

Theo Thiếu tướng Đức, bản thân mỗi người khi sinh ra đã có lượng men nhất định trong máu để giúp tiêu hóa. Tuy nhiên, khi kiểm tra nồng độ cồn ngoài hiện trường là đo qua hơi thở, không phải xét nghiệm máu. Cụ thể, trên máy đo nồng độ còn có hai chế độ. Khi dừng phương tiện, cảnh sát giao thông sẽ đo bằng chế độ xác định người tham gia có cồn hay không (định tính). Sau khi có kết quả nghi ngờ sẽ đo để xác định hàm lượng cụ thể là bao nhiêu làm căn cứ xử phạt.

Hơn hai tháng cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão (15/11/2022 - 5/2/2023), với chuyên đề nồng độ cồn, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt hơn 117.000 trường hợp, chiếm 18,11% tổng số vi phạm. Trong đó, có 110.000 lái xe môtô, 6.000 tài xế ôtô, thu ngân sách hơn 540 tỷ đồng.

Lý do Triều Tiên từ chối viện trợ lương thực

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên viết, dựa vào viện trợ bên ngoài để đối phó với thiếu hụt lương thực giống như nhận "kẹo độc".

Theo Reuters, những năm gần đây, Triều Tiên chịu cảnh thiếu hụt lương thực do thiên tai, các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa, và việc giảm bớt hoạt động thương mại với Trung Quốc liên quan tới dịch COVID-19.

 Triều Tiên từ chối viện trợ lương thực (Ảnh minh họa)

Trong bài xã luận của mình, tờ Rodong Sinmun kêu gọi người dân nước này tự lực về kinh tế và cảnh báo không nên nhận trợ giúp kinh tế từ "các nước đế quốc" vốn thường dùng viện trợ như một cái bẫy "để cướp bóc và khuất phục" các nước nhận và can thiệp vào chính trị nội bộ của họ.

Hầu hết các cơ quan của Liên hợp quốc và nhóm cứu trợ phương Tây đã rời Triều Tiên. Trung Quốc hiện là một trong số ít nguồn hỗ trợ lương thực từ bên ngoài.

Cơ quan Phát triển nông thôn của Hàn Quốc hồi tháng 12/2022 ước tính, sản lượng mùa màng của Triều Tiên giảm 3,8% so với năm 2021 do mưa lớn vào mùa hè và các điều kiện thời tiết khác.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se cho biết, Bình Nhưỡng đã đề nghị Chương trình Lương thực thế giới hỗ trợ nhưng không có tiến triển do hai bên bất đồng về vấn đề giám sát./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực