Thông báo khẩn về đường bay qua vùng trời Nga - Ukraine

Thứ sáu, 25/02/2022 20:48
(ĐCSVN) - Hàng không Việt Nam thông báo khẩn về đường bay qua vùng trời Nga - Ukraine; Chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sỹ; Mỹ, Nhật, EU cùng nhiều nước công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra ngày 25/2.
Hàng không Việt Nam thông báo khẩn về đường bay qua vùng trời Nga - Ukraine 

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không liên tục cập nhật các điện văn thông báo hàng không về việc hạn chế/đóng cửa vùng trời, sân bay của Nga, Ukraine.

Nga và Ukraine đã phát hành các điện văn thông báo về việc đóng cửa sân bay, hạn chế và đóng cửa một số vùng trời và một số đoạn đường hàng không. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có công văn gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietjet, Bamboo, Pacific về việc hạn chế, đóng cửa vùng trời, sân bay tại Nga, Ukraine.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận được thư số EUR/NAT ngày 24/02/2022 của Văn phòng Tổ chức hàng không thế giới (ICAO) khu vực châu Âu/Bắc Đại Tây Dương về việc đóng cửa không phận tại Moldova, Ukraine và một phần vùng thông báo bay (FIR) của Cộng hòa Liên Bang Nga.

Nhà chức trách Ukraine thông báo đóng cửa không phận trong các vùng thông báo bay (FIR) gồm Dnipro (UKDV), Simferopol (UKFV), Lviv (UKLV), Odesa (UKOV) and Kyiv (UKBV). Nhà chức trách Liên bang Nga cũng thông báo đóng một phần không phận trong FIR Rostov (URRV). Ukraine cũng thông báo cùng nội dung này. Không phận của Moldova cũng bị đóng.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các Nhà chức trách liên quan và các quốc gia khác trong khu vực về những diễn biến tiếp theo, đặc biệt là những diễn biến có thể ảnh hưởng tới an toàn bay.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng cho biết đã nhận được báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) về việc Nga và Ukraine đã phát hành các điện văn thông báo về việc đóng cửa sân bay, hạn chế và đóng cửa một số vùng trời và một số đoạn đường hàng không, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với phía Đông Bắc Ukraine.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay qua lãnh thổ Nga, Ukraine, Moldova, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không nghiên cứu thư của ICAO; liên tục cập nhật các điện văn thông báo hàng không về việc hạn chế/đóng cửa vùng trời, đóng cửa các sân bay/đoạn đường hàng không của Nga, Ukraine và các quốc gia liên quan khác…

Chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sỹ

 
Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19. (Ảnh: TTXVN) 

Chiều 25/2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp tận thuốc mới trong điều trị bệnh COVID-19, ngày 17/2, Bộ Y tế đã có Quyết định số 69/QĐ-QLD cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước.

Cụ thể là thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hóa-Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.

Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.

Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sỹ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ do các phản ứng có hại của thuốc.

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19.

Theo Cục Quản lý Dược, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn…

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sỹ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên.

Mỹ, Nhật, EU cùng nhiều nước công bố các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Khói bốc lên từ một vụ nổ gần thị trấn Hostomel ở phía Tây Bắc thủ đô Kiev, Ukraine ngày 24/2. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Nhiều nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga nhằm phản ứng với cuộc tấn công của Moskva vào Ukraine, các lệnh trừng phạt này sẽ bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Điều này sẽ gây ra những tổn thất trầm trọng đối với kinh tế Nga ngay tức thì và trong dài hạn."

Ngày 24/2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp đã nhất trí áp đặt trừng phạt đối với các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, qua đó mang lại "những hậu quả nghiêm trọng và to lớn" đối với Moskva do nước này có hành động quân sự với Ukraine.

Những biện pháp trừng phạt này bao trùm lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải, hàng hóa lưỡng dụng cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, danh sách bổ sung của các cá nhân Nga và các tiêu chí niêm yết mới.

EU cho biết hiện khối sẽ tìm cách thông qua các biện pháp này "một cách tức thì".

Tương tự, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này đang hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm cung cấp “thiết bị quân sự không sát thương và vật tư y tế để hỗ trợ người dân Ukraine.”

Trước đó, Australia đã loại trừ khả năng triển khai quân đội tới quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, ngày 25/2, chính phủ Australia đã thông báo thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công dân Nga hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và các nhà lập pháp Nga.

New Zealand cũng áp đặt lệnh cấm đi lại có chủ đích đối với công dân Nga và cấm giao dịch hàng hóa với quân đội Nga.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 25/2 cũng tuyên bố nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó nhằm vào việc xuất khẩu chất bán dẫn và các tổ chức tài chính của Nga.

Theo đó, Nhật Bản có kế hoạch đóng băng tài sản và ngừng cấp thị thực cho những cá nhân và tổ chức của Nga. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ cấm xuất khẩu cho Nga và các tổ chức liên quan đến quân đội Nga các loại hàng hóa như chất bán dẫn và các mặt hàng trong danh sách hạn chế dựa trên các thỏa thuận quốc tế.

Nhiều nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva không có kế hoạch xâm chiếm các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Làm rõ tình hình đang xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga tái khẳng định quân đội Nga không nhằm mục tiêu vào các thành phố của Ukraine mà chỉ nhằm vô hiệu hóa hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Bộ nhấn mạnh không có bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân thường./.

 

Tin, ảnh: PC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực