Ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine

Chủ nhật, 06/03/2022 20:54
(ĐCSVN) - Ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine;Toàn bộ 14 thợ mỏ thiệt mạng trong vụ sập mỏ than tại Trung Quốc; IMF cảnh báo hậu quả kinh tế nghiêm trọng hơn nếu căng thẳng Nga-Ukraine leo thang…là những thông tin đáng chú ý trong ngày 6/3.

Ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nghe Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch báo cáo qua điện thoại về công tác bảo hộ công dân. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN 

Chiều 6/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nghe Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng báo cáo về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch nước đánh giá cao công tác nắm bắt tình hình và tinh thần chủ động chuẩn bị các phương án, tổ chức thực hiện bảo hộ công dân, hỗ trợ kiều bào Việt Nam tại Ukraine về nước nếu có nguyện vọng của  Bộ Ngoại giao và các bộ ngành, cơ quan liên quan.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine.

Chủ tịch nước nêu rõ, tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương. Chính vì vậy, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh.

Chủ tịch nước đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có phương án triển khai cụ thể, quan trọng nhất là đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn.

Chủ tịch nước chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine chủ động phương án, đảm bảo cao nhất tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam tại Ukraine. Các bộ, ngành liên quan sẵn sàng bố trí nhân lực để đón công dân Việt Nam có nguyện vọng về nước, đảm bảo các điều kiện cần thiết về phòng, chống dịch COVID-19 và hậu cần.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, hiện nay, tại Ukraine có 7.000 người Việt Nam. Nhiều bà con kiều bào cũng đã tự di rời khỏi vùng chiến sự đến nơi an toàn. Bộ Ngoại giao đã làm việc với các cơ quan chức năng của cả Nga và Ukraine, Liên Hợp quốc và các nước mà công dân Việt Nam sơ tán đến để đảm bảo hành lang di chuyển an toàn cũng như khi đến nơi sơ tán được hỗ trợ kịp thời về điều kiện ăn, ở. Đến ngày 6/3, có khoảng hơn 400 người Việt Nam từ Ukraine sơ tán qua Romania có nguyện vọng được trở về Việt Nam. Ngoài ra có khoảng hơn 1.000 người Việt Nam từ Ukraine sơ tán sang Ba Lan muốn về nước. Dự kiến trong các ngày 8 và 9/3, các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ tổ chức những chuyến bay đầu tiên đưa nhóm kiều bào tại hai khu vực này về nước.

Toàn bộ 14 thợ mỏ thiệt mạng trong vụ sập mỏ than tại Trung Quốc

 Lực lượng cứu hộ khắc phục hậu quả một vụ lở đất ở thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc ngày 4/1/2022. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
 

Sau 10 ngày liên tục tìm kiếm cứu nạn, giới chức tỉnh Quý Châu (Guizhou), miền Tây Nam Trung Quốc ngày 6/3 xác nhận toàn bộ 14 thợ mỏ mắc kẹt trong vụ sập hầm mỏ xảy ra tại thành phố này hôm 25/2 đều đã tử nạn.  

Thông tin trên được công bố sau khi lực lượng cứu nạn đến chiều 6/3 đã tìm được toàn bộ thi thể các thợ mỏ. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập này.

Theo cơ quan cứu hộ, các thợ mỏ trên bị mắc kẹt kể từ khi phần mái của mỏ than Sanhe Shunxu, huyện Trinh Phong, tỉnh Quý Châu bất ngờ bị sập vào lúc 8h40 ngày 25/2.

Số liệu của Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết sản lượng khai thác hằng năm của mỏ than này vào khoảng 150.000 tấn.

Tai nạn sập hầm mỏ tại Trung Quốc là một trong các loại tai nạn gây nhiều thương vong nhất trên thế giới. Nhiều năm trở lại đây, nước này đang kêu gọi chấm dứt khai thác tại những mỏ than nhỏ có năng suất dưới 300.000 tấn/năm do lo ngại các vấn đề an toàn và môi trường.

IMF cảnh báo hậu quả kinh tế nghiêm trọng hơn nếu căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

 Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Montpellier, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
 

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của ban điều hành, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh căng thẳng Nga - Ukraine vốn đã gây những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt, với giá dầu lên tới gần 120 USD/thùng, làm gia tăng lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật phục hồi từ đại dịch COVID-19. IMF cảnh báo "nếu xung đột leo thang, thiệt hại kinh tế sẽ càng nghiêm trọng hơn", khi các cú sốc về giá cả hàng hóa sẽ gây tác động trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo. Các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" nhằm vào Nga cũng sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính. Sự khan hiếm và gián đoạn nguồn cung có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Ukraine và Nga.

IMF cũng đề cập thiệt hại kinh tế đối với Ukraine, cho biết IMF sẽ nêu đề nghị của Kiev về việc hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD cho Ukraine trong cuộc họp của ban lãnh đạo vào tuần tới.

Liên quan tác động kinh tế, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng vừa cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, sử dụng hiệu quả năng lượng và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước EU và 45% lượng khí đốt nhập khẩu trên thế giới.

 

V.Lê (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực