Xét xử sơ thẩm cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh

Thứ hai, 28/11/2022 19:27
(ĐCSVN) - Xét xử sơ thẩm cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch và 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết; Công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ; Biểu tình phản đối dự án xây cảng tại Ấn Độ làm 36 cảnh sát bị thương… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (28/11).

Xét xử sơ thẩm cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh

Sáng 28/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Minh Khải , cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại bệnh viện này.

7 bị can khác trong vụ án này cũng bị đưa ra xét xử gồm: Võ Thị Chinh Nga, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt; Phí Duy Tiến, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt; Nguyễn Trí Dũng, sinh năm 1965, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt; Nguyễn Quốc Toản, cựu Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Mắt; Phan Thị Bích Hạnh, sinh năm 1971, cựu Trưởng Phòng Tài chính-Kế toán; Nguyễn Đỗ Nguyên, sinh năm 1962, cựu Trưởng Khoa Tổng hợp và Lương Ngọc Tuấn, sinh năm 1965, cựu Phó trưởng Khoa Khám mắt.

 Bị cáo Nguyễn Minh Khải và đồng phạm tại phiên tòa. Ảnh: Nhật Thịnh.

Theo cáo trạng, năm 2018, Bệnh viện Mắt được giao tổ chức thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018”. Để thực hiện gói thầu, ông Nguyễn Minh Khải chủ trì họp và ký quyết định phê duyệt dự toán gói thầu có tổng số vốn đầu tư 184 tỷ đồng, bằng nguồn vốn từ thu viện phí, quỹ bảo hiểm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của bệnh viện với kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, ông Khải đã chỉ đạo bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật “Ý kiến đánh giá của hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu” với mục đích can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu nên sử dụng hội đồng đánh giá hàng mẫu loại bỏ nhà thầu theo ý muốn.

Viện Kiểm sát xác định các bị cáo đã vi phạm hàng loạt nguyên tắc về đấu thầu trong quá trình ký các hợp đồng mua 14.800 thủy tinh thể, gây thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng. Cáo trạng cũng cho biết, đến nay, các bị cáo liên quan đã nộp 6,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 28/11 đến 2/12.

Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch và 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết

Ngày 28/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, trong tuần qua (từ 18-25/11), số ca mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô tiếp tục gia tăng. Cụ thể, Hà Nội ghi nhận thêm 1.435 ca mắc, 72 ổ dịch mới và 2 ca tử vong.

So với tuần trước, số ca mắc ghi nhận thêm tăng 4,1%, trong đó có 2 ca tử vong tại quận Đống Đa và huyện Thanh Trì. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số quận, huyện có số mắc cao như: Hà Đông (207 ca), Đống Đa (133 ca), Thanh Trì (115 ca), Thanh Oai (92 ca), Chương Mỹ (85 ca).

 Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi tại các khu dân cư trên địa bàn quận. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 14.872 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 4,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 561/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.

Ngoài ra, trong tuần qua ghi nhận thêm 72 ổ dịch mới tại 16 quận, huyện: Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Đông Anh, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên và Mê Linh.

Tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.160 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại, còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, như: thôn Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) có 271 bệnh nhân, thôn Vĩnh Lộc 1 (xã Phùng Xá) có 68 bệnh nhân, thôn Thanh Thần (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) có 32 bệnh nhân, thôn Thao Nội (xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên) có 31 bệnh nhân…

Theo CDC Hà Nội, thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tập trung vào việc kiểm tra, giám sát tại những nơi đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp, hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Mặt khác, Thành phố cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo nhận định của Bộ Y tế, những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.

Tính từ đầu năm tới ngày 24/11, cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong.

Xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Sáng 28/11, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, sự kiện xuất khẩu chính ngạch những lô bưởi đầu tiên được tổ chức tại Bến Tre là niềm tự hào không chỉ của người trồng bưởi Bến Tre mà còn là niềm vui chung của người dân trồng quả bưởi trên cả nước.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi xuất khẩu chính ngạch trái bưởi sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rộng lớn. Đồng thời, giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thị trường Hoa Kỳ là một thị trường khó tính vào bậc nhất, tuy nhiên nhu cầu về nhập khẩu các loại trái cây tươi vẫn rất lớn. Để có được những lô bưởi đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch và kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, quả bưởi Việt Nam là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Xe vận chuyển lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Trí Công. 

Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam.

Cả nước ta hiện có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905 nghìn tấn; với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền.

Cụ thể, đồng bằng sông Hồng có hơn 13 nghìn ha với sản lượng trên 175 nghìn tấn, Trung du miền núi phía bắc có hơn 30 nghìn ha với sản lượng 253 nghìn tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32 nghìn ha với sản lượng khoảng 369 nghìn tấn... Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Đến nay, đã có 36 vùng trồng bưởi của 10 tỉnh (Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và Đăk Nông) được cấp mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ với tổng diện tích 752 ha (chiếm 0,71% diện tích trồng bưởi của cả nước), sản lượng dự kiến 13.105,6 tấn (chiếm 1,4 % tổng sản lượng bưởi của cả nước).

Biểu tình phản đối dự án xây cảng tại Ấn Độ làm 36 cảnh sát bị thương

Dự án xây dựng tại cảng biển Vizhinjam ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ của tập đoàn Adani đã bị đình trệ trong hơn 3 tháng sau khi nhóm người biểu tình, chủ yếu là người dân làm nghề đánh cá tại địa phương, chặn lối vào khu xây dựng. Nhóm biểu tình cho rằng dự án làm xói mòn bờ biển và ảnh hưởng tới kế sinh nhai của họ.

Cuối tuần qua, dù tòa án địa phương ra quyết định cho phép nối lại hoạt động xây dựng nhưng nhóm biểu tình vẫn chặn phương tiện ra vào khu xây dựng cảng biển Vizhinjam và nhiều người biểu tình bị bắt.

Sự việc khiến hàng trăm người biểu tình tập trung tại một đồn cảnh sát vào đêm 27/11, rạng ngày 28/11 yêu cầu thả tự do cho một người dân bị bắn, dẫn tới đụng độ với cảnh sát, một số phương tiện của cảnh sát bị hư hại.

“Họ mang theo vũ khí sát thương, xông vào đồn cảnh sát rồi bắt nhân viên làm con tin, đe dọa phóng hỏa nếu cảnh sát không trả tự do cho một cá nhân đang bị tạm giam”, theo biên bản tường trình sự việc của cảnh sát.

Nhiều người tham gia biểu tình là tín đồ Cơ đốc giáo. Ông Eugine H. Pereira, Tổng đại diện giáo phận, cho biết cảnh sát đã tấn công những người biểu tình, trong đó có một số thầy tu. Ông Pereira cũng đề nghị tòa án mở cuộc điều tra sự việc. Tập đoàn Adani chưa phản hồi trước thông tin này.

Cảnh sát được triển khai khi người biểu tình chặn lối vào tại cảng Vizhinjam, bang Kerala, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Dự án cảng biển Vizhinjam tại bang Kerala của tập đoàn Adani trị giá 900 triệu USD. Hoạt động biểu tình diễn ra tại bang Kerala trong những tháng qua đã gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logistics của tập đoàn.

Trước đó, tập đoàn thông báo dự án cảng biển Vizhinjam tuân thủ tất cả quy định của luật pháp Ấn Độ, viện dẫn một số nghiên cứu trong những năm gần đây để bác bỏ cáo buộc việc xây dựng cảng liên quan tới xói mòn bờ biển. Trong khi đó, chính quyền bang Kerala cho rằng chính việc bờ biển bị xói mòn là nguyên nhân dẫn tới một số thảm họa tự nhiên tại địa phương.

Tập đoàn Adani là tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trên nhiều lĩnh vực của Ấn Độ. Mới đây, vào tháng 9, Chủ tịch tập đoàn - ông Gautam Adani, đã trở thành người giàu thứ hai trên thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes, với giá trị tài sản ròng 155,5 tỷ USD./.

Vũ Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực