Bài 1: Bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam

Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam luôn được bảo đảm
Thứ ba, 19/12/2023 22:39
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Một trong số đó là việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, thể hiện tính nhân văn, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam

Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1, Công an TP. Hà Nội 

Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành 4 Bộ luật và Luật, trong đó có Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và đảm bảo quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Sau khi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực (ngày 1/1/2018), Chính phủ và Bộ Công an đã ban hành 3 Nghị định, 14 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Có thể thấy, chính sách, chủ trương và sự chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ của Đảng và Chính phủ là tiền đề để các đơn vị của Bộ Công an, đặc biệt là Công an thành phố Hà Nội, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.

Cụ thể, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai các hình thức tuyên truyền về quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến toàn thể cán bộ chiến sĩ trực tiếp thực hiện công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và bản thân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, như: tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức tập huấn pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam; tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ quan điều tra về các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình tiến hành tố tụng và các giải pháp chống tra tấn, bức cung, nhục hình; phổ biến quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và nội quy cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam ngay từ khi mới tiếp nhận họ vào cơ sở giam giữ; chủ động lồng ghép nội dung tuyên truyền công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho người bị tạm giữ, người tạm giam; tăng cường các biện pháp giáo dục của cán bộ quản giáo để tuyên truyền những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách nhân quyền, tránh việc can phạm nhân có những tư tưởng lệch lạc, bị kích động, lôi kéo theo các phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Ngoài ra, trong những năm qua, Công an thành phố Hà Nội đã tăng cường đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan điều tra và các cơ sở giam giữ. Đặc biệt, các trại tạm giữ, tạm giam đã tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong hoạt động điều tra, công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ việc ghi âm, ghi hình có âm thanh; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, khảo sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn, bức cung, nhục hình, việc đảm bảo chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai sót, vi phạm.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được tổ chức gặp thân nhân theo đúng thời gian và số lần quy định.  

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, Công an thành phố Hà Nội đề ra nhiệm vụ công tác trong thời gian tới với 5 trọng tâm chính: Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả quy định của pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Công an về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật cán bộ chiến sĩ các cơ sở giam giữ và cơ quan điều tra các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong công tác quản lý giam giữ và hoạt động tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người bị tạm giữ, tạm giam nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình; tổ chức tập huấn nghiệp vụ đối với cán bộ chiến sĩ các cơ sở giam giữ và cơ quan điều tra các cấp; đảm bảo tuyệt đối an toàn các cơ sở giam giữ và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định pháp luật. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ quan điều tra và các cơ sở giam giữ để đảm bảo chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý giam giữ và trong hoạt động điều tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam. Nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các cơ sở giam giữ với các cơ quan, đơn vị có liên quan (Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố…); đẩy mạnh hợp tác quốc tế, để đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Đảm bảo quyền, chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam 

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2, Công an TP. Hà Nội 

Theo số liệu chính thức, Công an thành phố Hà Nội đang tổ chức quản lý 2 trại tạm giam và 30 nhà tạm giữ Công an cấp huyện với 1.028 buồng giam giữ, quy mô giam giữ thực tế 7.919 chỗ. Từ 1/1/2018 đến nay, các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận 128.885 lượt người bị tạm giữ, tạm giam, tiến hành bố trí giam giữ và quản lý theo đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về chế độ ăn, ở, mặc và tư trang của người bị tạm giữ, tạm giam, Thượng tá Phạm Chiến Thắng, Phó Giám thị, Trại giam số 1 Công an thành phố Hà Nội cho biết: Những người bị tạm giữ, tạm giam được đảm bảo tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt theo quy định. Cụ thể, mỗi người 1 tháng được 17kg gạo, 15kg rau, 1kg cá, 1kg thịt, nửa cân đường và 0,75 lít nước mắm và một số các loại gia vị khác. Chế độ ăn được niêm yết công khai tại từng buồng giam.

Riêng đối với những người bị tạm giam, tạm giữ dưới 18 tuổi được bổ sung thêm thức ăn thịt, cá và người tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được cán bộ y tế thăm khám và chăm sóc y tế thường xuyên, được hưởng chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe. 

Đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được được cấp các đồ dùng cá nhân cần thiết, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo Luật trẻ em. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết như: Tết dương lịch, Tết nguyên đán, giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 30/4, 01/5 và Quốc khánh 2/9, Trại đều tăng thêm khẩu phần ăn của can phạm gấp 05 lần ngày thường. Các loại lương thực, thực phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong Trại.

Về quyền nhận quà, gửi, nhận thư, sách báo, tài liệu, chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, Thượng tá Phạm Chiến Thắng cũng cho biết, tại các cơ sở giam giữ đều được trang bị hệ thống loa truyền thanh để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như để người bị tạm giữ, tạm giam được nghe thông tin, thời sự trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hằng ngày, người bị tạm giữ, tạm giam được cấp 1 tờ báo địa phương hoặc trung ương để tiếp cận, nắm thông tin.

Thượng tá Phạm Chiến Thắng cho biết: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được tổ chức gặp thân nhân theo đúng thời gian và số lần quy định. Người bào chữa được tổ chức cho gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đối với những trường hợp được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu đã kiểm tra, kiểm duyệt chặt chẽ để ngăn chặn, loại bỏ ấn phẩm có nội dung tiêu cực, vi phạm pháp luật, vi phạm các giá trị đạo đức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. 

Về chế độ chăm sóc y tế, người bị tạm giữ, tạm giam đều được khám sức khỏe trước khi đưa vào buồng giam giữ. Đối với trường hợp bị bệnh thì được cán bộ y tế khám và điều trị tại phòng y tế hoặc bệnh xá của cơ sở giam giữ. Nếu bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở giam giữ thì người bị tạm giữ, tạm giam được đưa đến bệnh viện Nhà nước để chữa bệnh.

 
Trung tá Cao Trương Hoàn, Phó trưởng phòng PC01 Công an TP. Hà Nội 

Chia sẻ với chúng tôi về việc thực hiện quyền được thực hiện bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Trung tá Cao Trương Hoàn, Phó Trưởng phòng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội (PC01) cho biết: Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự và đặc biệt là theo Thông tư 46 của Bộ Công an, các bị can, bị cáo có quyền người bào chữa ngay khi bị bắt, bị tạm giữ hình sự. Do đó, ngay trong các buổi lấy lời khai đầu tiên, người bị tạm giữ, tạm giam đã được giải thích quyền và nghĩa vụ và được yêu cầu nếu bị can, bị cáo đề nghị mời luật sư bào chữa thì chúng tôi sẽ đảm bảo quyền này cho các bị can, bị cáo. Còn nếu trong trường hợp gia đình bị can, bị cáo không mời luật sư bào chữa thì chúng tôi sẽ đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo, đảm bảo quyền rất quan trọng cho bị can, bị cáo là quyền được bào chữa.

Về việc đảm bảo ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung, Trung tá Cao Trương Hoàn cho biết thêm: Ngay sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội đã khẩn trương đầu tư các trang thiết bị, đảm bảo theo quy chuẩn, quy định của pháp luật, đảm bảo 100% các cuộc hỏi cung được ghi âm, ghi hình. Từ đó quá trình lấy lời khai, hỏi cung các bị can, bị cáo đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, được đảm bảo quyền con người của bị can, bị cáo trong quá trình hỏi cung. Đặc biệt, khi hỏi cung có ghi âm, ghi hình, ngay từ đầu chúng tôi đã giải thích các quyền cơ bản của bị can, bị cáo được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quyền được mời người bào chữa.

Là một trong những đối tượng bị tạm giam, tạm giữ tại Trại Tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, anh Nguyễn Thanh T, sinh năm 1998 tại Quảng Ninh tâm sự: Sau khi được cơ quan điều tra chuyển về Trại giam số 1, cũng như các can phạm nhân khác, tôi đã được kiểm tra sức khỏe trước khi nhập Trại. Khi được phân về buồng giam, tôi được cán bộ quản giáo phát chiếu, chăn màn. Khẩu phần ăn được mang phát đến từng buồng giam theo đúng chế độ. Hàng ngày, mỗi buồng giam chúng tôi được phát 1 tờ báo Hà Nội mới để các thành viên trong phòng thay nhau đọc. Đây được coi là món ăn tinh thần quý giá của mỗi can phạm nhân trong thời gian bị giam giữ.

 Đối tượng Nguyễn Thanh T, bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1, Công an TP. Hà Nội

Có thể khẳng định rằng, với sự chỉ đạo xuyên suốt, Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam; góp phần đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch trong thời gian qua./.

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực