Báo cáo kiến nghị phải bám sát tâm tư, là tiếng nói của cử tri và Nhân dân

Thứ tư, 11/10/2023 13:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đánh giá cao dự thảo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân lần này, song, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, Báo cáo phải đi vào chiều sâu, thể hiện đặc thù là nói lên tiếng nói của cử tri và Nhân dân.

Sáng 11.10, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội.

Tại Phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuẩn bị.

Đánh giá báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đi vào nề nếp, song Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần tạo chuyển biến rõ nét hơn về chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chất lượng kiến nghị cần cụ thể đối với những vấn đề cấp bách để các cơ quan liên quan nhận thức được đây là những vấn đề cần được sớm giải quyết sớm. Bên cạnh đó, cũng cần theo đuổi đến cùng các vấn đề đã kiến nghị từ các kỳ họp trước để làm rõ sự khác biệt, kết quả trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: QH. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị báo cáo cần đi sâu, làm rõ hơn nữa những kiến nghị về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm. Qua tiếp xúc cử tri và theo dõi dư luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ ra cần quan tâm đến tình trạng bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc gây bức xúc, lo lắng cho cử tri trong thời gian gần đây. Các cơ quan chức năng cần sớm điều tra và xử lý thật nghiêm để bảo đảm an toàn, an ninh xã hội.

Về vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết đây là vấn đề phổ biến, kéo dài nhiều năm, cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề xuất cần siết chặt quản lý, cấm sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử để để tránh tình trạng mua bán ma túy, gây hại cho giới trẻ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng công tác phòng, chống cháy nổ; lừa đảo trên không gian mạng, bạo hành trẻ em, tình trạng sử dụng bóng cười… là những nội dung mà cử tri và nhân dân rất quan tâm và mong muốn xử lý kịp thời, do vậy cần đưa các nội dung này vào Báo cáo.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, nên xem xét những nội dung mới, các vấn đề Nhân dân quan tâm, đúng tâm tư, tình cảm của người dân như về đời sống, lao động việc làm, hàng giả hàng kém chất lượng… và những khó khăn của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh đưa vào Báo cáo.

“Đây là những nội dung người dân quan tâm, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tham nhũng, qua đó thể hiện việc Đảng, Nhà nước đang làm rất có hiệu quả”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Đánh giá cao dự thảo Báo cáo lần này, song, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, Báo cáo phải đi vào chiều sâu, thể hiện đặc thù là nói lên tiếng nói của cử tri và Nhân dân.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nên đề cập trọng tâm, trọng điểm, thành các nhóm vấn đề người dân quan tâm nhiều như về thu nhập, việc làm, vay vốn, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không tăng giá; tình hình cháy nổ…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực