Bảo đảm các cơ chế đặc thù cho sự phát triển của Thủ đô

Thứ hai, 21/11/2022 17:23
(ĐCSVN) - Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện các chính sách đặc thù quy định trong Luật Thủ đô đã giúp thành phố Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Luật cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Ngày 21/11, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô. Hội nghị do ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì.

Cơ chế đặc thù đã góp phần giúp Thủ đô huy động được nguồn lực to lớn

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thi hành Luật Thủ đô, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, nhận thức rõ vị trí, vai trò của Thủ đô, trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, tiếp tục phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, các bộ, ngành cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực, cố gắng trong việc xây dựng, phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ Thủ đô.

Các quy định liên quan đến biện pháp bảo đảm quy hoạch, quản lý đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã được triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực, thực hiện đồng bộ, thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lấy Quy hoạch chung làm trung tâm; định hướng phát triển Thủ đô, cùng với các biện pháp thực hiện nghiêm ngặt để bảo vệ, không phá vỡ quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: TL.

Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Thủ đô huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô...

Các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính - ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP, giảm tỷ trọng ở khu vực kinh tế nhà nước, đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gần như không thay đổi.

Các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục. Khoa học công nghệ (KHCN) được đầu tư phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Các chính sách hỗ trợ an sinh, phúc lợi xã hội của Nhà nước và đặc thù của Hà Nội được thực hiện đúng, đủ và kịp thời.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý dân cư, đăng ký cư trú và xử phạt vi phạm hành chính bước đầu đạt được những kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cư trú trên địa bàn; hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện các chính sách đặc thù quy định trong Luật Thủ đô đã giúp thành phố Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt, việc thi hành Luật cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Một những nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế là do một số quy định của Luật Thủ đô chưa cụ thể, thiếu tính hợp lý, không khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận của Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bắc Giang; đồng thời, trao đổi, thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện Luật Thủ đô thời gian qua, nhận diện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; từ đó đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến cả về thể chế và tổ chức thực thi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới theo đúng chủ trương nêu tại Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cơ bản đồng tình với các Báo cáo, ý kiến đã phát biểu, đề xuất, kiến nghị nhất là kiến nghị một số chính sách lớn để xây dựng Luật Thủ đô.

Trước yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ Chính trị đã đề ra, về cơ bản, Bộ trưởng Lê Thành Long đồng tình với các 09 định hướng chính sách lớn mà thành phố Hà Nội đề xuất; các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Thủ đô trong thời gian tới như Báo cáo đã nêu.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TL.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tập trung nguồn lực tiếp tục tổ chức thi hành nghiêm túc, hiệu quả Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.

UBND thành phố Hà Nội lập, thẩm định và phê duyệt chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc phê duyệt các quy hoạch phân khu (đặc biệt là quy hoạch phân khu khu vực hai bên sông Hồng), làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn Hà Nội; các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xây dựng, phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện chính sách này đối với các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách...

Bộ trưởng lưu ý, theo kế hoạch, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2024 và xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10/2024. Do vậy, Bộ Tư pháp cùng với UBND thành phố Hà Nội cần vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị vừa bắt đầu ngay việc soạn thảo Luật, trọng tâm là các điều khoản quy định về các cơ chế đặc thù cho Thủ đô, bảo đảm đó là các cơ chế thực sự cần cho sự phát triển của Thủ đô và có thể thực hiện được trên thực tế.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Đồng thời cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hà Nội đề xuất 9 chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong quá trình xây dựng Luật, Hà Nội mong các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để Hà Nội phát triển, trở thành đầu tàu của Vùng Thủ đô, của Vùng đồng bằng sông Hồng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững./.

Hà Nội đề xuất 9 chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chính sách 1: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chính sách 2: Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô.

Chính sách 3: Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô.

Chính sách 4: Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô. Chính sách 5: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Chính sách 6: Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô.

Chính sách 7: Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chính sách 8: Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững.

Chính sách 9: Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực