Đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ sáu, 23/09/2022 12:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đoàn Giám sát đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình MTQG; Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình MTQG; Công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các Chương trình; Kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các Chương trình.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021 - 2030”.

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực cho biết, đến nay Đoàn giám sát đã dự thảo 04 loại tài liệu gồm: Kế hoạch chi tiết Đoàn giám sát; Quyết định phân công thành viên Đoàn Giám sát; Quyết định phân công Tổ giúp việc; Đề cương báo cáo.

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: QH.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực nhấn mạnh, về cách tiếp cận thực hiện giám sát, do tính đặc thù Quốc hội tổ chức giám sát chung cả 03 Chương trình MTQG về: Giảm nghèo bền vững, Nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; Căn cứ vào tình hình Chương trình DTTS&MN lần đầu tiên được triển khai thực hiện, có nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và đang trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, nên chủ yếu sẽ tập trung vào giám sát giữa kỳ, đánh giá các văn bản về chỉ đạo, điều hành, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật để triển khai thực; riêng đối với 2 chương trình MTQG còn lại đã có kết quả thực hiện từ giai đoạn trước, nên ngoài giám sát về các văn bản chỉ đạo, điều hành, còn giám sát một số kết quả đã triển khai thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho biết, Đoàn Giám sát đề xuất 04 nội dung tập trung giám sát gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình MTQG (Bao gồm cả công tác chỉ đạo điều hành chung các Chương trình; chỉ đạo, điều hành riêng từng Chương trình); Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình MTQG; Công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các Chương trình; Kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các Chương trình.

Về phạm vi thực hiện,  Phó Trưởng Đoàn Thường trực Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.  Đồng thời, qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.

Về yêu cầu, giám sát bám sát quy định các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan thể chế hóa thành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm để giám sát.

Đối với các mốc thời gian chính dự kiến: Các bộ, ngành, địa phương báo cáo lần một trước ngày 28/2/2023; tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, báo cáo lần hai trước ngày 15/7/2023; Báo cáo Ủy ban Thường vụ QH kết quả bước đầu qua giám sát văn bản lần 1 trong tháng 4/2023; Đoàn giám sát tổ chức giám sát các bộ, ngành và địa phương từ tháng 4 đến tháng 8/2023;…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ các nội dung xin ý kiến Thường vụ bao gồm: Các mốc thời gian cần hoàn thành; dự kiến các bộ, ngành, địa phương sẽ giám sát trực tiếp; danh sách phân công các thành viên Đoàn Công tác; về nội dung phân công; về số lượng, các loại đề cương báo cáo; …/.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực