Khai mạc Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ ba, 18/01/2022 09:32
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong hai ngày (18-19.1) sẽ xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.

Sáng 18.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

 Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang; đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên họp kéo dài trong hai ngày để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 2 với 268 đại biểu phát biểu tại tổ, 34 đại biểu phát biểu tại hội trường và 08 ý kiến góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao Dự án luật Chính phủ trình Quốc hội, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cơ quan thẩm tra nhiều lần làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TL.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 gồm xem xét bổ sung danh hiệu xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu; bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; về huy hiệu kỷ niệm chương cấp tỉnh trong đó có Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, Luật hiện hành chưa có quy định xử lý đối với pháp nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 2).

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ trình đợt này nằm trong khung kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua và làm sớm để “ tạo điều kiện cho công tác giải ngân – “điểm nghẽn” trong tổ chức thực hiện lâu nay”. Các chương trình liên quan gói tài khoá, tiền tệ sẽ được xem xét ở các phiên làm việc khác.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội sẽ cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua tổ chức chức Kỳ họp bất thường chúng ta có thêm bài học quý để kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu cấp bách mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân. Xem xét Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội.

Sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)./.

 

 

 

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực