Nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em

Thứ hai, 19/10/2020 17:40
(ĐCSVN) – Bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, gây tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần cả trước mắt và lâu dài đối với trẻ em. Vì vậy, cần phải bảo vệ trẻ em – tương lai của đất nước và để làm được điều này, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Sáng 19/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Phiên thảo luận với chủ đề “Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em”.

Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn của một nước có trình độ phát triển thấp thì những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em thời gian qua là rất đáng ghi nhận, đáng khích lệ.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với mục tiêu, kỳ vọng thì còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và của toàn xã hội, mỗi cá nhân để dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Một trong những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhận thức, hiểu biết pháp luật về quyền trẻ em chưa đầy đủ dẫn đến hành động không tương xứng hoặc thực thi chính sách pháp luật về trẻ em chưa hiệu quả.

Quang cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: TH. 

Để góp phần tăng cường bảo vệ trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên đề xuất tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyên truyền, PBGDPL về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm, thực hiện các quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung PBGDPL, bảo đảm phù hợp, gần gũi, thiết thực với cuộc sống hằng ngày của cha, mẹ, giáo viên, trẻ em, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga cho rằng: Để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hiệu quả, đòi hỏi nguy cơ xâm hại trẻ em phải được phát hiện và giải quyết kịp thời; trẻ em có nguy cơ hoặc thực tế đã bị xâm hại phải được hỗ trợ và bảo vệ; hành vi xâm hại trẻ em phải được xử lý nghiêm khắc. Cùng với các hoạt động phối hợp mang tính lâu dài như hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam thì rất cần phải nhanh chóng phối hợp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller nhấn mạnh, phải nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, đi cùng với đó là thay đổi các chuẩn mực xã hội lạc hậu, khuyến khích trẻ em thực hiện quyền của mình…

 Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong số 75 quốc gia được thống kê về tình trạng bạo lực đối với trẻ em, Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar (xếp thứ 30) và Malaysia (xếp thứ 40) nhưng trên Lào (xếp thứ 54). Năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.616 trẻ em bị xâm hại; năm  2017 là 1.642 trẻ em bị xâm hại, năm 2018 là  1.579 trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị xâm hại năm 2019 là 2.117 em, so với năm 2016 tăng 501 em (tăng 23,6%).
Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực