Phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thứ ba, 12/03/2024 20:38
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý tại Hội nghị để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 31 tới đây.

Ngày 12/3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). 

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009). Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước.

Quang cảnh Hội nghị 

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực, cụ thể như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn; một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật.

Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 9 chương 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành có 7 chương, 73 điều.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nội dung phạm vi, đối tượng điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); những vấn đề nhằm bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Về bảo đảm tính phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Các quy định liên quan đến quyền con người trong dự thảo luật, trong đó tập trung phản biện xã hội quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Các đại biểu cũng góp ý với quy định về các loại hình di văn hóa vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do nhà nước quản lý; di sản văn hóa do tư nhân quản lý trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Quy định về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do nhà nước quản lý, di sản văn hóa do tư nhân quản lý trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định về quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa do các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo quản lý trong dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi).

Cùng với đó là điều kiện bảo đảm nguồn lực và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi);…

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBMTTQ Việt Nam cho rằng, nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa không được quy định rõ. Các điều luật đều có 2 chữ “phát huy” nhưng nội dung của phát huy là phải làm gì? Phát huy như thế nào không thấy quy định? Khuôn khổ pháp lý để phát huy giá trị di sản văn hóa không thấy quy định đầy đủ, rõ ràng trong dự án luật.

Ông Trương Minh Tiến, Thành viên HĐTV Tôn giáo (UBMTTQ thành phố Hà Nội) kiến nghị việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các ngành chức năng, làm được điều này thì sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích lớn. Bên cạnh đó, việc tu bổ di tích cần có sự điều chỉnh tại Điều 58, Chương VII, trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo về cải tạo, nâng cấp các công trình là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

Đại biểu góp ý cho dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư vào tham gia các Ban quản lý di tích, quản lý danh lam thắng cảnh; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật của quốc gia, tổ chức lễ hội truyền thống ở thôn, làng ấp bản, buôn, phum, sóc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, đây là những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học vào nội dung dự thảo. Các ý kiến đã đồng tình, đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, trách nhiệm trong việc soạn thảo dự thảo luật với 9 chương, 101 điều; tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Qua ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, các vấn đề mà Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt ra đã được các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, phát biểu và bổ sung nhiều nội dung từ thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục bổ sung, làm rõ những nét mới trong công tác bảo vệ, sử dụng và khai thác di sản văn hóa. Đặc biệt là tập trung phân tích các quy định nhằm làm rõ quan điểm nhân dân làm chủ thể trong quá trình bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa; việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật của quốc gia...

Về kỹ thuật lập pháp, rất nhiều ý kiến tham gia góp ý nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tính đúng đắn và tính phù hợp với quy định của pháp luật và công ước quốc tế./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực