Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

Thứ ba, 15/08/2023 09:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật là một trong những trọng tâm của công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Báo cáo khái quát một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Từ tháng 6/2021 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề. Thông qua đó, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật ở các bộ, cơ quan ngang bộ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH.

Toàn cảnh Phiên chất vấn (Ảnh: TL)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà cơ quan tham mưu trực tiếp là các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, đã tiếp tục thể chế hóa một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tại các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban Chỉ đạo Trung ương và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác pháp luật, tư pháp, đã góp phần quan trọng, trước mắt và lâu dài, và công cuộc kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan triển khai từ sớm việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình; phối hợp Văn phòng Chính phủ trong việc đề nghị Quốc hội, UBTVQH bổ sung các dự án luật vào Chương trình; chất lượng Đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ nét hơn thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chuẩn bị của các bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình.

Công tác thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ, tiếp tục phát huy cơ chế Hội đồng thẩm định; các báo cáo thẩm định cơ bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đánh giá tốt và được các đại biểu Quốc hội tham khảo kỹ trong quá trình thảo luận.

Đối với văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ phải ban hành 123 văn bản (75 nghị định, 13 quyết định và 45 thông tư). Đến ngày 30/7/2023, đã ban hành 105 văn bản (62 nghị định, 11 quyết định và 32 thông tư).

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như vẫn còn tình trạng bổ sung và đang có chiều hướng tăng lên các dự án vào Chương trình không theo Chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, UBTVQH; một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật nên chưa được bổ sung vào Chương trình; có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh: TL) 

Đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

Cùng với đó, các bộ, ngành thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý. Chú trọng việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao chất lượng thẩm định thông qua việc phát huy cơ chế hoạt động của các hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định, nhất là thu hút sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho các nhóm lợi ích, các hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học uy tín; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức pháp chế của bộ, ngành; bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật; chú trọng củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ này.

Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật./.

Từ năm 2021 đến ngày 31/5/2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 533 dự án, dự thảo và 71 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, thẩm định đối với 1.209 thủ tục hành chính tại 127 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính; đề nghị không quy định 7 thủ tục, sửa đổi 903 thủ tục, bổ sung 10 thủ tục.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực