Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký Chương trình hợp tác

Thứ tư, 05/07/2023 22:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, thì cần phải song hành nhiều giải pháp, trong đó có vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Chiều 5/7, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký kết Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023-2030.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và một số Ủy viên Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao…

 Lễ ký kết Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Ảnh: Hải Minh

Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy thế mạnh và nguồn lực sẵn có của hệ thống Tòa án nhân dân, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các cấp, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành và hành vi tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

Theo Chương trình, hai bên sẽ phối hợp xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.

Thông qua các vụ án, bản án liên quan đến vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tổ chức biên tập, sản xuất tin bài, phóng sự báo chí, phim ngắn, phóng sự truyền hình có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ thu hút người dân quan tâm; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương để đăng phát nội dung tuyên truyền.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất và thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm phát huy hiệu quả công tác xét xử, mô hình phiên tòa giả định.

Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình xét xử các vụ án vi phạm trật tự, an toàn giao thông cho các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong nhân dân.

Từ các vụ án vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đã được xét xử, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí, các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức biên tập, xuất bản các ấn phẩm có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ phục vụ tuyên truyền trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc.

Ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên nền tảng số.

 Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh: TH

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, hiện nay, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn nhiều bất cập và trở thành nỗi lo lắng, bất an của người dân khi tham gia giao thông; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người dân còn chưa cao. Thực trạng coi thường pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế…

Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, thì cần phải song hành nhiều giải pháp, trong đó có vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Tòa án nhân dân các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép mục tiêu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các kế hoạch hoạt động hàng năm của từng đơn vị; tăng cường xét xử công khai các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phù hợp với quy định và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Các cơ quan truyền thông báo chí thuộc Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là Báo Công lý, đơn vị đầu mối của Chương trình phối hợp này, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban an toàn giao thông cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thuộc hệ thống Tòa án nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho các tầng lớp nhân dân nói chung và cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân nói riêng.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi Lễ ký kết. Ảnh: TH
Cũng tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho hay, Chỉ thị 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Nghị quyết 48 ngày 5/4/2022 của Chính phủ, Chỉ thị 10 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông sao cho phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng, lấy thay đổi hành vi là tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông.

"Trong nhóm giải pháp này, Ủy ban An toàn giao thông đánh giá cao công tác tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông thông qua các hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, đặc biệt là công tác xét xử, hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm rõ nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng liên quan; xây dựng các án lệ liên quan đến việc xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông để xử lý kịp thời, nâng cao tác dụng giáo dục và răn đe với các vi phạm trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những bản án xét xử các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông sẽ là nguồn tư liệu quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có tác động rất mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông, và điều này cần được chú trọng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đặc biệt là các cơ quan là thành viên của Ủy ban Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao để Chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao./

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực