Với quan điểm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện phải thực chất, hiệu quả, bền vững, bảo đảm phát triển hài hòa giữa 3 yếu tố kinh tế - môi trường - xã hội, huyện Giao Thủy đã tập trung thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu hướng tới mục tiêu “phát triển xanh”, với một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội.
“Phát triển xanh” về kinh tế
Về quy hoạch: Xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng, phải đi trước một bước, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác lập quy hoạch. Theo đó, tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất huyện Giao Thủy giai đoạn 2021 - 2030, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức lập Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thay thế Quy hoạch vùng huyện Giao Thủy. Các quy hoạch gắn với các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế biển, phát triển huyện Giao Thủy là một cực tăng trưởng mới của tỉnh trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Quy hoạch chung xây dựng xã của huyện Giao Thủy được phê duyệt bảo đảm chất lượng, kết nối và phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; tích cực thực hiện lập quy hoạch chung đô thị mới Đại Đồng, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị Quất Lâm. Đồng thời, đề xuất đưa vào Quy hoạch tỉnh Nam Định và Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy 06 khu công nghiệp với diện tích 2.410 ha và 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích 822 ha, trong đó Khu công nghiệp Hải Long, Khu công nghiệp Lạc Xuân, Khu công nghiệp Thịnh Tân đang được triển khai thực hiện hứa hẹn sẽ tạo ra bước phát triển đột phá về phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới.
|
Huyện Giao Thủy chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương. |
Về phát triển hạ tầng: Bằng các nguồn lực, huyện Giao Thủy chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi cho nhân dân. Hệ thống giao thông được đầu tư theo hướng kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ dân sinh. Các tuyến đường trục thôn, xóm cơ bản có hệ thống điện chiếu sáng với tỷ lệ đạt trên 95%. Hằng năm, các tuyến đường trên địa bàn huyện được chỉnh trang nâng cấp và trồng cây dọc các tuyến để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống điện trên địa bàn được cải tạo và nâng cấp theo hướng an toàn, ổn định và đảm bảo mỹ quan. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, xóm, khu thể thao... được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Về phát triển sản xuất: Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Giao Thủy tập trung chỉ đạo chuyển đổi phương thức sản xuất, chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Theo đó, quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất cho một số sản phẩm chủ lực của huyện. Các sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm lợi thế của huyện đều được tổ chức sản xuất trên cơ sở hợp đồng liên kết giữa người dân sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp và giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp, nhằm xây dựng nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm phát triển sản xuất theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 05 hợp tác xã và nhiều hộ nông dân đã thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Điển hình là Hợp tác xã kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tiến chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; Hợp tác xã Trường Xuân, xã Giao Lạc sản xuất nông nghiệp hữu cơ... Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu canh tác cho đến thu hoạch, vận chuyển và đóng gói, sản phẩm của các hợp tác xã đều đạt chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, chương trình OCOP cũng được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn huyện. Giao Thủy hiện đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP với 105 sản phẩm. Trong phát triển công nghiệp, huyện chủ trương phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chất lượng cao ít giảm phát thải. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đúng hướng, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của huyện hiện nay.
Là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh Nam Định với 32 km đường bờ biển; có Vườn quốc gia Xuân Thủy - vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là khu bảo tồn đa dạng sinh học và khu dự trữ sinh quyển thế giới; có bãi biển Quất Lâm; có đường bộ ven biển với chiều dài gần 25 km đã cơ bản hoàn thành..., huyện Giao Thủy có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tiềm năng lớn để phát triển các nguồn năng lượng sạch như thủy triều và điện gió trong tương lai. Trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của một huyện ven biển. Theo đó, tập trung xây dựng quy hoạch, xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông; xây dựng và triển khai thực hiện các đề án phát triển thủy sản bền vững, phát triển du lịch; ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, nhân rộng các mô hình kinh tế biển. Tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Trong đó, Tập đoàn An Thịnh và Tập đoàn Flamingo đã được Tỉnh ủy Nam Định phê duyệt chủ trương cho phép nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch và sân golf với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ đôla. Khu du lịch biển Quất Lâm đang được quan tâm đầu tư quy hoạch và xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi để phát triển. Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy và du lịch cộng đồng các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các đoàn khách trong nước và ngoài nước đến nghiên cứu, tham quan và trải nghiệm văn hóa...
“Phát triển xanh” về văn hóa - xã hội
Mục tiêu bao trùm và đích hướng đến của quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là phải làm thay đổi căn bản, rõ nét bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xác định rõ mục tiêu trên, huyện Giao Thủy chú trọng phát triển đồng bộ lĩnh vực văn hóa - xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục của huyện không ngừng được nâng cao, luôn nằm trong top đầu của tỉnh. Toàn huyện có 67/67 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 4/4 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư bảo đảm tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa và phát huy hiệu quả, các di sản văn hóa trên địa bàn được kiểm kê, ghi danh, truyền dạy, xếp hạng, tu bổ, tôn tạo và phát huy hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh được quan tâm, chú trọng; 100% các xã, thị trấn trong huyện đạt tiêu chí y tế trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Các chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. 100% nhà ở của người dân trên địa bàn được xây dựng kiên cố, trên địa bàn huyện không có nhà dột, nhà tạm. Theo thống kê, thu nhập bình quân năm 2023 của huyện Giao Thủy đạt 84,46 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 là 0,77%.
|
Đánh giá xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 tại xã Giao Yến. |
Đặc biệt, xác định công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Giao Thủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung về tiêu chí môi trường. Hiện nay, toàn huyện có 18 khu xử lý rác thải tập trung, trong đó có 7 khu xử lý bằng cách chôn lấp, 11 khu xử lý bằng công nghệ đốt, tất cả các khu xử lý chất thải tập trung đều bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường; có 85% số hộ trên địa bàn tổ chức phân loại chất rắn tại nguồn; tỷ lệ chất thải nhựa được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đạt khoảng 96%; các chất thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện được xử lý và tái chế đạt 90%; các chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp, y tế và sinh hoạt của các hộ gia đình đều được thu gom, xử lý 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý bằng biện pháp phù hợp đạt tỷ lệ 100%. 22/22 xã, thị trấn có nước sạch từ nhà máy nước tập trung. Cùng với đó, huyện đã tập trung triển khai quy hoạch, xây dựng các cụm, khu công nghiệp có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, bảo đảm tỷ lệ cây xanh trong các cụm, khu công nghiệp tối thiểu trên 10% diện tích. Từ năm 2021 - 2023, toàn huyện đã trồng được 470.000 cây xanh phân tán. Diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn trên địa bàn toàn huyện là 757.991 m2, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn là 4,28 m2/người. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai thực hiện mô hình xử lý nước hồ đối diện trung tâm hành chính huyện với diện tích 12.200 m2 bằng phương án sử dụng bè nổi thủy sinh, giúp cho môi trường nước được sạch hơn, thân thiện với môi trường. Hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng 01 công viên cây xanh với diện tích 5.000 m2; 10 khu dân cư tập trung đã và đang xây dựng, tỷ lệ cây xanh trong mỗi khu tối thiểu là 20%. Nhận thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao, đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Ngày Chủ nhật cùng đồng hành với môi trường” được phát động và triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào nền nếp, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng “phát triển xanh” vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: còn thiếu nguồn lực cho việc đầu tư phát triển cây xanh, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chưa mạnh dạn đầu tư phát triển xanh; ý thức của một bộ phận người dân đối với công tác bảo vệ môi trường chưa cao; thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường còn hạn chế; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới đạt được hiệu quả bước đầu...
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, huyện Giao Thủy cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành mục tiêu huyện Giao Thủy được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025 với các tiêu chí bền vững. Đồng thời, sớm đạt được các tiêu chí của đô thị loại 3.
Hai là, tích cực triển khai công tác xây dựng quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh và quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể hóa các giải pháp về quy hoạch vùng huyện, chú trọng phân vùng theo quy hoạch để lồng ghép các dự án đầu tư công tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tập trung triển khai xây dựng các công trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích) và duy trì, quản lý tốt hệ thống chợ truyền thống bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và đổi mới phương thức kinh doanh.
Ba là, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chủ động phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để xúc tiến thu hút đầu tư vào huyện, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tập trung khai thác thế mạnh 32 km đường bờ biển và Vườn quốc gia Xuân Thuỷ để phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; thu hút lao động có tay nghề cao và sử dụng nguồn lao động tại địa phương, bảo đảm phương châm “ly nông bất ly hương”.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị trên 1 ha đất canh tác. Thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất, khắc phục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp hàng hóa từ 1.300 ha - 1.500 ha với quy mô phù hợp. Tập trung đầu tư và phát triển các công nghệ sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bốn là, hoàn thiện các công trình văn hóa, chỉnh trang cơ sở vật chất văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các dịch vụ và phúc lợi xã hội; thực hiện tốt các chế độ chính sách về lao động, việc làm và thu nhập đối với người lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng.
Năm là, thực hiện các giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Giám sát, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm; đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đối với từng dự án cụ thể; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Xây dựng thêm các công viên, vườn hoa và triển khai trồng cây xanh trên các tuyến đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Thường xuyên quan tâm chỉnh trang hạ tầng đô thị - nông thôn, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, “đường thông, hè thoáng” trên địa bàn toàn huyện./.