Vai trò của giáo dục với phát triển nền kinh tế xanh

Thứ ba, 02/07/2024 15:59
(ĐCSVN) - Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và phát triển lực lượng lao động có khả năng tham gia vào nền kinh tế xanh. Xanh hóa giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm, và nó đòi hỏi sự đổi mới trong cách giáo dục và đào tạo.

Kinh tế xanh là gì?

Kinh tế xanh được đề cập đến lần đầu tiên bởi các nhà kinh tế môi trường Anh vào năm 1989, sau đó chính thức được sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững vào tháng 6/2012 tại Rio de Janeiro, Brasil. Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên hợp quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Trong nền kinh tế xanh, song song với việc phát triển kinh tế, yếu tố được coi trọng không kém là phát triển bền vững. Trong đó có thể kể đến các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và phát thải carbon, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng; ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái.

Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Ngân hàng Thế giới năm 2012, đưa ra định nghĩa kinh tế xanh là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên".

Sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Trong tất cả các lĩnh vực, các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai, góp phần làm giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 46,9% năm 2020 lên 56,9% năm 2023; Tỷ lệ che phủ toàn quốc là 42,02%. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng cao; từ đó tạo làn sóng về đầu tư vào phát triển xanh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện rác… Cho đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc:

+ Hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực;

+ Ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh;

+ Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều khu đô thị nổi lên, đặc biệt là hình thành các vùng nông thôn mới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 theo bảng xếp hạng của CEBR. Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế cacbon thấp.

Trước tình hình này, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và phát triển lực lượng lao động có khả năng tham gia vào nền kinh tế xanh. Xanh hóa giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm, và nó đòi hỏi sự đổi mới trong cách giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo là quá trình trao truyền và bồi dưỡng tri thức cho cá nhân và cộng đồng của thế hệ trước cho các thế hệ sau, để từ đó họ có thể tiếp nhận rèn luyện, hòa nhập và phát triển trong cộng đồng xã hội. Quá trình giáo dục và đào tạo cũng như quá trình tự giáo dục, tự đào tạo diễn ra suốt vòng đời con người thông qua hệ thống giáo dục trong nhà trường và hệ thống giáo dục xã hội. Mục tiêu của nền giáo dục và đào tạo của bất cứ quốc gia nào cũng đều hướng tới phát triển con người cả về thể lực, trí lực và tri thức tình cảm, xây dựng các thế hệ công dân đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Phát triển giáo dục và đào tạo chính là xây dựng nền móng văn hóa dân tộc, là cơ sở để phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Giáo dục và đào tạo là cơ sở thiết yếu để đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH. Giáo dục và đào tạo không chỉ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến đào tạo nguồn nhân lực cho nền sản xuất xã hội mà còn là trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, có vai trò to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay, vai trò của nhân tài nói riêng, của đội ngũ tri thức nói chung ngày càng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội mà cả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, trong đối nội và đối ngoại. Trên cơ sở nhận thức chung về vai trò đặc biệt của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển bền vững của đất nước, Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”.

 

Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh

Theo báo cáo “Đón đầu xu hướng mua hàng trực tuyến” do NielsenIQ Việt Nam thực hiện năm 2023 cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang dần thay đổi tư duy và hành vi tiêu dùng theo một cách thông minh hơn và có ý thức rõ ràng về giá trị sản phẩm. Theo nghiên cứu, khoảng 80% người Việt được hỏi quan tâm hơn tới sức khỏe tổng thể, 81% quan tâm hơn tới sức khỏe tinh thần và 79% quan tâm hơn tới sức đề kháng. Theo đó, 74% người Việt được hỏi cho biết họ đã sử dụng thực phẩm chức năng với mục đích cải thiện và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Do đó, doanh nghiệp Việt cần tập trung vào các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, có các chứng nhận như hàng Việt chất lượng cao, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)… Hơn nữa, nhà cung cấp hàng Việt cần thay đổi mẫu mã các sản phẩm thường xuyên, thực hiện các chương trình khuyến mãi hằng tuần, hằng tháng, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt. Các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện hoạt động đánh giá từ chuyên gia nội bộ hoặc bên thứ ba về kế hoạch hành động giảm phát thải và hiệu quả thực thi. Đồng thời, thay thế, giảm thiểu nhựa trong bao bì. Đầu tư, cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường. Mặt khác, đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải. Ứng dụng công nghệ cảm biến, AI, tự động hóa để cải thiện chuỗi cung ứng nhằm giảm lãng phí nước, năng lượng và nguyên liệu. Với các doanh nghiệp bán lẻ, cần có ứng dụng cho phép khách hàng theo dõi tác động của giỏ hàng họ mua lên môi trường. Các nhà bán lẻ nên cung cấp nhiều sản phẩm chay, hữu cơ và các sản phẩm địa phương. Dán nhãn carbon trên sản phẩm và sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa… 

Hiện nay, nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon. Nhiều siêu thị lớn của Việt Nam đã có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm thiểu túi nilon, cũng như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi nilon. Theo đó, các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Hà Nội, Big C Thành phố Hồ Chí Minh…  đã nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường… Tại Lotte Mart Việt Nam, đã có những bước chuẩn bị từ những năm gần đây trong việc tặng túi môi trường tái sử dụng cho người tiêu dùng, khuyến khích khách hàng khi đi mua sắm tại Lotte Mart mang theo túi môi trường tái sử dụng. Tại MM Mega Market, thay vì đưa ra túi nilon sử dụng một lần, MM bán những chiếc túi sử dụng nhiều lần với giá phải chăng, cung cấp những thùng carton, băng keo cho khách hàng,…

Trang bị cho người lao động kỹ năng xanh và việc làm xanh

Kỹ năng xanh đóng vai trò quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách của người lao động trẻ với nhu cầu của thị trường lao động ngày càng thay đổi nhanh chóng.

Kỹ năng xanh không đơn thuần là việc hiểu biết về phát triển bền vững, mà còn liên quan đến khả năng áp dụng các giải pháp sáng tạo và hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tài nguyên. Đây là lý do tại sao giáo dục cần phải thay đổi và cập nhật theo hướng “xanh hoá" hơn. Chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo hướng phù hợp với khái niệm phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu con người hiểu và nắm được ý nghĩa, giá trị nội tại của ý tưởng này cũng như phải có được những kỹ năng cần thiết và có khả năng áp dụng được chúng trong thực tế. Với nhận thức đó, giáo dục đào tạo được nhận định giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và đạt tăng trưởng xanh. Các chuyên gia và người lao động có kỹ năng sẽ là những người thực hiện việc sử dụng năng lượng và nguồn lực một cách hiệu quả tại nơi làm việc đồng thời tránh những nguy hiểm và rủi ro đến môi trường. Đó cũng là những người lao động có kỹ năng thực hiện trong dây chuyền sản xuất và áp dụng những kỹ thuật thân thiện với môi trường đúng cách. Mặt khác việc thiếu những người lao động có kỹ năng nghề tốt có thể cản trở sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Báo cáo Kỹ năng xanh toàn cầu năm 2023 do LinkedIn công bố cho thấy trong toàn bộ 48 quốc gia được khảo sát đều có người lao động đang làm công việc xanh hoặc liệt kê ít nhất một kỹ năng xanh trên hồ sơ kinh nghiệm. Nhóm này có cơ hội tìm được việc làm cao hơn 29% so với người không có kỹ năng xanh.

Việc làm xanh

Hiện tại dường như vẫn chưa có một định nghĩa nhất quán nào về việc làm xanh và phân biệt chúng với các công việc thông thường.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), việc làm xanh là những việc làm thuộc “lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng cũng như các hoạt động khoa học, kỹ thuật, quản lý và dịch vụ liên quan và chúng góp phần bền vững để bảo tồn và gìn giữ chất lượng môi trường”.

 “Nếu giáo dục được xem như là một chìa khóa để thực hiện các chiến lược phát triển một cách hiệu quả, Giáo dục và đào tạo kỹ thuật và nghề phải được coi là chìa khóa chủ đạo để có thể xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy hòa bình, bảo tồn môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả và giúp đạt được phát triển bền vững. Sự chuẩn bị cho công việc chính là cung cấp cho mọi người kiến thức, năng lực, kỹ năng, giá trị và thái độ để trở thành một công dân tích cực và có trách nhiệm, và chính những công dân này biết rõ vai trò công việc và góp phần xây dựng xã hội bền vững.

Bên cạnh những kỹ năng kỹ thuật thì việc nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy là rất cần thiết. Sự chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo định hướng khái niệm phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu con người hiểu được những giá trị và thái độ rõ ràng của khái niệm này cũng như nếu con người có được những kỹ năng cần thiết và có thể áp dụng chúng trong thực tế. Điều này cũng làm sáng tỏ hơn một điều rằng việc lồng ghép sự bền vững vào phát triển kỹ năng không thể làm giảm các nội dung chuyên môn nghề hay nghề nghiệp. Thách thức cho đào tạo là phải thực hiện tái định hướng chương trình đào tạo với những liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, công bằng xã hội và phát triển phù hợp, đồng thời bổ sung những năng lực để thực hiện thực hành bền vững tại nơi làm việc.

Những yêu cầu về việc làm xanh cũng như xanh hóa các việc làm là kết quả của sự thay đổi công nghệ và kinh tế của lĩnh vực công nghiệp. Đáp ứng những yêu cầu thay đổi này trong các khóa học giáo dục và đào tạo không phải là một điều mới, tuy nhiên hiện tại mới chỉ là việc phát triển những kỹ năng. Điều mới ở đây là những yêu cầu về kỹ năng này sẽ phải thay đổi trong những hoàn cảnh nhất định. Người lao động phải hiểu được những tác động môi trường trong nghề nghiệp/việc làm của họ, làm thế nào chúng có thể góp phần xây dựng một môi trường sạch sẽ, tránh những rủi ro môi trường và những nguy hại tại nơi làm việc,…. Họ cần những kiến thức và kỹ năng để sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả, làm thế nào để có thể tránh lãng phí, tái sử dụng và tái chế các vật liệu. Sự thay đổi tư duy là rất cần thiết. Trọng tâm là khả năng và sự sẵn sàng đảm nhiệm trách nhiệm tham gia sản xuất cho kết quả độc lập – tất nhiên trong giới hạn làm việc cho phép.

Những kỹ năng trên là những kỹ năng mà toàn bộ lực lượng lao động đều cần đến và cần được đào tạo trong mỗi nghề cũng như các khóa đào tạo.

Ngoài ra, sự bổ sung các kỹ năng trong mỗi nghề/việc làm/ngành công nghiệp cũng như bổ sung các kỹ năng kỹ thuật chuyên môn luôn cần thiết, ví dụ: để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, cần bảo trì tua bin gió và vận hành nhà máy xử lý nước thải. Thậm chí những kỹ năng xanh là những kỹ năng kỹ thuật chuyên môn mà về nguyên tắc chúng không thể phân biệt với những kỹ năng kỹ thuật thông thường. Việc áp dụng này là khác nhau. Doanh nghiệp là nơi có nhu cầu “nguồn nhân lực xanh” và “nguồn nhân lực chất lượng cao”. Hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là mối quan hệ hợp tác tương hỗ cùng có lợi, đáp ứng nhu cầu và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, lợi thế, tiềm năng của nhau trong quá trình cùng phát triển”.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, một số ngành dễ kiếm việc có liên quan đến phát triển kinh tế xanh như kiểm soát chất lượng sản phẩm, đánh giá chất lượng bao bì, chất lượng nguồn nước xả thải hay quản trị nhân lực xanh, logistics xanh, chuỗi cung ứng xanh, ….

Cùng với sự vào cuộc của tất cả các ngành nghề nói chung và giáo dục nói riêng, phát triển kinh tế xanh đang ngày càng được coi trọng và đạt những thành tựu nhất định, các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xanh của Việt Nam sẽ hoàn thành.

Ths Hoàng Phương Linh , Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực