Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về quản lý đầu tư công

Thứ ba, 30/11/2021 16:54
(ĐCSVN)- Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho rằng trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, vấn đề cần sớm được khắc phục đó là việc chậm giải ngân trong vốn đầu tư công. Việc này đã tác động lớn đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm đội vốn đầu tư.
 Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy giải ngân ước tính tới ngày 30/9/2021 mới đạt được 218,55 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 47,38% so với cùng kỳ là 56,33%. Số vốn chưa phân bổ, giao chi tiết đến ngày 15/9/2021 còn trên 56,32 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% kế hoạch, trong đó có vốn của các chương trình mục, mục tiêu quốc gia là 16.000 tỷ đồng, chiếm 3,4%.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, việc chậm thực hiện dự án sẽ làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 đến 3 năm sẽ làm tăng chi phí đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính hoặc như trong cảnh báo đường dây 500 KV Văn Phong - Vĩnh Tân, nếu dự án chậm tiến độ mỗi ngày phải bồi thường 1 triệu USD. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Do đó, để thực hiện tốt công tác giải ngân, đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư công, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng, phân bổ vốn ngân sách. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, của các cá nhân trong quản lý và thực hiện dự án. Khắc phục các nguyên nhân trong việc bố trí, phân bổ vốn, nhất là rút gọn các quy trình trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, các thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Về lĩnh vực nông nghiệp được xem là bệ đỡ cho kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm qua. Tuy nhiên, cơ cấu nông nghiệp phát triển không đồng đều, các giải pháp thực hiện liên kết giữa các nhà mở rộng thị trường chưa thực sự hiệu quả. Nguồn vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Chỉ tính trong lĩnh vực chăn nuôi đã cho thấy, trong khi mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD thì ngược lại cần nhập tới trên 15 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng năm 2020 là ngô gần 12 triệu tấn, tổng trị giá gần 3,8 tỷ USD. Như vậy, giá trị nhập siêu trong mọi lĩnh vực lương thực đã lên tới khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Nhìn một cách tổng thể, dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở top đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta vẫn phải nhập 70 đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân là do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như ngũ cốc, đậu tương khô, dầu các loại, phụ gia hiện Việt Nam sản xuất không đủ hoặc giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Do đó, đại biểu Bùi Xuân Thống kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giảm bớt sự phụ thuộc đầu vào của nông nghiệp từ thị trường bên ngoài, bảo đảm sự ổn định, bảo vệ và phát triển ngành nông nghiệp trong nước, tăng khả năng cạnh tranh để người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Giao chỉ tiêu thu ngân sách phù hợp

Về dự toán thu ngân sách năm 2022. Qua kết quả thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, kết quả thu ngân sách năm 2021 cho thấy có vượt thu nhưng cơ cấu không bảo đảm và chưa ổn định. Có nhiều nguyên nhân, song một nguyên nhân chủ quan chưa được khắc phục, đó là việc giao chỉ tiêu thu ngân sách cho các địa phương chưa sát với tình hình thực tiễn thu của các địa phương. Việc thực hiện thu số phát sinh cuối năm đã tận thu ứng thuế của năm sau, không phản ánh đúng khả năng thực thu của các địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện tỷ lệ điều tiết không phù hợp sẽ hạn chế sự phát triển của các địa phương.

Đại biểu Quốc hội dẫn chứng, năm 2020, Đồng Nai được giao chỉ tiêu thu là 47.185 tỷ đồng, tỷ lệ điều tiết là 47%, dự toán năm 2022 là 58.032 tỷ đồng, tăng gần 23%, nhưng tỷ lệ điều tiết từ 47% giảm xuống 45%. Với việc giao chỉ tiêu tăng và giảm tỷ lệ điều tiết như trên thì Đồng Nai rất khó khăn về nguồn lực để phát triển. Trong khi các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương sau đợt dịch thứ tư đã bị tổn thương nặng nề về kinh tế, xã hội, cần rất nhiều nguồn lực để nhanh chóng phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh, để người lao động yên tâm quay trở lại khôi phục sản xuất.

“Chính phủ cần xem xét lại việc giao chỉ tiêu thu ngân sách phù hợp, khắc phục những bất cập trong giao chỉ tiêu ngân sách. Đồng thời, cần xem xét nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thích hợp để có nhiều cơ hội đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước”- đại biểu kiến nghị.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực