Nhãn lồng Hưng Yên trên đường xuất ngoại

Thứ năm, 05/08/2021 16:38
(ĐCSVN) – Mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc vận chuyển bằng đường hàng không gặp nhiều khó khăn, và cước phí vận chuyển tăng cao, nhưng nhãn lồng Hưng Yên thời gian qua vẫn nỗ lực để đến được các thị trường khó tính ở ngoài nước.

Đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe để có mặt tại các thị trường khó tính

Những ngày qua, thông tin nhãn lồng Hưng Yên có mặt tại cửa hàng cao cấp Hương Quê Việt ở Reivex Building (Singapore) khiến không chỉ cộng đồng người Việt tại Singapore phấn khởi vì được mua sản vật của quê nhà, mà còn khiến những người yêu mến loại quả đặc sản của Hưng Yên cảm thấy… vui lây. Như vậy, bất chấp những khó khăn do bối cảnh COVID-19 gây ra, các cơ quan chức năng, cũng như doanh nghiệp và người dân đã chung tay, góp sức để nông sản Việt tiếp tục vươn ra các thị trường khó tính ở ngoài nước.

Theo đại diện Công ty Mia Fruit –  đơn vị xuất khẩu cho biết, lô nhãn lồng đầu tiên trong năm nay xuất sang Singapore có sản lượng 500 kg, với 300 kg đã được cắt cành và đóng hộp, số còn lại để cành tự nhiên theo nhu cầu của khách hàng. Loại nhãn lồng Hưng Yên được xuất bán tại Singapore là phân khúc cao cấp, được chọn mua từ các nhà vườn đạt tiêu chuẩn trồng của tỉnh và có giấy chứng nhận VietGap. Nhãn thu hoạch xong sẽ được chọn lọc, phân loại từng trái rồi chiếu xạ chống ký sinh trùng để phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.Tại thị trường Singapore, loại nhãn này được bán với giá 13 đôla Singapore mỗi ký, tương đương khoảng 220.000 đồng.

Nhãn lồng Hưng Yên được vận chuyển để đưa sang thị trường châu Âu và Vương quốc Anh tháng 7/2021. (Ảnh: Sở Công thương Hưng Yên) 

Trước đó, vào trung tuần tháng 7/2021, Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) cũng đã tiến hành thu mua nhãn tươi của Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng tại xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Đây là hợp tác xã đầu tiên tại Hưng Yên xuất khẩu nhãn sang thị trường châu Âu. Để đủ điều kiện xuất khẩu nhãn sang thị trường khó tính này, các hội viên phải tham gia vùng sản xuất theo quy chuẩn VietGAP; đồng thời phải lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cây ăn quả Quyết Thắng cũng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát toàn bộ quy trình từ khâu chăm bón, cắt tỉa cành để tạo nên sản phẩm tốt, an toàn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5/8, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên cho biết:Các sản phẩm nhãn xuất khẩu trước hết đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn VietGap, đồng thời phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trong đó ngay từ khâu thu hoạch nhãn, người hái nhãn phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe tốt và phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình thu hái.

Tiếp tục mở rộng thị trường ngoài nước

Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương trong việc trồng nhãn, vào ngày 15/7 vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh năm 2021 theo hình thức trực tiếp và kết hợp trực tuyến.

Đây là hội nghị với quy mô quốc tế lớn nhất từ trước đến nay nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, xúc tiến tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho quả nhãn và nông sản Hưng Yên. Hội nghị được thực hiện theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, kết nối với 15 điểm cầu tỉnh, thành trong nước, gần 60 điểm cầu chính ở nước ngoài từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
(Ảnh: Sở Công thương Hưng Yên) 

Thông tin từ hội nghị cho thấy, năm 2021, diện tích nhãn lồng cho thu hoạch của Hưng Yên khoảng 4.500 ha; trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300 ha. Sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15-20%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, sản lượng nhãn năm 2021 đạt được là tin vui với các hộ trồng nhãn ở Hưng Yên trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức cho việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Bởi vậy, việc đưa nhãn lồng Hưng Yên lên các sàn thương mại điện tử trong nước cũng như xuất sang các thị trường ngoài nước là những hướng đi mới cần được tăng cường trong thời gian tới.

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên cho biết, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, nhãn lồng Hưng Yên đã đến được các thị trường như Singapore, Australia và mới đây nhất là Anh, Đức,… sắp tới sẽ tiến vào một số thị trường như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản,… Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch nhãn của tỉnh vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn như thị trường Trung Quốc cần 12 – 15 tấn nhãn nhưng hiện nay sản lượng của tỉnh chưa đáp ứng được con số này. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu cũng gặp một số khó khăn như vận chuyển bằng đường hàng không bị hạn chế, giá cước vận chuyển cao. Do vậy, nếu vận chuyển bằng đường biển thì thời gian lâu hơn, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng quả nhãn.

Nhãn Hưng Yên gồm 3 trà chính là trà sớm, trà chính vụ và trà muộn, gồm các giống chất lượng cao như: Nhãn Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Miền Thiết, nhãn T6... Trong đó, các giống nhãn chín sớm và chính vụ được trồng chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Nhãn chín muộn chủ yếu được trồng ở huyện Khoái Châu.

Nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”, được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu nhãn lồng Hưng Yên./.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực